LTS: Những năm trước đây, ngoài cây ngô lai và cây lúa nương cho năng suất thấp thì câu chuyện "trồng cây gì, nuôi con gì ?" luôn là vấn đề thời sự của mảnh đất biên cương Chiềng On (Yên Châu, Sơn La). Cũng bởi vậy mà mãi đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở Chiềng On vẫn chiếm gần 60% số hộ của xã; trong đó có tới cả trăm hộ gia đình cán bộ, đảng viên thuộc diện hộ nghèo. Vì thế, những đổi thay hôm nay ở đây dù còn nhiều khiêm tốn so với những địa bàn khác nhưng rất đáng trân trọng... Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt/Điện tử Trang Trại Việt xin giới thiệu loạt 2 bài về Kỳ tích ở xã Chiềng On.
Bài 1: Trở lại xã vùng biên
Clip: Trở lại xã vùng biên
Đổi thay ở Chiềng On
Lâu lắm rồi, tôi mới trở lại Chiềng On – mảnh đất nơi biên cương của huyện Yên Châu (Sơn La), nơi có 15km đường biên với nước bạn Lào. Xã có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống như Xinh Mun, Mông, Thái, Khơ Mú, Kinh; trong đó người Xinh Mun chiếm tới 71% dân số. Đây là vùng đất thuần nông, từng "nổi danh" là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Châu. Ai đã từng đặt chân đến vùng đất này trong khoảng 20 năm trở về trước thì không thể quên được con đường đất đá lổn nhổn, trơn trượt cả ngày trời nắng. Đặc biệt là con dốc 7 tầng quanh co men theo sườn núi, đi ngựa cũng phải dừng chân nghỉ dọc đường.
Nhưng hôm nay, con đường đến Chiềng On đã khác xưa nhiều lắm; nhựa trải phẳng lỳ tới tận trung tâm xã, xóa đi cái cảm giác xa xôi và chông chênh dốc đá khi xưa. Từng tốp trẻ đi học về tung tăng trò chuyện, khăn quàng đỏ phấp phới bay dưới nắng chiều. Thấp thoáng trong lớp sương mờ của những ngày cuối thu, bản làng hiện lên với những mái nhà kiên cố, lợp tôn xanh, tôn đỏ thay cho những mái nhà gianh bạc trắng bởi sương đêm thuở nào.
Khắp Chiềng On rợp một màu xanh cây lá; không phải chỉ bởi độ che phủ của cây rừng nơi đây đạt tới gần 50%, mà còn bởi những vườn cây trái luôn được bà con nơi đây chăm sóc tốt nhất.
Anh Vì Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng On vui vẻ: Chiềng On bây giờ khác xưa nhiều lắm rồi các anh ơi. Cây ngô lai, cây lúa nương đang vắng bóng; thay vào đó là cây mận hậu, chanh leo, mía, cà phê… Tuy diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả chưa nhiều; có những cây công nghiệp mới chỉ là năm đầu tiên được quan tâm phát triển như cây cà phê nhưng đó là bước đổi thay rất quan trọng với bà con trong xã. Đảng bộ xã đang dốc lực lãnh đạo, chỉ đạo để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất, tạo tiền đề cho xóa nghèo bền vững, làm giàu chính đáng ở vùng cao này.
Có gắn bó với Chiềng On mới hiểu được niềm vui của Bí thư Đảng ủy xã - anh Vì Lâm Tới. Nơi đây là xã vùng biên giới Việt – Lào, "sơn cùng – thủy tận", có độ cao lớn so với mực nước biển nên khí hậu có những khắc nghiệt riêng; trong khi đó, trình độ của lực lượng lao động và nội lực của bà con ở Chiềng On còn nhiều hạn chế.
