dd/mm/yyyy

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La

Tối 22/11, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng tỉnh Sơn La.

Clip: Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La

Sơn La từng bước được củng cố vững mạnh

Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Tòng Thị Phóng, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La.

Sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 31/8/1945, bọn phản động quân Tưởng nhân danh đồng minh kéo vào Sơn La, nhưng thực chất để thực hiện âm mưu chống phá chính quyền cách mạng non trẻ tỉnh Sơn La. Tháng 7/1946, thực dân Pháp vượt biên giới Việt - Trung, tràn vào tỉnh Lai Châu, sau đó tiến đánh chiếm Sơn La. Đến đầu năm 1947, chúng cơ bản kiểm soát toàn bộ địa bàn tỉnh Sơn La...

Đứng trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc, trong đó xác định việc giải phóng đồng bào Tây Bắc và xây dựng căn cứ địa Tây Bắc là nhiệm vụ căn bản trước mắt. Tháng 9/1952, Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng quân ủy Trung ương đã quyết định mở Chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Sau hai đợt của chiến dịch Tây Bắc bắt đầu, quân và dân ta đã lần lượt giải phóng các các vùng rộng lớn của Lai Châu, Yên Bái và Sơn La. Đến ngày 22/11/1952, tỉnh lỵ Sơn La và các huyện phía nam Lai Châu được giải phóng, chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 2.

Tỉnh Sơn La đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng tỉnh Sơn La (22/11/1952 - 22/11/2022). Ảnh: Văn Ngọc

Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc đã làm phá sản phần lớn "Xứ Thái tự trị" của thực dân Pháp và ảnh hưởng chung tới cục diện chiến trường toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến tranh du kích phát triển mạnh ở Trung du và đồng bằng Bắc bộ. Thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc còn ảnh hưởng sâu rộng tới phong trào kháng chiến của Lào. Trong chiến dịch Tây Bắc, quân và dân ta đã tiêu diệt và bắt sống trên một vạn tên địch, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng, giải phóng một vùng rộng lớn trên ba vạn cây số vuông và trên 25 vạn dân, nối liền vùng thượng Lào với chiến khu Việt Bắc, tạo thế chiến lược quan trọng trong chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954.

Trong chiến dịch Tây Bắc, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Sơn La đã huy động gần 1,5 triệu ngày công phục vụ chiến dịch, hàng trăm thanh niên đã tòng quân lên đường diệt giặc; cung cấp gần 70 vạn tấn lương thực, trên 48 tấn thịt, hàng trăm tấn rau xanh các loại, góp phần làm nên chiến thắng.  Chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi, tỉnh Sơn La được giải phóng, ngày 22/11/1952 trở thành mốc son lịch sử, đánh dấu một thời kỳ đấu tranh cách mạng vẻ vang, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La được sống trong độc lập, tự do và dân chủ. Chế độ áp bức bóc lột của đế quốc và phong kiến bị xoá bỏ, chế độ chính trị dân chủ được thiết lập và từng bước được củng cố vững mạnh.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 3.

Đồng chí Tòng Thị Phóng, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Sơn La đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La nhẫn mạnh: 70 năm qua, từ ngày Sơn La được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ tỉnh Sơn La luôn nắm vững chủ trương của Trung ương Đảng, cụ thể hoá và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn địa phương, lãnh đạo nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Sơn La tiến lên giành được những thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 4.

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm tại lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Sơn La đã đổi mới cách nghĩ, cách làm, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường phấn đấu vươn lên; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, từng bước xoá đói giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV; gần hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã huy động các nguồn lực và phát huy lợi thế của địa phương, kế thừa kinh nghiệm của các thế hệ đi trước và thành tựu nhiều năm qua, năng động, sáng tạo trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 5.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 6.

Các đại biểu dự lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Kinh tế duy trì tăng trưởng, quy mô mở rộng; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; các thành phần kinh tế có bước phát triển tiến bộ; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản… gắn với công nghiệp chế biến đã mở ra hướng phát triển mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Công nghiệp có những bước phát triển tích cực, các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh được định hướng rõ nét, như: công nghiệp sản xuất điện, công nghiệp chế biến nông sản; sản xuất công nghiệp từng bước phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tập trung huy động mọi nguồn lực cho đầu tư và phát triển; diện mạo từ đô thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc, ngày càng khang trang, hiện đại...

