dd/mm/yyyy

Ký sự Trường Sa (Bài 4): Đảo Đá Tây C, niềm tin vững chắc

Đảo Đá Tây C thuộc cụm đảo Đá Tây của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Cụm đảo Đá Tây nằm trên bãi ngầm san hô rộng lớn, nơi đây không chỉ là ngư trường truyền thống mà còn có âu tàu để tránh trú bão, được xem là "ngôi nhà" chung trên biển của ngư dân.

Điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển

Tiếp tục chương trình công tác thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Sáng 8/5, đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN (thuộc đoàn công tác số 9) đã đến thăm, tặng quà chiến sĩ trên Đảo Đá Tây C.

Đón chúng tôi ngay nơi chân sóng, những người lính đảo dạn dày sương gió với nụ cười rạng rỡ trên môi, cẩn thận dắt tay từng người từ xuồng lên đảo an toàn. Thiếu tá Nguyễn Văn Lý, Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Tây C chia sẻ, đảo Đá Tây C là điểm thuộc cụm đảo Đá Tây, thời tiết trên đảo tương đối khắc nghiệt, được chia thành hai mùa rõ rệt, mùa mưa và mùa khô.

Ký sự Trường Sa(Bài 4): Đảo Đá Tây C, niềm tin vững chắc - Ảnh 1.

Chiến sĩ trên đảo Đá Tây C hướng dẫn xuồng chở đoàn công tác số 9 vào nơi neo đậu. Ảnh: Minh Ngọc

Thiếu tá Nguyễn Văn Lý nói với tôi rằng, những người lính Trường Sa thường gọi Trường Sa Lớn là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa và đảo Đá Tây là “thành phố” của những đảo chìm, bao gồm: Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C.

Chỉ huy trưởng điểm đảo Đá Tây C phấn khởi cho biết, những năm gần đây, nhờ được đầu tư trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động và bảo đảm được nhu cầu nước sinh hoạt. Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh, cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây C phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã thực hiện tốt công tác tăng gia, sản xuất, chăn nuôi. Nhờ vậy, đến nay đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã được cải thiện đáng kể.

Hiện nay, đảo Đá Tây C được trang bị tivi, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài Truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới. "Những năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Tây C luôn hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, làm chủ vùng biển đảo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, quân đội và nhân dân", Thiếu tá Nguyễn Văn Lý chia sẻ.

Ký sự Trường Sa(Bài 4): Đảo Đá Tây C, niềm tin vững chắc - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm thăm vườn trồng rau của chiến sĩ trên đảo Đá Tây C. Ảnh: Minh Ngọc

Thiếu tá Lý cho biết, điểm đảo đá Tây C có vị trí chiến lược về kinh tế và quốc phòng, là nơi có điều kiện khai thác và nuôi trồng thủy sản, cùng với điểm đảo Đá Tây A và Đá Tây B, các chiến sĩ trên đảo Đá Tây C thường xuyên phối hợp, giúp đỡ các ngư dân, tàu, thuyền vào tránh bão an toàn ở âu tàu ở đảo Đá Tây A.

Đối với riêng đảo Đá Tây C, năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, đã giúp đỡ, cứu hộ 17 lượt tàu đánh cá của ngư dân ra khai thác hải sản, giúp đỡ ngư dân nước ngọt, nhu yếu phẩm khi tàu vào tránh bão và từ những việc làm như vậy đã để lại "ấn tượng, tình cảm tốt đẹp về mối quan hệ gắn bó giữa quân - dân", Thiếu tá Nguyễn Văn Lý phấn khởi nói.

Anh cho biết, điểm đảo Đá Tây C cùng với Đá Tây A, Đá Tây B tạo thành cụm đảo Đá Tây, là điểm tựa an toàn của ngư dân trong những chuyến vươn khơi, bám biển. Đồng thời là nơi cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất tại Trường Sa, các tàu cá khi đến đây còn được cung cấp nhiều dịch vụ để khai thác ngư trường, là hậu phương vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ký sự Trường Sa(Bài 4): Đảo Đá Tây C, niềm tin vững chắc - Ảnh 3.

Thành viên đoàn công tác số 9 chụp ảnh kỷ niệm với chiến sĩ trên đảo Đá Tây C. Ảnh: Minh Ngọc

Chia sẻ với Dân Việt, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm nói: "Sau khi đến thăm chiến sĩ trên đảo Đá Tây C, chúng tôi hiểu sâu sắc rằng, các chiến sĩ hải quân nơi đây đã hy sinh thầm lặng, bản lĩnh, kiên cường bám trụ để thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, không chỉ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc biển, trời của Tổ quốc mà còn phối hợp với các điểm đảo còn lại cùng Trạm hải đăng Đá Tây bảo đảm an toàn cho toàn tuyến hàng hải thuộc phạm vi đảo; cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ hậu cần cho tàu cá ngư dân; các anh đã luôn giữ vững mối quan hệ quân - dân, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ ngư dân về mọi mặt để ngư dân yên tâm bám biển, đánh bắt hải sản trong khu vực đảo quản lý, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố mối tình đoàn kết máu thịt quân - dân, tạo chỗ dựa, niềm tin vững chắc cho ngư dân, xây dựng được thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc".

Món quà thiêng liêng từ Trường Sa

Ngoài những cây bàng vuông, cây phong ba đầy sức sống; những con ốc xà cừ tuyệt đẹp hay cành hoa san hô, ốc biển được chính những người lính chế tác bằng đôi tay khéo léo... thì món quà đặc biệt nhất đối với bất kỳ ai từng một lần đến với Trường Sa đều mang về từ biển một lá cờ Tổ quốc thiêng liêng như một kỷ vật vô giá.

Tại đảo Đá Tây C, tôi có được một món quà vô giá - một lá cờ Tổ quốc cùng với đầy đủ con dấu, trên lá cờ đồng chí chính trị viên ký tên và ghi "lời thề giữ biển, giữ đảo” của những người lính đang ngày đêm vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió Trường Sa.

Ký sự Trường Sa(Bài 4): Đảo Đá Tây C, niềm tin vững chắc - Ảnh 4.

Đồng chí Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận được đồng chí chính trị viên đảo Đá Tây C ký tặng lên lá cờ Tổ quốc. Ảnh: Minh Ngọc

Cũng được các chiến sĩ trên đảo Đá Tây C ký tặng trên lá cờ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Phú Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân Bình Thuận vui mừng chia sẻ: "Giữa biển, đảo Trường Sa quanh năm nắng, gió khắc nghiệt nhưng thực sự khâm phục những chiến sĩ tuổi đời rất trẻ đã sẵn sàng cống hiến sức mình để bảo vệ chủ quyền của quê hương, đất nước. Đặc biệt được lắng nghe những câu chuyện của những chiến sĩ tại Trường Sa đang bảo vệ những đảo chìm mới thấy những cống hiến, hy sinh thầm lặng của của họ để bảo vệ biển, đảo quê hương”.

"Trong chuyến đi Trường Sa lần này, tại những điểm đảo được đặt chân đến, tôi đã xin chữ ký của từng cán bộ, chiến sĩ trên đảo lên lá cờ Tổ quốc. Thực sự rất cảm động, thiêng liêng. Sau khi trở về từ chuyến đi này tôi sẽ mang lá cờ treo trong phòng truyền thống của Hội Nông dân tỉnh", Chủ tịch Hội Nông dân Bình Thuận Nguyễn Phú Hoàng xúc động chia sẻ.

Ký sự Trường Sa(Bài 4): Đảo Đá Tây C, niềm tin vững chắc - Ảnh 5.

Chị Trần Khánh Thu, đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình xin chữ ký của đồng chí chính trị viên đảo Đá Tây C lên lá cờ Tổ quốc. Ảnh: Minh Ngọc

Cùng chung cảm xúc, chị Trần Khánh Thu, đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình nói: "Đây là lần đầu tiên tôi đến với Trường Sa. Món quà gửi tặng người ở đất liền bằng cách ký tên, viết những lời chúc tốt đẹp hay những dòng chữ quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ biển, đảo quê hương lên lá cờ Tổ quốc của các chiến sĩ mới thấu hiểu được sự thiêng liêng, quý giá trước những gì mà các chiến sĩ ở Trường Sa đang ngày đêm gìn giữ, bảo vệ".

"Tạm biệt Đá Tây C - hòn đảo chìm nhỏ xinh giữa sóng gió Trường Sa. Gửi lại những chiến sĩ nơi đây tất cả nỗi nhớ mong, cảm phục về tình quân - dân, bảo vệ biển, đảo và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc", chị Thu xúc động chia sẻ.

Còn nữa...

Minh Ngọc