Chỉ rõ nguyên nhân đói nghèo để xóa nghèo
Trong phòng làm việc của Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Chiềng On – anh Vì Văn Sơn, chúng tôi tiếp nhận được những thông tin rất chân thật. Anh Sơn cho biết: Chiềng On có 12 bản với 1.290 hộ dân nhưng Đảng bộ xã có tới 20 chi bộ với 396 đảng viên, tức là bình quân cứ 3 hộ dân thì có 1 đảng viên. Chiềng On cũng có không ít mô hình kinh tế hộ khá hiệu quả như: Trồng mận hậu, trồng chanh leo, trồng mía, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Diện tích đất sản xuất của Chiềng On lên tới 2.500ha, đạt mức bình quân 2ha/1hộ dân. Nhưng nhiều năm qua, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng và đảng viên trong xã chưa thật sự hiệu quả, chưa đánh thức được ý chí xóa nghèo – làm giàu trong người dân. Bởi thế, những cách làm hay, những điển hình tốt về kinh tế vẫn chưa được nhân rộng so với lợi thế và nguồn lực lao động của địa bàn.
Còn theo Phó Bí thư Đảng ủy Sa Trọng Thời – Cán bộ Biên phòng tỉnh tăng cường xã Chiềng On thì bên cạnh việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng chưa cao, còn những nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng, đã làm nên tỷ lệ hộ nghèo trong xã vào thời điểm hiện tại tới 57,34%, trong đó có nhiều gia đình cán bộ, đảng viên vẫn thuộc diện hộ nghèo, đó là: Trong quá trình bình xét hộ nghèo còn những e dè, nể nang nên đánh giá chưa đúng so với hoàn cảnh thực tế của nhiều hộ dân. Tâm lý cố nhận hộ nghèo để được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước như Bảo hiểm y tế, học phí cho trẻ em đi học… vẫn còn nặng nề. Một nguyên nhân khác là trình độ canh tác của bà con còn thấp trong khi đất đai sản xuất ở Chiềng On hầu hết là đất dốc, bị rửa trôi trong nhiều năm qua nên đã bị bạc màu, canh tác cây gì cũng dễ bị hạn chế về năng suất…
"Ngay từ đầu năm nay, Đảng bộ huyện Yên Châu, Đảng ủy xã Chiềng On chúng tôi cũng đã xác định nhìn thẳng vào sự thật, chỉ rõ nguyên nhân, phân tích đánh giá đúng thực trạng để đưa ra giải pháp xóa nghèo hiệu quả; trong đó lấy đảng viên là nòng cốt, là lực lượng tiên phong thoát nghèo. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy – Đơn vị đỡ đầu cho xã Chiềng On, nên mục tiêu giảm 20% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2024 của Chiềng On chắc chắn sẽ đạt và vượt kế hoạch" – Anh Thời bảo vậy.
Sự thẳng thắn nhìn nhận về nguyên nhân đói nghèo tại buổi làm việc với các đồng chí trong thường trực Đảng ủy xã Chiềng On đã được minh chứng rõ hơn khi chúng tôi tìm tới gặp Bí thư chi bộ, Trưởng bản Khuông – Anh Lò Văn Thanh. Anh Thanh cho biết: Bản Khuông chúng tôi có 133 hộ dân, đều là người Xinh Mun, thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp. Bản có 1 chi bộ với 11 đảng viên. Tỷ lệ hộ nghèo của bản hiện nay lên tới hơn 80 hộ; trong đó có tới 7 hộ nghèo có đảng viên. "Chính gia đình tôi, đầu năm nay vẫn thuộc diện hộ nghèo. Vừa qua, tôi được nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, đặc biệt là Đảng ủy xã phân tích, hướng dẫn và khích lệ tinh thần, trách nhiệm người đảng viên, tôi thấy cũng xấu hổ với cái suất ưu đãi hộ nghèo. Vì thế, tôi bàn bạc với vợ và đã viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo trong tháng 8 vừa qua. Các gia đình đảng viên khác trong bản cũng đã xin ra khỏi danh sách hộ nghèo cả rồi." – Anh Thanh tâm sự như vậy.
Mời các bạn đón đọc bài 2 "Kỳ tích ở Chiềng On: Giảm nhanh hộ nghèo nhưng không chạy theo thành tích" trên Báo Điện tử Trang Trại Việt vào lúc 11h29 phút hôm nay (ngày 1/10).