Lào Cai: Mở gần 50km đường băng trắng cản lửa trong mùa khô hanh
21/04/2025 11:49 GMT +7
Mùa khô hanh 2024 - 2025, các địa phương trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống cháy rừng. Trong đó, nổi bật là việc mở mới 48,6km đường băng trắng cản lửa tại các khu vực trọng điểm.
Đường băng trắng cản lửa góp phần giảm thiểu nguy cơ cháy rừng
Các tuyến đường băng được mở tại rừng phòng hộ đầu nguồn; khu vực giáp ranh giữa rừng với khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp; những nơi có nguy cơ cháy cao hoặc thường xuyên xảy ra cháy rừng; khu vực có địa hình dốc lớn, thảm thực bì dày.
Mỗi tuyến có chiều rộng từ 15 đến 30 mét, tùy theo điều kiện thực tế, bảo đảm khả năng cô lập và cách ly đám cháy, tạo ranh giới an toàn, hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác chữa cháy.
Cụ thể, huyện Văn Bàn mở 16,7km đường băng trắng cản lửa tại khu vực rừng giáp ranh xã Nậm Tha (huyện Văn Bàn) và xã Nậm Có (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái); thị xã Sa Pa làm 24,7km tại khu vực rừng giáp ranh xã Mường Hoa và xã Tả Phời (TP. Lào Cai); TP. Lào Cai thực hiện 7,2km tại vùng giáp ranh giữa xã Tả Phời và xã Mường Hoa, Thanh Bình (thị xã Sa Pa).
Công tác thi công được thực hiện bằng phương pháp kết hợp giữa cơ giới và thủ công, với sự tham gia của lực lượng Kiểm lâm, tổ Bảo vệ rừng thôn, bản và người dân địa phương. Ngoài việc phát dọn thực bì, nhiều nơi còn áp dụng phương pháp đốt trước có kiểm soát để tạo hành lang an toàn.

Việc mở đường băng cản lửa không chỉ phát huy hiệu quả trong mùa khô hanh, mà còn góp phần lâu dài vào công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các tuyến đường này giúp chia nhỏ diện tích rừng, thuận lợi cho công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nguy cơ cháy cũng như các hành vi xâm hại rừng.
Song song với các biện pháp kỹ thuật, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được đẩy mạnh. Nhiều tổ, đội xung kích tại cơ sở đã được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả. Người dân được tập huấn, trang bị kiến thức, tích cực tham gia tuần tra, canh gác trong thời điểm cao điểm của mùa khô.
Kiên quyết xử lý, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu UBND cấp xã, chủ rừng, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng
UBND tỉnh Lào Cai cũng vừa ban hành văn bản khẩn về việc tiếp tục tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh Lào Cai yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và tổ chức thực hiện tốt pháp luật về lâm nghiệp, nâng cao nhận thức của Nhân dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng bằng các kế hoạch, hội thảo, cuộc họp, tập huấn cụ thể.
Phát huy tinh thần đoàn kết, tố giác, lên án những tổ chức, cá nhân có hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng. Tiếp tục tổ chức quán triệt sâu sắc, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp năm 2017. Tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và lực lượng chức năng phối hợp với lực lượng Kiểm lâm và đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng, phát hiện ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái pháp luật.
Tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá diện tích rừng tự nhiên bị phá chuyển sang trồng rừng kinh tế trên địa bàn quản lý, nhất là tại các Ban Quản lý rừng phòng hộ, Công ty lâm nghiệp, diện tích do UBND cấp xã quản lý và diện tích rừng tự nhiên đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.
Ngăn chặn kịp thời tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất; xử lý, kiên quyết thu hồi diện tích đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm; giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng.
Kiên quyết xử lý, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu UBND cấp xã, chủ rừng, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chưa thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra vi phạm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.