CLIP: Làng nghề Đồng Kỵ ít đơn hàng xuất khẩu, 30-40% số hộ dân bỏ nghề.
Trong cái nắng "đổ lửa" những ngày đầu hè cuối tháng 5/2023, những dãy cửa hàng đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ dọc tuyến đường đôi Nguyễn Văn Cừ ở phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh vẫn bày bán các sản phẩm gỗ được chạm đục cầu kỳ, tinh xảo, nhưng có rất ít khách đến xem, mua hoặc đặt hàng.
Ít đơn hàng xuất khẩu, 30-40% số hộ dân bỏ nghề
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tạo – Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ chia sẻ, trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, thương nhân người Trung Quốc, rồi khách hàng, lao động về Đồng Kỵ mua bán, sản xuất rất đông đúc, tấp nập.
Theo ông Tạo, vào thời điểm đó, làng nghề gỗ Đồng Kỵ thường xuyên có khoảng 3.000-4.000 lao động từ các nơi đổ về cùng với cả nghìn thương nhân Trung Quốc sang giao thương, mua bán và đặt hàng. Nhờ đó, nhịp sống, lao động sản xuất ở Đồng Kỵ lúc nào cũng tấp nập.
Để phục vụ sản xuất của các cơ sở, doanh nghiệp, mỗi ngày các cơ sở kinh doanh, buôn bán ở Đồng Kỵ nhập khẩu về 2-3 container gỗ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, việc nhập khẩu các loại gỗ quý hiếm về Đồng Kỵ rất hạn chế. Trong 3-4 ngày mới có 1-2 container hàng được nhập về.
"Mấy năm trở lại đây, do không có việc làm nên người dân bỏ nghề đi làm công ty tương đối nhiều, chiếm khoảng 30-40% là các hộ dân đang tổ chức sản xuất bỏ nghề để đi làm các công ty ở khu vực lân cận" – ông Nguyễn Văn Tạo thông tin.
Theo ông Tạo, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa biên giới trở lại, nhưng số thương nhân Trung Quốc đến Đồng Kỵ giao thương, mua bán chưa nhiều. Một số thương nhân Trung Quốc sang lại chọn các phường lân cận như: Phù Khê, Hương Mạc… để lưu trú, chốt đơn hàng vì ở đó có nhà nghỉ và hệ thống kho chứa hàng rộng, đáp ứng yêu cầu của các thương nhân.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa đang mùa thấp điểm, sức mua giảm nên nhiều cơ sở sản xuất không có việc làm, cửa hàng bày bán sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách.
Gặp chúng tôi, ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ - nơi tập hợp khoảng 100 doanh nghiệp, hộ sản xuất gỗ mỹ nghệ - cho biết ông vừa có chuyến đi Thái Lan để tìm hiểu cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ tại thị trường này.
Dẫn phóng viên Dân Việt đi thăm khu trưng bày các sản phẩm gỗ mỹ nghệ, ông Vương cho biết, cơ sở sản xuất của gia đình đã thiết kế những mẫu bàn ghế mới, có kiểu dáng hiện đại như bộ đồ gỗ sofa bọc da dạng trơn hoặc đục khảm cầu kỳ. Những mẫu hàng mới này sẽ tiếp thị vào thị trường miền Nam và một số thị trường mới như Thái Lan, Hàn Quốc…
"Hiện các đơn hàng chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Đơn hàng của Trung Quốc họ mới chuẩn bị qua để ký hợp đồng. Những mặt hàng này sẽ do phía Trung Quốc đưa ra mẫu mã sản phẩm, thiết kế để các nhà sản xuất ở Đồng Kỵ sẽ áp theo và gia công, chế biến các đơn hàng của Trung Quốc" – ông Vương nói.
Theo ông Vương, trong thời gian bị tác động của đại dịch Covid-19, có tới 50% các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong Hiệp hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cũng như của làng nghề phải ngừng hoạt động vì thị trường đầu ra với Trung Quốc bị đóng cửa. Nhiều hộ gia đình phải đi làm các việc khác để duy trì cuộc sống gia đình.
Mong sớm có chợ gỗ, tạo thuận lợi cho người dân mua bán, sản xuất
Nhắc đến Đồng Kỵ, ai cũng biết đó là một làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống có danh tiếng bậc nhất ở Bắc Ninh. Nơi đây từng được mệnh danh là "làng giám đốc" hay "làng tỷ phú" với nhiều cơ sở sản xuất, cửa hàng kinh doanh, buôn bán các sản phẩm gỗ mỹ nghệ lúc nào cũng tấp nập, sầm uất và giàu có.
Trong cơ cấu kinh tế ở phường Đồng Kỵ, tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ chiếm tới 99%, nông nghiệp chỉ còn khoảng 1%. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại – dịch vụ trên địa bàn phường Đồng Kỵ gặp nhiều khó khăn, ước đạt 950 tỷ đồng trong năm 2022, tương đương năm 2021.
Ông Nguyễn Văn Tạo cho biết, thu nhập bình quân đầu người ở phường Đồng Kỵ ước khoảng 50-52 triệu đồng/người/năm. Đây là mức thu nhập thấp hơn trung bình chung của thành phố Từ Sơn - hơn 216 triệu đồng/người/năm thuộc tốp cao của cả nước.
Theo phản ánh từ các chủ cửa hàng bán đồ gỗ ở Đồng Kỵ, hiện nay thị trường Trung Quốc mua ít hơn, nhưng về chất lượng lại yêu cầu cao hơn. Điều này cho thấy các hộ dân, doanh nghiệp xuất sang Trung Quốc phải cải thiện mẫu mã, thiết kế để làm ra những sản phẩm đẹp hơn, tinh hơn mới có thể bán được nhiều hàng.
Tuy nhiên, điều mong muốn của người dân, doanh nghiệp ở Đồng Kỵ hiện nay là sớm có chợ đầu mối về gỗ để họ kinh doanh, buôn bán ổn định, phục vụ nguồn gỗ hợp pháp cho các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước đây, ở Đồng Kỵ có những khu chợ gỗ, nhưng đã giải tỏa. Để có mặt bằng để kinh doanh, buôn bán gỗ, gia đình bà Dương Thị Hữu ở Đồng Kỵ đã phải thuê tạm mảnh đất rộng 160m2 của Công ty Nam Hồng với giá thuê 50 triệu đồng/năm. Thế nhưng, phía công ty đang muốn lấy lại đất để xây dựng công trình. Vì thế, bà Hữu mong muốn sớm có một chợ gỗ lớn trên địa bàn để bà và các hộ dân kinh doanh gỗ hoạt động yên ổn hơn.
Liên quan tới vấn đề này, ông Vũ Quốc Vương mong muốn các cấp chính quyền ở địa phương cần sớm vào cuộc, làm các tờ trình để trình lên UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt cho làng nghề có một chợ đầu mối cho làng nghề Đồng Kỵ và các làng nghề xung quanh.
"Với việc hình thành chợ đầu mối này, Đồng Kỵ sẽ thay đổi các nguồn gỗ hợp pháp nhanh nhất và cũng là nơi để mọi người nhìn vào đánh giá Đồng Kỵ phát triển theo một hướng hoàn toàn mới"- ông Vương chia sẻ.