dd/mm/yyyy

Lai Châu: Cây dong riềng “bén rễ” trên đồng đất Sùng Phài

Thành công từ mô hình thử nghiệm dong riềng ở xã Sùng Phài (TP. Lai Châu, tỉnh Lai Châu) đã giúp loại cây này nhanh chóng “bén rễ” trên đồng đất nơi đây...

Thành phố Lai Châu trồng thử nghiệm dong riềng

Ở một số địa phương khác của tỉnh Lai Châu, cây dong riềng quá đỗi quen thuộc trong đời sống người dân. Thế nhưng, với người dân xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) thì dong riềng lại là cây hoàn toàn mới lạ. Vì là cây mới nên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu đã đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện mô hình trồng thử nghiệm dong riềng. Năm 2022, mô hình được triển khai tại 2 bản: Sùng Phài, Căn Câu của xã Sùng Phài. 67 hộ dân được lựa chọn kĩ lưỡng, tham gia trồng 10ha dong riềng.

Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch dong riềng. Được Nhà nước hỗ trợ 60% giống, 40% vật tư nên các hộ dân rất phấn khởi và mạnh dạn tham gia.

Lai Châu: Cây dong riềng “bén rễ” trên đồng đất Sùng Phài - Ảnh 1.

Mô hình trồng thử nghiêm dong riềng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Lai Châu triển khai tại xã Sùng Phài từ tháng 3/2022. (Ảnh: Thanh Ngân)

Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Đào Mạnh Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu, cho biết: Tháng 3/2022, Trung tâm phối hợp với UBND xã Sùng Phài triển khai mô hình. Mô hình trồng thử nghiệm dong riềng được triển khai khá bài bản. Trung tâm thường xuyên cử cán bộ chuyên môn ghi chép nhật ký, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây dong riềng. Các hộ tham gia mô hình trồng, chăm sóc dong riềng theo đúng quy trình kĩ thuật. Nhờ đó, diện tích dong riềng trồng thử nghiệm sinh trưởng, phát triển tốt.

Theo ông Sơn, kĩ thuật trồng dong riềng cũng khá đơn giản, phù hợp với tập quán canh tác của người dân. Trước khi trồng dong riềng, các hộ dân làm sạch cỏ, cuốc hốc trồng trực tiếp chứ không phải đánh luống. Cách trồng dong riềng cũng khá đơn giản. Sau khi bổ hốc, người dân bỏ hoàn toàn phân lân và 1/3 lượng phân đạm xuống, sau đó phủ một lớp đất mỏng, rồi đặt củ sâu 15 cm, mầm hướng lên trên và phủ lên trên một lớp đất mỏng.

"Sau khi trồng 1 tháng, cán bộ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn người dân tiến hành làm cỏ, xới xáo, vun luống và bón thúc lần 1 bằng phân đạm và Ka li với liều lượng phù hợp.  3 tháng sau đó, cán bộ Trung tâm lại tiếp tục hướng dẫn các hộ dân tiến hành xới nhẹ, làm cỏ và vun gốc kết hợp bón phân thúc lần 2. Các hộ trồng dong riềng được hướng dẫn bón phân vào giữa hai khóm cây, chứ không bón phân trực tiếp vào gốc. Các hộ dân còn sử dụng rác mục hoặc trấu để phủ vào gốc cho đất tơi xốp, củ to và năng suất" – ông Sơn thông tin.

Lai Châu: Cây dong riềng “bén rễ” trên đồng đất Sùng Phài - Ảnh 2.

Người dân xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) phấn khởi tham gia mô hình trồng thử nghiệm dong riềng. (Ảnh: Thanh Ngân)

Cứ định kỳ hai tuần một lần, cán bộ chuyên môn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu lại phối hợp với UBND xã Sùng Phài, kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn các hộ dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây dong riềng.

Cũng theo ông Sơn, vào giai đoạn cây dong riềng phát triển thân lá, thường xuất hiện bệnh cháy lá, thối thân gây hại cục bộ. Thời kì này, công tác phun phòng trừ gặp khó khăn, do cây đã đẻ nhánh đông đặc. Trung tâm đã phối hợp với UBND xã Sùng Phài tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ bệnh cháy lá, thối thân. Các hộ trồng dong riềng cũng chủ động dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa lá già, lá bị bệnh tiêu hủy tạo độ thông thoáng cho cây.

Trồng dong riềng, nông dân thành phố Lai Châu thu nhập cao hơn trồng ngô

Lai Châu: Cây dong riềng “bén rễ” trên đồng đất Sùng Phài - Ảnh 3.

Trồng 1ha dong riềng, người dân xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) thu từ 45 - 55 tấn củ tươi. (Ảnh: Thanh Ngân)

Nhờ trồng, chăm sóc theo đúng quy trình kĩ thuật, cây dong riềng sinh trưởng, phát triển tốt, các hộ tham gia mô hình phấn khởi, tin tưởng vào hiệu quả kinh tế mà loại cây mới này mang lại. Sau 9 tháng trồng, chăm sóc, cây dong riềng đã cho thu hoạch. Bước đầu cho thấy, cây dong riềng hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã Sùng Phài nói riêng, thành phố Lai Châu nói chung.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Lai Châu, cây dong riềng trồng thử nghiệm cho năng suất từ 45 - 55 tấn củ tươi/ha. Dự kiến mỗi tấn củ thu được 160 kg bột tươi, mỗi ha thu được 7.200 – 8.800 kg bột tươi. Bán ra thị trường với  giá 22.000đồng/kg bột tươi, thì trồng 1ha dong riềng, người dân có thể thu gần 200 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi ha dong riềng, người dân lãi hơn 100 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô.

Năm 2022, ngoài 10ha dong riềng trồng theo mô hình, người dân xã Sùng Phài còn tự trồng hơn 70ha. So với diện tích dong riềng người dân tự trồng, thì cây dong riềng trồng theo mô hình cho năng suất cao hơn từ 5- 10 tấn/ha. Các hộ tham gia mô hình, trồng dong riềng đảm bảo mật độ cũng như khoảng cách nên cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn, cho năng suất cao hơn.

Mô hình trồng thử nghiệm dong riềng thành công đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giai đoạn 2020-2025 của tỉnh và thành phố Lai Châu. Thời gian tới, thành phố Lai Châu tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nông dân xã Sùng Phài nói riêng, các xã, phường trên địa bàn tiếp tục duy trì, nhân rộng diện tích trồng dong riềng và một số cây trồng có lợi thế khác.

Thanh Ngân