Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân, trọng tâm là giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, xuất khẩu nông sản

Tuệ Linh - Văn Ngọc Thứ ba, ngày 15/11/2022 19:11 PM (GMT+7)
Chiều nay (15/11), tại Trung tâm Hành chính tỉnh Sơn La đã diễn ra Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La với nông dân năm 2022. Nông dân Sơn La quan tâm và hỏi nhiều vấn đề, nhưng trọng tâm là chính sách giảm nghèo, phát triển nông nghiệp bền vững, xuất khẩu nông sản chủ lực...
Bình luận 0

Chủ tịch tỉnh Sơn La lắng nghe ý kiến người dân trong buổi đối thoại

Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La với nông dân năm 2022 với chủ đề: "Hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp xanh, nhanh và bền vững". Ông Hoàng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trung tâm Hành chính tỉnh và trực tuyến tại 218 điểm cầu trong toàn tỉnh; có 3.582 nông dân tiêu biểu đại diện cho hàng nghìn hội viên nông dân trong toàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 1.

Ông Hoàng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2022.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Hội nghị là diễn đàn quan trọng, dân chủ thực sự để đại diện nông dân, các cấp hội nông dân trong tỉnh, các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về những thành tựu đã đạt được; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn.

Ông Khánh đề nghị các đại biểu là nông dân, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã nêu lên những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, trong thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân khởi nghiệp...

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 2.

Ông Hoàng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuệ Linh.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng yêu cầu các sở, ngành, cơ quan liên quan nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu các ý kiến; trả lời đúng - trúng - thỏa đáng, đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu; không qua loa, né tránh; đảm bảo đúng quy định đối với các ý kiến, kiến nghị.

"UBND tỉnh sẽ lắng nghe, tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà bà con nông dân quan tâm, đề xuất, trao đổi, nhất là những đề xuất về tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách tam nông, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh", Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự tại điểm cầu các huyện, thành phố đã đạt nhiều câu hỏi liên quan đến 3 nhóm vấn đề chính, gồm: Phát triển nông nghiệp bền vững; Liên kết chuỗi và chuyển đổi số trong nông nghiệp; Phát triển nguồn nhân lực cho sản xuất nông nghiệp đến người đứng đầu UBND tỉnh Sơn La. 

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thuý Ngọc, Chủ tịch Hội Nông huyện Thuận Châu thay mặt hội viên nông dân huyện Thuận Châu đặt câu hỏi liên quan đến phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Ảnh: Văn Ngọc.

Mở đầu cuộc đối thoại là câu hỏi của nông dân ông Nguyễn Văn Điện Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu đã thay mặt hội nông dân huyện Yên Châu đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Ông Điện hỏi: Đến nay, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đã đạt trên 80 nghìn ha.Tuy nhiên qua thực tế, diện tích cây ăn quả trồng đảm bảo theo đúng quy trình kỹ thuật là còn hạn chế, chất lượng sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu rất ít, như: Trồng quá dày, quả xoài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu rất ít. Trong thời gian tới, các sở, ban ngành chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thành phố sẽ có những giải pháp như thế nào để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên?

Trả lời nội dung câu hỏi trên, ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ủy quyền cho ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La trả lời.

Theo ông Huệ, trong thời gian qua việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt, giai đoạn 2015 - 2022 đã chuyển đổi được 59.399 ha cây trồng hàng năm (ngô, lúa nương...) sang trồng cây ăn quả. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đạt 83.001 ha, sản lượng đạt 381.824 tấn và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu quả đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt hoặc các tiêu chuẩn tương đương, phục vụ cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 4.

Ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La trả lời câu hỏi liên quan đến phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. Ảnh: Văn Ngọc.

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới: Tiếp tục phát huy vai trò cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đảm bảo đồng bộ, tập trung và trọng tâm trọng điểm với quy mô hợp lý; lấy sản xuất hàng hóa là mục tiêu gắn với thị trường tiêu thụ ổn định; chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất. 

Tăng cường hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả. Tiếp tục triển khai chủ trương của tỉnh về xây dựng chuỗi giá trị đối với cây ăn quả; về chỉ dẫn địa lý; đăng ký thương hiệu; sản phẩm an toàn; xúc tiến thương mại thông qua các tập đoàn kinh tế lớn để đưa nông sản của tỉnh vào chuỗi tiêu thụ của Tập đoàn. 

