Clip: Nhiều ngôi nhà bị ngập nước do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.
Thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3
Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bảo Thắng, đến sáng ngày 9/9, toàn huyện có tổng số 361 nhà bị ngập nước, sạt lở. Thiệt hại về nhà ở lớn nhất là xã Phú Nhuận với 69 nhà; tiếp đến là xã Sơn Hà với 50 nhà bị ngập nước, xã Thái Niên 37 nhà, xã Bản Cầm 4 nhà. Ngoài ra có 86 hộ thuộc xã Gia Phú, 102 hộ thị trấn Phố Lu, 13 hộ xã Trì Quang được các lực lượng cùng nhân dân tổ chức di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.
Về sản xuất nông nghiệp, thiệt hại trên 132ha lúa tại các xã Phú Nhuận, xã Sơn Hà, Gia Phú, Bản Cầm, Trì Quang và thị trấn Phố Lu; trên 108ha ngô tại xã Bản Cầm, xã Phú Nhuận, Sơn Hải, xã Gia Phú, xã Thái Niên, Trì Quang và thị trấn Phố Lu; 21 ha rau màu tại thị trấn Phố Lu, xã Thái Niên, xã Bản Cầm; 8,5ha chuối tại xã Trì Quang, Sơn Hải, Thái Niên và thị trấn Phố Lu.; 7,5ha thuỷ sản tại xã Phú Nhuận, xã Thái Niên, xã Trì Quang.
Mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường bị sạt lở, như: Đường giao thông nông thôn Khe Dùng – Ba Dốc sạt lở 14 điểm; đường Tân Thắng- Lượt; Tân Thắng – Hải Niên sạt lở 5 điểm ; đường giao thông nông thôn Đo Noài – Lượt, Đo Ngoài – Mom Đào sạt lở 3 điểm; đường Làng My (Xuân Quang) đi Đền Đồng Ân thôn Quyết Tâm sạt ta luy dương 1 điểm; đường Làng Giàng đi Làng Chung (xã Bản Phiệt)1 điểm....
Nhiều tuyến đường bị ngập úng cục bộ, như khu vực đầu cầu Sơn Hà; Đường CMT8 khu vực cầu bệnh viện đã ngập trên cầu 50cm, cầu đập trần, đường tỉnh lộ 161 ngập khu vực tổ dân phố Phú Thịnh 2; tổ dân phố Tân Thành khu vực cầu máng ngập 2m. Các đường trong ngõ xóm của các thôn, tổ dân phố cũng ngập úng không đi lại được. Công trình hạ tầng kỹ thuật bờ kè sông Hồng do nước sông Hồng dâng cao gây ngập úng toàn bộ không đi lại được.
Hỗ trợ người dân khắc phục thiện hại do mưa lũ
Trước diễn biến trên, huyện Bảo Thắng đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nghiêm túc các yêu cầu của Trung ương, của tỉnh về việc tập trung ứng phó với nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Chỉ đạo các xã, thị trấn đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, lũ quét; thực hiện cắm biển cảnh báo nguy hiểm thiên tai. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, căng dây, cắm biển cảnh báo, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các khu vực, vị trí đã xảy ra và có nguy cơ tiếp tục sạt lở cao; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do chủ quan, bất cẩn. Chỉ đạo lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai chủ động thường trực và sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn đảm bảo kịp thời và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai do mưa lũ gây ra. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ, thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền các cấp và người dân để chủ động phòng tránh. Huyện Bảo Thắng chỉ đạo quyết tâm không để xảy ra thiệt hại về người và thiệt hại thấp nhất về tài sản do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra.