Loài cây "mang theo để vơi bớt nỗi nhớ quê" giúp dân gốc Hưng Yên ở Sơn La thành triệu phú

Tuệ Linh Thứ bảy, ngày 06/08/2022 06:45 AM (GMT+7)
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nghe tiếng gọi của Đảng, nhiều người dân Hưng Yên đã đi theo “Tiếng hát con tàu”, lên mảnh đất biên giới huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La khai sơn phá thạch. Vì nỗi nhớ quê hương, nhiều người đã mang theo sản vật trong vùng là cây nhãn, lên trồng dọc 2 bên bờ sông Mã…
Bình luận 0


Clip: Nỗi nhớ quê hương giúp người dân Sông Mã thành triệu phú từ cây nhãn.

Sông Mã - một thời gian khó

Đầu những năm 1960, một sự kiện quan trọng đã diễn ra với phong trào nhân dân miền xuôi, trong đó chủ yếu là thanh niên lên tình nguyện bảo vệ và xây dựng kinh tế miền Tây Bắc, trong đó có huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Điều này đã được nhiều thi sĩ có những vần thơ bất hủ về sự kiện này. Trong đó có nhà thơ Chế Lan Viên - người đã thể hiện quyết tâm, khát vọng lên miền Tây Bắc với cách đi riêng của mình qua bài thơ "Tiếng hát con tàu".

Sơn La: Nỗi nhớ quê đưa người dân Sông Mã thành triệu phú từ cây nhãn - Ảnh 2.

Mô hình trồng nhãn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của ông Thửa. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo đó, hơn 60 năm trước, nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước nhiều người dân Hưng Yên đã tình nguyện, hy sinh niềm vui, hạnh phúc riêng để lên với vùng đất biên giới xa xôi chưa một lần biết đến là huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La để khai sơn phá thạch xây dựng vùng kinh tế mới.

Theo lời kể của những nhân chứng còn sống, để đến được với vùng đất Sông Mã, bà con Hưng Yên đã phải mất gần 1 tháng hành quân trèo đèo, vượt suối.

Nhưng bằng sự quyết tâm, tình yêu quê hương đất nước, những người dân Hưng Yên thuộc thế hệ lên tiền trạm tại vùng đất Sông Mã đã cùng với đồng bào dân tộc Thái, Mông… nơi đây đoàn kết, bảo vệ biên cương, mang đến đổi thay như ngày hôm nay bên đôi bờ sông Mã.

Sơn La: Nỗi nhớ quê đưa người dân Sông Mã thành triệu phú từ cây nhãn - Ảnh 3.

Một gốc cây nhãn tổ cao 5m, đường kính 2m, 3 người ôm không xuể cho cả tấn quả mỗi năm ở bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã là minh chứng để nhắc nhở con cháu sau này về công ơn khai hoang đất đai của thế hệ ông cha người dân Hưng Yên. Ảnh: Tuệ Linh.

Để hiểu rõ hơn về hành trình đầy khó khăn, thử thách đến với vùng đất mang tên một dòng sông khai hoang, lập nghiệp, chúng tôi tìm về bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã để gặp ông Đặng Văn Thửa.

Mùa này, dọc 2 bên đường từ Quốc lộ 4G vào bản Hải Sơn toàn nhãn là nhãn, quả chín vàng rực. Hỏi người dân về nhà ông Thửa, bà con nơi đây không ai là không biết.

Bởi cách đây khoảng 13 năm, ông Thửa chính là người đầu tiên ghép mắt giống nhãn Miền Thiết lên giống nhãn thường, giúp thay đổi cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Sông Mã.

Sơn La: Nỗi nhớ quê đưa người dân Sông Mã thành triệu phú từ cây nhãn - Ảnh 4.

Nhờ cách làm của ông Thửa đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết giữa người dân tộc Kinh với đồng bào người Thái, Mông trên địa bàn huyện Sông Mã.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thửa tâm sự: Tôi sinh năm 1964, thuộc thế hệ thứ 2 những người dân Hưng Yên lên Sông Mã khai hoang và xây dựng vùng kinh tế mới.

Ông Thửa quê ở xã Hoàng Hanh, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Năm 10 tuổi (1974), ông Thửa cùng bố mẹ lên Sông Mã xây dựng quê hương mới.

