Sức sống mãnh liệt ở Sinh Tồn Đông
Chiều 7/5, sau khi chia tay đảo Len Đao, Đoàn công tác số 9 đã đi thăm, tặng quà chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, gió to, sóng lớn nên tàu Kiểm ngư KN-290 gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận cầu tàu để đưa đoàn công tác lên đảo Sinh Tồn Đông.
Để đưa người lên đảo, các thành viên tổ xuồng tàu KN-290 phải tìm hướng tiếp cận khác, vòng phí sau đảo, họ phải dầm mình dưới nước biển lạnh buốt để giữ cho xuồng không bị chòng chành. Còn các chiến sĩ trên đảo phải lấy ghế làm cầu để cho các thành viên đoàn công tác được lên đảo dễ dàng.
Vượt qua những khó khăn ban đầu, chúng tôi đặt chân lên đảo- Sinh Tồn Đông hiện lên với với một màu xanh đầy sức sống của những cây hoa giấy, tán bàng vuông, cây phong ba, phi lao, muống biển và đủ loại rau xanh vươn mình mạnh mẽ trước sóng gió biển khơi.
Nằm ở khu vực quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), cùng với các đảo trong cụm Sinh Tồn, đảo Sinh Tồn Đông bảo vệ sườn phía Đông của Tổ quốc.
Trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông chia sẻ với đoàn công tác số 9, sau hơn 40 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành đã tôi luyện truyền thống đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, kiên cường, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền.
Đảo có nhiệm vụ chốt tiền tiêu bảo vệ và khẳng định chủ quyền, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân ra khai thác hải sản, sẵn sàng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân, phục vụ nghiên cứu khoa học biển...
"Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông vinh dự và nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ Hải quân luôn nỗ lực xây dựng bản lĩnh chính trị, kiên định vững vàng, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, hiệp đồng với các đảo và các tàu thuộc khi vực quản lý, chủ động phát hiện sớm, đánh giá đúng tình hình, tham mưu, báo cáo về sở chỉ huy các cấp", Trung tá Hợp nói.
Trước điều kiện khắc nhiệt của thời tiết, toàn đảo đã trồng rau xanh, đảm bảo đủ rau xanh trong mỗi bữa ăn của bộ đội, đồng thời thác hiệu quả hệ thống năng lượng sạch, máy lọc nước biển, cùng với hệ thống bể chứa nước mưa đến nay đảo Sinh Tồn Đông đã bảo đảm cơ bản đủ về điện, nước sinh hoạt cho bộ đội.
Trung tá Hợp bày tỏ, trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương, các tổ chức, kiều bào ta ở nước ngoài đã giúp đời sống cán bộ, chiến sĩ trên đảo được nâng lên rõ rệt...
Sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, tấm lòng hướng về tiền tiêu, biển đảo của Tổ quốc của nhân dân cả nước là sự động viên to lớn thôi thúc cán bộ chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông dù trong hoàn cảnh nào cũng không ngừng học tập, khắc phục mọi khó khăn gian khổ, tập trung xây dựng đảo mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, phấn đấu xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ", người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng. Đồng thời nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
"Tự hào là người chiến sĩ Hải quân"
Ở Sinh Tồn Đông, chúng tôi gặp, trò chuyện với những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa muôn trùng sóng gió, dù khó khăn, gian khổ nhưng các chiến sĩ vẫn luôn vững vàng tay súng, viết tiếp những trang sử hào hùng về Trường Sa.
Trò chuyện với Dân Việt, chiến sĩ Hồ Văn Công, sinh năm 2003, quê ở tỉnh Phú Yên. Người chiến sĩ trẻ 20 tuổi cho biết, lên đường nhập ngũ và ra đảo tháng 12/2022 và chưa từng đi đâu xa nên khi nhập ngũ thấy nhớ quê, nhớ nhà da diết. Nhưng sau một thời gian có mặt ở đảo tiền tiêu, cậu hiểu rằng mình phải hoàn thành tốt nhiệm vụ.
