Lào Cai: Có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

PV Tây Bắc

15/05/2025 15:46 GMT +7

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho tỉnh Lào Cai.

Nghi lễ cúng rừng của người Pa Dí, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Ngọc Thanh.

Lào Cai có bao nhiêu di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Theo đó, nghi lễ cúng rừng của người dân tộc Pa Dí, huyện Mường Khương và nghề đan lát của người Tày, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình: Tập quán xã hội và nghi lễ, nghề thủ công truyền thống.

Nghi lễ cúng rừng của người dân tộc Pa Dí là một trong những nghi lễ đặc sắc với sự tham gia của các thành viên trong cộng đồng nhằm tạ ơn thần rừng và các thần linh đã bảo vệ, chở che cho người dân cũng như cây trồng, vật nuôi được sinh sôi phát triển, cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Đồng thời, thông qua hoạt động các giá trị nghi lễ, các trò chơi dân gian cũng như các quy ước, hương ước về bảo vệ rừng, nguồn nước…được người dân tích cực tham gia góp phần bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc.

Nghề đan lát của người Tày, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Trọng Điểm.

Nghề đan lát truyền thống dân tộc Tày xã Nghĩa Đô đã có trên 100 năm và đang tiếp tục được người dân lưu giữ và phát triển. Thời gian làm nghề 20 - 22 ngày/tháng với giá thành từ 50.000 - 150.000 đồng/sản phẩm; thị trường tiêu thụ trong và ngoài huyện Bảo Yên.

Nguồn nguyên liệu giang, nứa, tre… tại địa phương và các xã lân cận với quy trình sản xuất thủ công. Đây là nghề mang đậm bản sắc dân tộc Tày; được truyền nghề cho con cháu trong gia đình.

Tuỳ theo từng loại sản phẩm cách thức và kỹ thuật đan khác nhau như giỏ, bem đựng quần áo đan hai lớp và thường đan lóng đôi, lóng ba…

Các sản phẩm đồ đan không những mang ý nghĩa giá trị về lịch sử tộc người mà còn ẩn chưa các giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật tạo hình hoa văn trang trí trên bề mặt các sản phẩm đan.

Ngày nay, sản phẩm đan được tạo ra không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách du lịch khi đến với Nghĩa Đô.

Việc có thêm 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vừa được công nhận, tỉnh Lào Cai hiện có 43 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức lễ công bố và đón nhận 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia kể trên.