Công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về tập trung ứng phó bão số 3
21/07/2025 11:22 GMT +7
Ngày 21/7, UBND tỉnh Sơn La ban hành công điện khẩn số 03 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 (WIPHA) trên địa bàn.
- Mưa lớn ở Sơn La, 2 mẹ con bị lũ ống cuốn trôi mất tích
- Mưa lớn ở Sơn La, lũ tràn mặt đường, ngập cả trường học, trụ sở UBND xã
- Sơn La: Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai
Bão số 3 có cường độ rất mạnh
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 với cường độ rất mạnh (cấp 12, giật cấp 15), Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La vừa ký ban hành Công điện khẩn số 03/CĐ-UBND, yêu cầu các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai công tác ứng phó, đặt ưu tiên tối cao là bảo vệ an toàn tính mạng của người dân.
Theo đó, bão số 3 là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, bão sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ chiều tối ngày 21/7/2025, gây gió mạnh, mưa lớn; nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở trung du và miền núi, ngập lụt tại các vùng thấp trũng và đô thị.

Chủ động các phương án ứng phó với cơn bão số 3
Để chủ động phòng, chống thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La yêu cầu:
Giám đốc các sở; Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao. Thực hiện khẩn trương, hiệu quả, bám sát tình hình thực tế, thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, quyết liệt nhất, đảm bảo phù hợp với điều kiện địa phương. Đặt ưu tiên cao nhất là bảo vệ an toàn tính mạng Nhân dân. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đảm bảo không để xảy ra gián đoạn trong chỉ đạo ứng phó thiên tai.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường: Tiếp tục chỉ đạo rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn, khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập sâu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm “bốn tại chỗ”, trong đó đặc biệt lưu ý công tác truyền thông, bảo đảm mọi người dân (nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào tộc thiểu số) nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu.
Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống thiên tai.
Chủ động huy động phương tiện, lực lượng, ngân sách và các nguồn lực của địa phương để triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai; trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của địa phương cần kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để được hỗ trợ theo đúng quy định.
Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó theo quy định. Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân; đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định cuộc sống cho người dân.
Sở Xây dựng chỉ đạo rà soát, kiểm tra các tuyến giao thông, các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát các tuyến đường tỉnh, quốc lộ bị hư hỏng, ngập, chia cắt khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, ngập sâu, đảm bảo thông tuyến nhanh nhất và an toàn giao thông trên tuyến (đảm bảo giao thông bước 1), bố trí lực lượng kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn giao thông tại những khu vực bị sạt lở, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu... để đảm bảo an toàn; hỗ trợ các địa phương về giải pháp kỹ thuật kịp thời khắc phục sự cố trên các tuyến đường huyện, đường xã, đảm bảo đi lại của nhân dân.
Sở Công Thương, Công ty Điện lực, Công ty Thủy điện Sơn La căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống sạt lở, bảo đảm an toàn đối với lực lượng và công trình thuộc lĩnh vực quản lý của ngành, nhất là hồ đập thủy điện, hệ thống cung cấp, truyền tải điện; có biện pháp khắc phục nhanh sự cố, duy trì hoạt động, không để gián đoạn trước, trong và sau bão.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động phối hợp với các địa phương triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ, chủ động sơ tán sớm, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu của địa phương.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo và Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và địa phương tăng thời lượng phát sóng; đưa tin kịp thời, đầy đủ chính xác về công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ; thường xuyên cập nhật, thông báo diễn biến mưa, lũ để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh. Tăng tần suất và thời lượng phát các bản tin dự báo thời tiết; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại khi xảy ra lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Các sở, ban, ngành của tỉnh căn cứ nhiệm vụ được phân công, chủ động kiểm tra, chỉ đạo triển khai phương án phòng tránh, ứng phó các tình huống thiên tai xảy ra thuộc lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách đảm bảo an toàn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất.
Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động tham mưu, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các xã, phường thực hiện nghiêm túc Công điện này. Tổ chức trực ban theo quy định, nắm bắt thông tin, thường xuyên báo cáo về cơ quan thường trực phòng chống thiên tai tỉnh (Sở Nông nghiệp và Môi trường) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tags:
Xem thêm
TP.HCM chỉ đạo khẩn ứng phó bão số 3, kiểm tra nghiêm ngặt tàu du lịch hoạt động trên sông, biển
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, UBND TP.HCM chỉ đạo không cho các tàu chở khách du lịch tham gia hoạt động trên sông, biển trong điều kiện thời tiết nguy hiểm, sóng to, gió lớn...
Bão số 3 WIPHA sẽ đổ bộ miền Bắc Việt Nam trong ngày mai, 22/7, giật cấp 13, chuyên gia khí tượng cảnh báo tác động
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày mai (22/7), bão số 3 WIPHA sẽ áp sát bờ và đổ bộ khu vực từ Nam Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa, cường độ cấp 9-10, giật cấp 13. Vậy, các cấp bão có thể gây ra những tác động như thế nào cho con người và các công trình hạ tầng?
KHẨN: Cập nhật tin bão mới nhất, 9 - 10h sáng nay, 21/7, bão số 3 WIPHA vào vịnh Bắc Bộ, còn tăng cấp
Theo bản tin bão mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, 9-10h sáng nay (21/7) bão đi vào Vịnh Bắc bộ cường độ có thể tăng lên 1-2 cấp.
Bão số 3 Wipha diễn biến phức tạp, Nghệ An cấm tàu thuyền ra khơi từ 5h ngày hôm nay, 21/7
Tỉnh Nghệ An vừa ban hành công điện khẩn về việc cấm tàu thuyền ra khơi trong bão số 3 Wipha. Cụ thể, Nghệ An cấm các loại tàu thuyền, phương tiện vận tải ra khơi từ 5h ngày 21/7. Đồng thời, các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu trước 10h cùng ngày.