"Được khoác lên mình bộ quân phục Hải quân là điều em tự hào nhất. Còn người, còn đảo, chúng em nguyện luôn chắc tay súng canh giữ nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc”.
Làm nhiệm vụ canh gác ở cột mốc trên đảo Sinh Tồn Đông, chiến sĩ Tăng Mạnh Huy, 21 tuổi chia sẻ với tôi rằng: "Canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, không chỉ là niềm tự hào mà còn là môi trường tôi luyện cho chiến sĩ trẻ. Trước những khó khăn, bão tố, phong ba, tụi em luôn sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Xung quanh, mỗi viên đá, mỗi rặng san hô cũng là hình hài máu thịt của đất nước mình”.
Bồng súng canh giữ cột mốc trên đảo bóng dáng của chiến sĩ Tăng Mạnh Huy hiên ngang, sừng sững. Cơn mưa nặng hạt do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới dội xuống, tạt vào gương mặt gan trường là những cơn gió đang thổi mạnh ngoài biển vào nhưng ánh mắt Huy vẫn luôn chăm chú hướng ra phía sóng biển. “Em cần phải tập trung vào nhiệm vụ, giờ phút nào cũng không được chủ quan, lơ là”, Huy chia sẻ với Dân Việt.
Chiến sĩ Hà Văn Khải chia sẻ với Dân Việt, sau những giờ làm nhiệm vụ, những chiến sĩ trẻ như anh sẽ cùng nhau chơi thể thao, đọc sách, báo, đặc biệt lại cùng nhau vun vén, chăm bẵm từng gốc cây, ngọn cỏ để tạo nên một hệ sinh thái cây xanh thoáng mát, xua tan đi cái nắng gió khốc liệt biển khơi.
"Một trong những loài cây biểu trưng nhất cho sức sống mãnh liệt cùng tình yêu vẹn toàn với biển cả của người lính Hải quân chính là cây bàng vuông. Mỗi cây khi đơm hoa, ra chùm sẽ có quả già, quả bánh tẻ, quả non, những bông hoa đang nở và những mầm nụ chúm chím. Đây được xem là hình ảnh biểu trưng cho lớp sóng sau và lớp sóng trước, sự kế thừa truyền thống của lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ nối tiếp nhau, chiến đấu và bảo vệ đảo xa", Khải nói.
Khải bảo với tôi, ở trên đảo nhiều cây bàng vuông có độ tuổi gấp nhiều lần tuổi của những chiến sĩ trẻ. Vậy nên với họ, việc được giao chăm sóc cây chính là niềm vinh dự, gắn liền với việc bảo vệ môi trường sống trên đảo. Ngoài ý nghĩa góp sức xây dựng cảnh quan môi trường dịu mát, từ đó nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ thì mỗi gốc cây, từng ngọn cỏ nơi đây đều gắn liền với bao tâm nguyện vun đắp, xây dựng đảo xanh của lớp lớp các thế hệ cha anh tự bao đời.
Nói xong rồi Khải dẫn tôi đi thăm quan hàng cây phong ba, bão táp, bàng vuông, dừa, phi lao… đang ngày đêm hiên ngang chắn gió, ngăn bão táp, trường tồn cùng năm tháng và những hàng cây này biểu tượng cho dáng đứng hiên ngang của người lính hải quân giữa biển cả bao la. Giữa sóng gió đêm ngày táp lá, giữa những cơn cuồng phong bão cát phủ dày, màu xanh cây cối vẫn sinh sôi chế ngự biển cả, hiên ngang trước bão tố, tạo nên những rào lũy bảo vệ biển đảo quê hương.
"Màu xanh của cây bàng vuông, cây phong ba, bão táp… đã làm vợi đi nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà, đó cũng chính là màu của hy vọng, của niềm lạc quan, tin yêu cuộc sống để chúng em ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thân yêu", Khải nói trước khi tôi phải trở về tàu.
Còn nữa...