Trong 5 năm 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân tăng 5,46%/năm; quy mô kinh tế tăng mạnh, năm 2020 tổng sản phẩm GRDP (theo giá hiện hành) đạt 55.300 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; GRDP bình quân đầu người đạt 44,1 triệu đồng/người/năm, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2015. Riêng năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá hiện hành đạt 57.085 tỷ đồng, tăng 3,72% so với năm 2020. Dự ước năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 8,54%; thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 4.550 tỷ đồng; tổng huy động vốn tại địa phương ước đạt 29.900 tỷ đồng (tăng 15% (tăng 3.900 tỷ đồng) so với 31/12/2021)...

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 7.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 8.

Nhân dân các dân tộc đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc đạt được nhiều kết quả, quan tâm đầu tư, xây dựng, tôn tạo các khu di tích lịch sử, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo vệ và phát huy giá trị. Công tác giáo dục - đào tạo được quan tâm, củng cố; hệ thống trường lớp được phát triển mở rộng (tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 60,97%).

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường, tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, thực hiện tốt xã hội hóa về y tế, quan tâm đầu tư y tế dự phòng, y tế cơ sở (đến nay, toàn tỉnh có 95,9% dân số tham gia bảo hiểm y tế; số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 8,6 bác sĩ; số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 29,6 giường bệnh; có 179/204 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đạt tỷ lệ 87,7%). An sinh xã hội được bảo đảm; thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ, hiệu quả các chính sách đối với người có công, hộ nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện tốt công tác xóa nhà tạm; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên (trong nhiệm kỳ có 03 huyện được công nhận thoát nghèo (Bắc Yên, Mường La, Vân Hồ), tỷ lệ hộ nghèo đến đến hết năm 2022 ước giảm còn 18,3%).

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân được củng cố; an ninh biên giới và chủ quyền quốc gia được bảo vệ vững chắc; tiềm lực khu vực phòng thủ tỉnh được tăng cường; quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác đặc biệt với các tỉnh nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào ổn định và phát triển toàn diện.

Công tác xây dựng Đảng được quan tâm chăm lo toàn diện, đồng bộ, hiệu quả trên các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, tăng cường; đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ năng lực và từng bước trưởng thành, góp phần quan trọng vào việc tổ chức, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 9.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Dự Lễ kỷ niệm 70 Ngày giải phóng tỉnh Sơn La, đồng chí Tòng Thị Phóng, nhấn mạnh: Giải phóng Sơn La đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là kinh nghiệm lãnh đạo nâng cao sức chiến đấu của bộ đội địa phương và du kích Sơn La, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Tây Bắc. Máu đào của nhiều cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, của đồng bào, đồng chí Sơn La đã tô thắm lá cờ đỏ sao vàng của ý chí quyết chiến, quyết thắng. Đồng thời, chiến thắng giải phóng Sơn La tiếp tục khẳng định tình đoàn kết Việt Nam – Lào, là minh chứng sắc son trong quan hệ Việt Nam – Lào còn nguyên đến ngày hôm nay và mai sau.

Với ý chí cách mạng kiên cường, không ngại hy sinh gian khổ, thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta đề ra và lãnh đạo, hiện nay, Đảng bộ tỉnh Sơn La tiếp tục quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng, kế thừa kinh nghiệm để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, có bước đi, cách làm phù hợp, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Sơn La phát triển toàn diện. Sơn La có nền kinh tế phát triển khá, lĩnh vực văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn, phát huy; an ninh quốc phòng, biên giới được giữ vững; công tác đối ngoại được tăng cường, công tác xây dựng Đảng luôn được chăm lo, đội ngũ cán bộ có bước trưởng thành quan trọng. Truyền thống đoàn kết trong Đảng, đoàn kết các dân tộc phát huy xuyên suốt trong quá trình cách mạng với một ý chí: Quyết tâm xây dựng tỉnh Sơn La giàu mạnh, đồng bào ai cũng ấm no, hạnh phúc.  

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 10.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 11.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 12.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 13.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 14.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 15.

Kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La - Ảnh 16.

Một số hình ảnh tại lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Sơn La.



Văn Ngọc - Tụê Linh