Ông Thửa cho biết thêm: Ngày ấy phải mất 4 ngày gia đình mới lên đến nơi nhưng vẫn chưa khổ bằng thời ông chú tôi lên Sông Mã vào năm 1964. Theo lời kể của chú, thời điểm đó phải mất gần một tháng trèo đèo, lội suối, hành quân cả ban đêm trong núi rừng âm u mới đến nơi.

Vùng đất Sông Mã như là định mệnh với người dân Hưng Yên

Tại vùng đất biên giới huyện Sông Mã, gia đình ông Thửa cũng như bao gia đình bà con Hưng Yên đã tích cực cùng với người dân sở tại khai hoang vùng đất heo hút 2 bên bờ sông Mã.

Sơn La: Nỗi nhớ quê đưa người dân Sông Mã thành triệu phú từ cây nhãn - Ảnh 5.

Quả nhãn ghép trồng ở Sông Mã cho chất lượng, năng suất không thua kém gì nhãn Hưng Yên. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo đó vào những năm 60 của thế kỷ trước, vì nỗi nhớ quê hương nên trong hành trang của những người dân Hưng Yên lên khai hoang vùng kinh tế mới ở Sông Mã, họ đã mang theo đặc sản ở nơi "chôn rau cắt rốn" là cây nhãn lên trồng.

Có một sự trùng hợp là vùng đất 2 bên bờ sông Mã là đất pha cát bằng phẳng, màu mỡ rất thích hợp cho sự phát triển của cây nhãn. Nói như ông Thửa vùng đất này như là định mệnh, duyên phận với người dân Hưng Yên từ lúc nào không hay.

"Lúc đấy, trong suy nghĩ của người dân Hưng Yên chúng tôi chỉ trồng chơi để cho đỡ nhớ quê hương thôi. Chẳng ai ngờ được sau này cây nhãn chính là cây trồng giúp người dân Sông Mã xoá nghèo, có người trở thành triệu tỷ phú. Không những vậy, hàng trăm tấn nhãn còn vươn sang cả thị trường thế giới", ông Thửa bộc bạch.

Sơn La: Nỗi nhớ quê đưa người dân Sông Mã thành triệu phú từ cây nhãn - Ảnh 6.

Nhờ học hỏi kỹ thuật từ ông Thửa, anh Lò Văn Châm ở bản Phiêng Xim, xã Chiềng Khoong đã có thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Tuệ Linh.

Tuy nhiên, theo ông Thửa để có được thành quả như bây giờ là cả một câu chuyện dài. Năm 2009, thương lái lên ngủ nhà ông Thửa thu mua nhãn cỏ của người dân. Có thương lái bảo với ông Thửa xuống xã Lóng Phiêng (Yên Châu – Sơn La) học cách bà con cải tạo vườn nhãn để nâng cao năng suất, chất lượng.

Nghe theo thương lái, ông Thửa xuống thăm vườn nhãn của hộ gia đình Tình Duyên. Đến nơi, ông Thửa thực sự choáng ngợp trước vườn nhãn ghép mắt của ông bà Tình Duyên này.

"Lần đầu tiên nhìn thấy vườn nhãn ghép, tôi sung sướng và hạnh phúc vô cùng. Thấy vậy, tôi mua lấy một buồng nhãn khoảng 2 kg đem về Sông Mã. Tôi không dám ăn, không vị ngọt hay đắng; bởi quả nhãn to và đẹp như bảo vật nên chỉ dám nhìn.

Khi về đến nơi, tôi lấy buồng nhãn trưng bày tại bàn uống nước và gọi người thân trong gia đình đến xem. Sau đó chúng tôi mới cùng nhau ăn thử và đánh giá về chất lượng quả nhãn. So với nhãn cỏ, quả nhãn ghép to, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày, vị ngọt đậm và rất thơm ngon", ông Thưa say sưa kể với chúng tôi.

Biệt danh "Thửa hâm" và cuộc cách mạng ghép nhãn

Để trả ơn mảnh đất quê hương thứ 2 đã nuôi mình khôn lớn và ghi nhớ công ơn khai hoang, mở đất của thế hệ cha ông, ông Thửa đã tiến hành một cuộc "cách mạng" cải tạo vườn nhãn của gia đình.

"Tôi dùng cưa cắt toàn bộ 1 ha nhãn đang phát triển xanh tốt của gia đình để ghép sang giống nhãn Miền Thiết. Sau khi cắt xong, vợ con, ông chú ruột, bà cô và hàng xóm gọi tôi là thằng "Thửa hâm". Họ bảo vườn nhãn đang tốt như thế mà cắt hết cành.