Hướng dẫn, tập huấn nông dân trồng các loại cây ăn quả rải vụ, trái vụ; Phát triển loại cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh (xoài, nhãn, cam, bơ, chanh leo, hồng, lê...);  Xác định các vùng phát triển vùng nguyên liệu quả gắn với nhà máy chế biến quả trên địa bàn tỉnh, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Buổi đối thoại thực sự có nhiều giải pháp khả thi giải quyết khó khăn

Đại biểu Nguyễn Thuý Ngọc, Chủ tịch Hội Nông huyện Thuận Châu hỏi: Thực tế hiện nay, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đang được các cấp Hội triển khai có hiệu quả và thiết thực. Đề nghị UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh có các giải pháp gì để thúc đẩy phong trào phát triển

Trả lời vấn đề này, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La thông tin: Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thay đổi từ sản xuất nhỏ lẻ manh mún chuyển sang sản xuất hàng hóa; từ kinh tế hộ đơn lẻ sang liên doanh, liên kết, hợp tác trong sản xuất theo chuỗi, đạt chất lượng, giá trị lợi nhuận cao gắn với phát triển bền vững, an toàn thực phẩm. Nông dân của chúng ta đã dần thay đổi tư duy, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đối thoại với nông dân năm 2022 - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Đắc Tĩnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời vấn đề liên quan đến chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Ngọc.

Đẩy mạnh nông dân liên kết trong sản xuất, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm đầu tàu để thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và sản xuất đa giá trị. Chính những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là những giám đốc doanh nghiệp, chủ tịch HĐQT các HTX dẫn dắt nông dân cùng thi đua sản xuất, lấy nông dân dạy nông dân. 

Gắn chỉ đạo phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; trong đó quan tâm chỉ đạo xây dựng và phát triển chi hội/tổ Hội Nông dân nghiệp. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, sơ, tổng kết rút kinh nghiệm công tác tổ chức chỉ đạo phong trào trong các cấp Hội, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua để nhân rộng mô hình.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng NNPTNT huyện Mai Sơn hỏi: Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thông minh, đề nghị UBND tỉnh sớm triển khai thực hiện công nghệ phần mềm số hóa theo dõi số liệu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh để thuận lợi cho công tác dự báo tình hình, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền (theo dõi diện tích, năng suất, sản lượng các loại cây trồng, mã số vùng trồng, VietGAP,…)

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Đắc Tĩnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Việc xây dựng, triển khai và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp được giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương phối hợp triển khai hình thành cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, quản lý cơ sở chăn nuôi; cấp, quản lý mã số vùng trồng; giống cây trồng… hướng tới triển khai thí điểm, từng bước hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, tạo nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và cho người dân. 

Theo ông Tĩnh, sau khi nền tảng số này được Bộ NNPTNT hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, tỉnh Sơn La sẽ sớm chỉ đạo Sở NNPTNT chủ trì, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai thực hiện.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo bền vững

Đại biểu Lường Tiến Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu hỏi: Hiện nay, rất nhiều lao động nông thôn ở địa phương từ người trẻ đến trung niên bỏ làm nông nghiệp để đi làm thuê, làm công nhân ở các khu công nghiệp. 

Khi đến các bản có thể dễ nhận thấy đa số là người già và trẻ nhỏ. Với xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh, bền vững, có trách nhiệm thì đòi hỏi phải có kiến thức công nghệ mà chỉ người trẻ mới có nhiều ưu thế nắm bắt. 

Vậy theo Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, phải có những giải pháp nào để thu hút lượng lao động trẻ ở lại phát triển nông nghiệp, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc? Và giải pháp nào để thúc đẩy, nâng cao năng lực cho người nông dân, đặc biệt nông dân dân tộc thiểu số trong việc tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp?

Trả lời nội dung này, ông Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La cho rằng: Tỉnh Sơn La xác định việc giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Lấy người dân nông thôn là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, phúc lợi xã hội.

Triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo bền vững, đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức giảm nghèo; dứt điểm việc xóa đói và tiến đến xóa nghèo. Phát triển mạnh kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn, đa dạng hóa các loại hình, quy mô. Xây dựng các chính sách phúc lợi xã hội công bằng cho người dân nông thôn; hướng tới bình đẳng giới. Tăng cường liên kết 6 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng (ngân hàng) - nhà khoa học - nhà phân phối) với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem