Thứ Ba, ngày 15/04/2025 08:50 (GMT+7)
Làm mới mô hình sản xuất để nâng chất nông thôn
25/09/2018 10:24 GMT +7
Với chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, khu vực nông thôn TP.HCM đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới, góp phần đáng kể trong việc phát triển nông thôn.
Xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) là một điển hình. Từ chỗ là xã nghèo nhất thành phố, giờ Bình Lợi đã vươn lên có thu nhập bình quân cao nhất khu vực nông thôn, với 57 triệu đồng/người/năm (2017), so với 19 triệu đồng/người/năm (2010).

Làm mới mô hình sản xuất
Những ngày này về vùng trồng mai vàng xã Bình Lợi đã thấy nông dân rục rịch chuẩn bị vườn cho mùa mai Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Bình Lợi là xã thuần nông, đất sản xuất nông nghiệp là đất phèn, nguồn nước tưới chủ yếu là sông rạch tự chảy theo thủy triều, người dân ở đây chủ yếu là trồng mía. Tuy nhiên, do trồng mía cho thu nhập không ổn định, giá cả bấp bênh nên thành phố khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với xây dựng NTM, nâng cao giá trị kinh tế. Xuất phát từ lợi ích đó, nông dân Bình Lợi đã chuyển từ cây mía sang trồng mai, hiện loại cây trồng này đã trở thành ngành nghề truyền thống của nông dân nơi đây.
Tuy nhiên, gần đây ngành chức năng đã quyết định “nâng chất” nghề trồng mai ở đây với việc thành lập CLB Hoa mai xã Bình Lợi để phát huy hơn nữa lợi thế, giúp các hộ hỗ trợ nhau sản xuất cũng như tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Ông Hồ Vĩ Nhân - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bình Chánh cho biết, CLB còn là cánh tay nối dài của công tác khuyến nông, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân, giúp bà con sản xuất hiệu quả.
Thực tế, sự hình thành CLB đã giúp các hộ trồng mai xã Bình Lợi liên kết sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời, bà con liên kết với nhau trong khâu chọn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư, tiêu thụ…
Chủ nhiệm CLB Hoa mai Bình Lợi, ông Trần Tứ Vương cho biết, từ khi hình thành CLB, việc trồng mai của bà con quy củ hơn. Bà con nông dân đã biết giúp nhau cùng phát triển, đời sống kinh tế của những người trồng mai cũng ngày càng tốt hơn. Theo UBND xã Bình Lợi, hiện xã có hơn 1.500ha đất nông nghiệp, trong đó có 249ha/147 hộ trồng mai vàng, doanh thu bình quân khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Theo thống kê, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn xã bán hơn 70ha mai thành phẩm.
Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phạm Phú Cường cho biết, sau nhiều năm xây dựng, giờ trên địa bàn huyện đã hình thành vùng chuyên canh rau sạch, đem lợi nhuận khá tốt và bền vững cho nông dân. Tuy nhiên, ông đang hy vọng mô hình làm rau sạch công nghệ cao của bà Nguyễn Thị Kim Xuân (xã Trung Lập Thượng) sẽ tạo đột phá trong lĩnh vực sản xuất rau sạch.
Được biết, nông trang này rộng khoảng 6ha, được canh tác theo lối công nghệ cao, sản phẩm chủ yếu là ớt và một số loại rau mùi khác. Tất cả nông sản làm ra đều được các hệ thống siêu thị trong nước tiêu thụ.
Bà Xuân cho biết, bà đang chuyển sang làm nông sản xuất khẩu sang EU. Hiện, mỗi tháng bà xuất sang châu Âu khoảng 4 tấn ớt. “Tôi đang có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất có sự liên kết của bà con nông dân”, bà Xuân thổ lộ.
Ông Cường cũng khá ủng hộ kế hoạch này. Việc hướng cho nông dân tiếp cận mô hình sản xuất mới, công nghệ cao, an toàn chất lượng và ổn định đầu ra, nhất là xuất hàng ra nước ngoài trong điều kiện sản xuất trong nước khá chật vật, theo ông Cường là cách làm mới mô hình trồng rau trên địa bàn, mang lại sản xuất tốt, thu nhập cao cho nông dân.
“Chủ thể” đích thực…
Ai cũng biết, khi nông dân khá giả, giàu có sẽ là nguồn lực đảm bảo để xây dựng NTM bền vững. Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn TP.HCM năm 2016 – 2017, Ban chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng NTM đánh giá, nhờ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, không những tạo việc làm thường xuyên cho lao động trong gia đình mà còn giải quyết thêm việc làm cho một số lao động khác...
Theo bà Xuân, để chia sẻ thành công với nông dân, hiện bà đã liên hệ khoảng 60 hộ nông dân trên địa bàn 10 xã của huyện Củ Chi để liên kết sản xuất. Ngoài ra, bà sẽ xây dựng HTX với mục tiêu cung cấp vật tư nông nghiệp giá rẻ, bán trả chậm cho nông dân; thu mua nông sản với giá tốt, ổn định cho bà con...
Tương tự như thế, tại xã Bình Lợi, từ khi đời sống của bà con khá lên, bộ mặt nông thôn tại đây cũng thay đổi đáng kể. Theo UBND xã Bình Lợi, xã đã xây dựng 23 tuyến đường nhựa, cấp phối đá dăm (41,2km), phần lớn là mở rộng các tuyến đường ven kênh. Hoàn thành các dự án xây dựng hệ thống đê bao ngăn lũ khu B, xây mới cầu Bà Tỵ, cầu Thầy Thuốc và 4 cây cầu trên đường Trương Văn Đa (cầu Ông Oánh, cầu Năm Xuyên, cầu Độc Lập, cầu Tám Đại). Đường đến đâu, ngành điện kéo dây đến đó để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Nhờ giao thông phát triển việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng khá dễ dàng.
Theo ông Vương, cùng với sự chia sẻ tài chính, công sức cùa người dân với chính quyền nhằm hoàn thành các công trình xây dựng NTM, bà con nông dân trồng mai cũng góp công, góp sức. “Điều kiện kinh tế bà con tốt hơn xưa nên chẳng ngại ngần trong việc đóng góp. Vả lại, bà con làm bà con hưởng, đường sá thông thương đến tận vườn mai giúp việc vận chuyển thuận lợi hơn” - ông Vương cho biết.