Lúc đó tôi cũng chẳng biết nói như thế nào để cho mọi người hiểu, bởi mình chưa làm thành công thì nói cũng chẳng ai tin. Tôi đã cố giải thích nhưng vợ con vẫn bán tín bán nghi về cách làm của mình. Tôi có nói với gia đình và hàng xóm rằng hay dở như nào sẽ trả lời bằng thực tế", ông Thửa cười.

Sau khi cắt xong, ông Thửa thuê 17 người ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên lên ghép mắt giống nhãn Miền Thiết. Đúng một năm sau khi ghép mắt, người thân và bà con trong bản mới hiểu được việc làm của ông Thửa.

Vườn nhãn ghép của ông Thửa cho quả sai trĩu cành, nhiều gốc nhãn phải dùng cả thân cây gỗ, tre để chống đỡ cho khỏi gãy cành. Lúc này, trên địa bàn huyện Sông Mã chỉ duy nhất hộ ông Thửa có nhãn ghép.

"Nhìn thấy vườn nhãn ghép của tôi, bà con ai cũng trầm trồ khen ngợi. Quả nhãn Miền Thiết to, cùi dày, thơm ngon cho giá bán cao hơn nhiều so với nhãn cỏ. Thương lái khắp nơi đến tranh nhau mua. Họ tự trả tiền cho gia đình tôi với giá 26.000 đồng/kg, bởi lúc bấy giờ mình cũng chẳng quan tâm đến giá cả thị trường là bao nhiêu. Năm đó thu được vài trăm triệu đồng, sướng lắm", ông Thửa nói.

Những năm tiếp theo, thương lái ở dưới xuôi lên nhìn thấy vườn nhãn ghép của ông Thửa, họ chốt luôn với giá từ 24.000 – 26.000 đồng/kg. Thời điểm đó, mỗi năm gia đình ông Thửa thu nhập hàng trăm triệu.

Bên cạnh đó, để có thị trường ổn định cho quả nhãn, tránh việc bị thương lái ép giá, ông Thửa đã cùng với nhiều hộ dân trồng nhãn trên địa bàn liên kết với nhau thành lập HTX, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Từ cách làm của ông Thửa đã giúp hàng nghìn hộ dân trồng nhãn ở huyện Sông Mã bứt phá từ hộ nghèo lên hộ giàu. Hàng nghìn ha nhãn cỏ của bà con đã được cải tạo, ghép mắt giống nhãn mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Anh Lò Văn Châm, dân tộc Thái, bản Phiêng Xim, xã Chiềng Khoong (thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoa Mười), cho biết: Hiện, gia đình tôi có 500 gốc nhãn. Trong đó có 150 gốc nhãn cổ thụ được bố mẹ trồng cách đây khoảng 30 năm. Nhờ học theo cách ghép nhãn của ông Thửa, gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

"Trước đây, gia đình trồng giống nhãn cỏ nên năng suất, hiệu quả kinh tế rất thấp. Sau đó, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân khác đã tìm đến nhà ông Thửa và đã được ông chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật ghép mắt, kinh nghiệm làm ăn. Nhờ đó, đã góp phần gắn kết hơn nữa tình đoàn kết giữa các dân tộc. Bà con bảo ban nhau tích cực lao động sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương", anh Châm phấn khởi nói.

Theo báo cáo của Phòng NNPTNT huyện Sông Mã, đến nay, tổng diện tích nhãn toàn huyện là 7.400 ha. Trong đó có 6.000 ha đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2022 ước đạt 70.000 tấn, tập trung chủ yếu ở các xã: Chiềng Khương, Chiềng Cang, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong, Mường Lầm, Mường Hung, Nà Nghịu, Yên Hưng. Hiện, Sông Mã là vựa nhãn lớn nhất cả nước.

Có thể nói, cách đây hơn 60 năm, trong nỗi nhớ quê hương, người dân Hưng Yên đã mang một số giống nhãn là sản vật ở quê lên trồng tại vùng đất hoang vu huyện Sông Mã. Nhưng nhờ chính sách phát triển cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh Sơn La, diện tích nhãn Sông Mã đã không ngừng phát triển và trở thành vựa nhãn lớn nhất cả nước, chất lượng ngang bằng với nhãn Hưng Yên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem