dd/mm/yyyy

Ký sự Trường Sa (Bài 2): Ánh mắt Len Đao

Sau 2 ngày, 2 đêm vượt qua hàng trăm hải lý, 5 giờ sáng ngày 7/5 tàu Kiểm ngư KN-290 thả neo tại vùng biển Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao để đưa các thành viên trong đoàn công tác số 9 đi thăm cán bộ, chiến sĩ đảo Len Đao - một đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

Xúc động Lễ tri ân các anh hùng Liệt sĩ trên vùng biển Gạc Ma...

Đã thành thông lệ, mỗi khi tàu đưa đoàn công tác ra thăm và làm việc ở Trường Sa, khi đến vùng biển đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, tàu đều dừng máy làm lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ký sự Trường Sa (Bài 2): Ánh mắt Len Đao - Ảnh 1.

Đoàn công tác số 9 tổ chức lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên tàu Kiểm ngư KN-290. Ảnh: Minh Ngọc

Trong chuyến công tác ra Trường Sa từ ngày 5/5 đến 10/5 vừa qua, trước khi đi thăm, động viên, tặng quà chiến sĩ trên đảo Len Đao, Đoàn công tác số 9 đã tổ chức lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trên tàu Kiểm ngư KN-290.

7 giờ sáng Đoàn công tác bắt đầu lên boong tàu phía sau cabin lái để tổ chức lễ tưởng niệm. Trong trang phục chỉnh tề, mọi người đứng theo các hàng ngang trước bàn thờ các anh hùng liệt sĩ.

Ký sự Trường Sa (Bài 2): Ánh mắt Len Đao - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm (áo xanh)-Trưởng đoàn công đoàn của Trung ương Hội NDVN thắp hương tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Minh Ngọc

Giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, Đại tá Nguyễn Hữu Minh - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân xúc động đọc diễn văn: "Đoàn công tác số 9 cùng cán bộ, chiến sĩ tàu Kiểm ngư KN-290 có mặt trên vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma; nơi mà cách đây hơn 30 năm về trước, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu của chúng ta, thành kính tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ - những người con trung kiên, dũng cảm của đất mẹ Việt Nam đã chiến đấu hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta, vì sự trường tồn vững chắc chủ quyển biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc".

Ký sự Trường Sa (Bài 2): Ánh mắt Len Đao - Ảnh 3.

Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay Lưu Quang Định (thành viên Đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN) thắp hương tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Minh Ngọc

Ngày 14/3/1988, các lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta.

Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân là cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh, nhưng đã mưu trí sáng tạo, anh dũng chủ động, thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh khôn khéo trong xử lý các tình huống để giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các Tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2; của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Vùng 4; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Dù biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.

Ký sự Trường Sa (Bài 2): Ánh mắt Len Đao - Ảnh 4.

Các đại biểu thả vòng hoa để lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ảnh: Minh Ngọc

Đại tá Minh nói với giọng trầm lại: "Dù nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, trực tiếp là cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã cố gắng làm hết mình, song lòng biển thì sâu rộng mà sức người có hạn, hoàn cảnh bất lợi nên đến nay, nhiều đồng chí vẫn phải nằm lại nơi biển sâu. Sự ra đi của các anh thật thanh thản mà rất đỗi vinh quang, nhưng để lại phía sau là nỗi đau tột cùng của gia đình, đồng bào và đồng chí".

Trong không gian tĩnh lặng, Đoàn công tác số 9 dành một phút tưởng niệm, thành kính những cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 3 hồi còi tàu rền vang cả vùng biển, sự kìm nén như đạt giới hạn, nhiều thành viên trong Đoàn không kìm được cảm xúc, nước mắt cứ thế rơi trong niềm xúc động.

Từng thành viên trong Đoàn công tác sau đó lần lượt thắp những nén hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ và thả vòng hoa, hương, lễ vật, những con hạc giấy cứ thế bồng bềnh theo ngọn sóng.

Ký sự Trường Sa (Bài 2): Ánh mắt Len Đao - Ảnh 5.

Đội xuồng trên tàu Kiểm ngư KN-290 đưa Đoàn công tác số 9 lên đảo Len Đao, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Len Đao là một trong những đảo chìm trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Minh Ngọc

"Bức tường thép" giữa sóng gió Trường Sa

Len Đao là điểm đảo đầu tiên trong hải trình của Đoàn công tác số 9 ra thăm và tặng quà quân, dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Khác với các đảo nổi, đảo chìm Len Đao hiện lên như một dấu chấm nhỏ giữa biển cả mênh mông, không cây xanh bao phủ nhưng lại sừng sững, kiên trung giữa sóng gió Trường Sa.

Ký sự Trường Sa (Bài 2): Ánh mắt Len Đao - Ảnh 6.

Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm (áo xanh)-Trưởng đoàn công tác của Trung ương Hội NDVN lên thăm, động viên, tặng quà chiến sĩ đảo Len Đao. Ảnh: Minh Ngọc

8 giờ, những chuyến xuồng bắt đầu chở các thành viên đoàn chúng tôi đến với đảo Len Đao. May mắn hơn các thành viên khác, tôi là một trong những người đầu tiên được đặt chân lên đảo. Dù chưa hề quen biết nhưng giữa các thành viên trong đoàn và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên đảo có một cảm xúc thân quen đến lạ, đó như là tình cảm ruột thịt thân thương.

Chẳng ai nói ai, nhưng cái ôm, cái bắt tay thắm thiết cứ tuần tự diễn ra giữa các thành viên trong đoàn với các chiến sĩ. Rồi những câu hỏi thăm, động viên nhau, tiếng cười, tiếng nói như xóa nhòa khoảng cách giữa những người trong đoàn và các chiến sĩ đảo xa.

Sau nghi thức đón trưởng đoàn công tác là những cái ôm nồng ấm tình quân dân. Đoàn công tác được Đại úy Bùi Quỳnh Lâm, Chỉ huy trưởng đảo Len Đao dẫn đi tham quan một vòng quanh đảo mới càng khâm phục ý chí của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió.

Ký sự Trường Sa (Bài 2): Ánh mắt Len Đao - Ảnh 7.

Đảo Len Đao vững chãi nơi đầu sóng ngọn gió ở Trường Sa. Ảnh: Minh Ngọc

Ký sự Trường Sa (Bài 2): Ánh mắt Len Đao - Ảnh 8.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Mừng, 21 tuổi đang làm nhiệm vụ canh gác trên đảo Len Đao, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Minh Ngọc

"Đảo Len Đao đã được lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cung cấp đủ cho nhu cầu sinh hoạt, học tập của cán bộ, chiến sĩ. Công tác chăn nuôi, tăng gia sản xuất cũng được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu toàn đảo. Nhà văn hóa đa năng không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa thể thao, nơi nghỉ ngơi giải trí sau mỗi giờ huấn luyện mà còn là địa điểm giúp bà con ngư dân vào tránh trú mỗi khi biển động hay gặp sự cố tàu thuyền khi khai thác hải sản trên vùng biển", Đại úy Lâm chia sẻ với Dân Việt.

Đại úy Lâm xúc động khi đoàn công tác số 9 đến thăm, động viên chiến sĩ trên đảo, anh nói: "Cán bộ, chiến sĩ nơi đây xác định đảo là nhà, biển cả là quê hương, là nơi mà chúng tôi luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ cũng đoàn kết một lòng, vững vàng bám trụ và quyết tâm giữ đảo".

Ký sự Trường Sa (Bài 2): Ánh mắt Len Đao - Ảnh 9.

Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm tặng quà của Trung ương Hội NDVN đến chiến sĩ trên đảo Len Đao. Ảnh: Minh Ngọc

Tại đảo Len Đao khi đi thăm, động viên, tặng quà chiến sĩ trên đảo, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN Bùi Thị Thơm chia sẻ: "Được tận mắt chứng kiến cuộc sống sinh hoạt, học tập, công tác của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo mới thực sự khâm phục, tự hào trước sự phấn đấu, hy sinh, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng gió, bão dông nhưng cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã tăng gia sản xuất, tích cực trồng rau, nuôi gà".

Hơn 2 tiếng trên đảo Len Đao cho Đoàn công tác số 9 thật nhiều cảm xúc. Chia tay Len Đao, tạm biệt đảo nhỏ kiên trung, vững chãi nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Trên chiếc xuồng cuối cùng rời đảo, ngoái lại nhìn Len Đao thêm một lần nữa chúng tôi vẫn thấy những cái vẫy tay của chiến sĩ trên đảo chờ cho đoàn trở về tàu mới thôi.

Còn nữa..

Minh Ngọc