dd/mm/yyyy

Lào Cai: Nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp toàn diện

Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã và đang có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững, toàn diện.

Ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai "trụ đỡ" của nền kinh tế

Trong những năm qua, mặc dù sản xuất nông nghiệp tỉnh Lào Cai còn gặp nhiều khó khăn về thời tiết, khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… song ngành nông nghiệp tiếp tục là "trụ đỡ" của nền kinh tế và luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Đặc biệt sau gần 02 năm triển khai thực hiện Đề án số 01 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025 và 01 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhiều giải pháp giúp ngành nông nghiệp Lào Cai phát triển toàn diện - Ảnh 1.

Năm 2022, giá trị sản phẩm/ha đất canh tác của tỉnh Lào Cai ước đạt 88 triệu đồng. (Ảnh: Phạm Hoài)

Ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả khả quan: Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 5,7%, cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch hợp lý, cơ cấu sản phẩm đã dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi như dược liệu, cây chè, chuối, dứa, cây quế.... Năm 2022, giá trị sản phẩm/ha đất canh tác ước đạt 88 triệu đồng; Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 340.000 tấn; sản lượng thịt hơi các loại 65.000 tấn; sản lượng thủy sản 11.200 tấn, đảm bảo an ninh lương thực và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Toàn bộ diện tích rừng được quản lý chặt chẽ, tỷ lệ che phủ rừng đạt 57,7%.

Nhiều giải pháp giúp ngành nông nghiệp Lào Cai phát triển toàn diện - Ảnh 2.

Năm 2022, tỉnh Lào Cai trồng mới 860ha chè. (Ảnh: TH Mường Khương)

Tỉnh Lào Cai đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đối với các cây trồng chủ lực như: Vùng sản xuất chè đạt 7.224 ha (năm 2022 trồng mới 860 ha); vùng sản xuất dược liệu diện tích 3.585 ha (cây lâu năm 3.050 ha, cây hàng năm 535 ha); vùng sản xuất chuối diện tích 3.111 ha; vùng sản xuất dứa diện tích đạt 2.062 ha; vùng sản xuất quế diện tích đạt 49.500 ha… với nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước như Chè hữu cơ Bản Liền, Quế hữu cơ Nậm Đét… Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được mở rộng với trên 80 mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với tổ hợp tác, hộ nông dân theo chuỗi với các sản phẩm: chè, dược liệu, rau, lúa gạo, chuối, dứa….. quy mô trên 15.000 ha, liên kết với khoảng 20.000 hộ nông dân.

Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đã có 62 xã/127 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 29,82 triệu đồng/người/năm, tăng 3,64 triệu đồng/người/năm so với với năm 2020.

Khó khăn trong phát triển ngành nông nghiệp ở Lào Cai

Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn những khó khăn như: Tăng trưởng chưa bền vững, quy mô các ngành hàng còn nhỏ, chất lượng vùng hàng hóa thấp, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế để nâng cao giá trị nông nghiệp của địa phương; Phát triển kinh tế đồi rừng chưa tương xứng với tiềm năng, hiệu quả kinh tế lâm nghiệp còn thấp; Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp còn hạn chế; việc cơ giới hóa, đưa giống mới vào sản xuất chưa phát triển; sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ, nông nghiệp sạch chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu vẫn canh tác theo quy trình kỹ thuật truyền thống.

Nhiều giải pháp giúp ngành nông nghiệp Lào Cai phát triển toàn diện - Ảnh 3.

Hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp tỉnh Lào Cai còn yếu, cơ bản vẫn là kinh tế hộ, manh mún nhỏ lẻ. (Ảnh: Phạm Hoài)

Hình thức tổ chức sản xuất còn yếu, cơ bản vẫn là kinh tế hộ, manh mún nhỏ lẻ; quan hệ sản xuất chậm đổi mới, các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất mang tính tự phát; thị trường tiêu thụ các loại nông sản thiếu ổn định; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn.

Công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu, ít sản phẩm chế biến sâu, chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị nông sản thấp; Kết cấu hạ tầng và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Một số cơ chế, chính sách chưa đi vào cuộc sống, chậm được sửa đổi, hầu hết các chính sách phục vụ an sinh, chưa có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp còn dàn trải, nhỏ lẻ, manh mún, cào bằng nên chưa thực sự có hiệu quả.

Nhiều giải pháp giúp ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai phát triển bền vững, toàn diện

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, thời gian tới, tỉnh Lào Cai tập trung vào một số giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp theo Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tập trung quy hoạch, phát triển tạo thành vùng sản xuất hàng hóa 06 ngành hàng chủ lực (chè, dược liệu, chuối, dứa, chăn nuôi lợn, quế), 02 lĩnh vực là phát triển kinh tế đồi rừng và ngành hàng tiềm năng địa phương; khuyến khích liên kết, tập trung đất đai tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Nhiều giải pháp giúp ngành nông nghiệp Lào Cai phát triển toàn diện - Ảnh 4.

Tỉnh Lào Cai khuyến khích liên kết, tập trung đất đai tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. (Ảnh: Phạm Hoài)

Phát triển chăn nuôi phù hợp với thị trường và an toàn dịch. Thay đổi tư duy chăn nuôi từ chăn thả truyền thống sang sản xuất hàng hóa; đa dạng hóa đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, đặc sản. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện liên kết sản xuất với người chăn nuôi.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng bền vững. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trồng rừng sản xuất ở vùng thấp; thay thế diện tích cây trồng kém hiệu quả bằng trồng cây lâm nghiệp đa mục đích; khuyến khích phát triển các Tổ hợp tác, HTX lâm nghiệp, chế biến sâu lâm sản để nâng cao giá trị. Phát huy tối đa các dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái... để tạo nguồn thu, tái đầu tư cho phát triển.

Phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP đảm bảo đáp ứng cả về số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường; đổi mới và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, nhất là các Hợp tác xã gắn với các vùng sản xuất hàng hóa các ngành hàng chủ lực để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nhiều giải pháp giúp ngành nông nghiệp Lào Cai phát triển toàn diện - Ảnh 5.

Tỉnh Lào Cai đang có nhiều giải pháp nhằm thay đổi tư duy chăn nuôi của người dân từ chăn thả truyền thống sang sản xuất hàng hóa; đa dạng hóa đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, đặc sản. (Ảnh: Phạm Hoài)

Khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thí điểm thực hiện cơ chế giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất thu hút đầu tư xây dựng các dự án chế biến nông sản. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, coi trọng phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm chủ lực như chè, chuối, dứa, quế, chế biến lâm sản.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách hiện hành và đặc biệt chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh (Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 và Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh).

Thanh Ngân-Phạm Hoài