Nhà có người ốm, người Mông ở Sơn La sẽ làm lễ “ua nính” cầu bình an

PV Tây Bắc Thứ ba, ngày 30/08/2022 06:45 AM (GMT+7)
Theo “chí nính” Sùng Giống Mua, “ua nính” hay còn gọi là lễ cúng ma trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông ở Sơn La nhằm giúp cộng đồng người Mông phát hiện nguyên nhân gây ra ốm đau và tìm cách giải trừ bệnh tật cho con người.
Bình luận 0


Clip: Nghi lễ "ua nính" hay còn gọi là làm cúng của người Mông ở Sơn La.

Gọi ma lành về xua đuổi ma xấu

Những ngày cuối tháng 7 năm 2022, chúng tôi có dịp về bản Cửa Rừng, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Tại đây, chúng tôi được chứng kiến nghi lễ cúng ma cho gia đình ông Sùng Sáu Chứ.

Trao đổi với PV Dân Việt, "chí nính" Sùng Giống Mua (thầy cúng) chia sẻ: Nghi lễ "ua nính" của người Mông được coi như một nghề. Nó gắn liền với sự tồn tại và phát triển của cộng đồng người Mông từ xa xưa đến nay và được toàn thể cộng đồng giữ gìn và bảo lưu. "Mục đích của lễ "ua nính" nhằm gọi ma lành về xua đuổi ma xấu, giải trừ bệnh tật cho người bị ốm.

Độc đáo nghi lễ “ua nính” xua đuổi ma của người Mông Sơn La - Ảnh 2.

Bàn thờ của thầy cúng. Ảnh: A Sơn.

Theo ông Mua, để thành "chí nính" phải nhờ cậy vào thầy Xu Di chỉ bảo. Khi thành "chí nính" phải làm lễ dựng bàn thờ của mình và nối các sợi dây từ bàn thờ qua 2 cây trúc để nối với cửa chính "Trung Ta" gọi là "chiếc cầu mây". "Chí nính" luôn thờ cúng đội quân âm binh của mình để liên lạc và trợ giúp trong quá trình hành sự của mình.

Anh Sùng A Chịa (con trai ông Sùng Sáu Chứ) cho biết: Với bà con đồng bào Mông ở nơi đây, mỗi khi có người nhà ốm, gia đình đều đưa lên Trạm Y tế, Bệnh viện để khám chữa bệnh.

Khi người ốm đã dần phục hồi sức khoẻ và được ra viện trở về nhà mà thấy có sự bất ổn trong gia đình thì sẽ tiến hành làm lễ tìm thầy cúng hay "chí nính" để làm cúng cho người đó hoặc cả nhà (tuỳ điều kiện từng gia đình).

Dùng trứng tìm thầy cúng

Theo đó, vào buổi tối, người làm lễ tìm thầy cúng sẽ đặt một chiếc bát nghiêng lên trên một bát gạo, dùng bốn ngón tay giữ nhẹ một quả trứng gà trên mặt bát nghiêng hoặc mặt vỏ chai để khấn và gọi lần lượt tên các thầy cúng. Thầy cúng nào được xướng tên vào thời điểm quả trứng đứng im thì sẽ được mời đến làm cúng.

Độc đáo nghi lễ “ua nính” xua đuổi ma của người Mông Sơn La - Ảnh 3.

Thầy cúng dùng lợn là lễ vâng để thế mạng cho người ốm. Ảnh: A Sơn.

Anh Chịa chia sẻ: Khi đi mời thầy cúng, chủ nhà sẽ đến nhà để tiến hành thủ tục mời về làm lễ cúng cho người ốm. Người đi mời thắp 3 nén hương lên bàn thờ của thầy cúng rồi trình bày lời mời và lấy các đồ vật cúng khi thầy cúng đã nhận lời.

Khi được mời đến gia đình, thầy cúng sẽ nói chuyện với gia chủ, người ốm đau, lập đàn cúng, làm lễ gọi binh, xác định lễ vật để tổ chức lễ cúng và tìm gọi hồn người ốm về.

Bàn thờ diễn ra nghi lễ gồm: 1 chiếc ghế dài đặt đối diện với nơi thờ cúng tổ tiên của ngôi nhà (con ngựa thầy cúng cưỡi), 1 chiếc ghế nhỏ (bàn thờ) đặt ngay dưới ống hương, 1 bát hương (một ép khảu thóc hoặc ngô), 3 chén rượu.

Độc đáo nghi lễ “ua nính” xua đuổi ma của người Mông Sơn La - Ảnh 4.

Đồ của thầy cúng gồm: Rùa nính (chiêng), chứ nính (quả nhạc), cáu nính (vòng lắc) là một vòng tròn to làm bằng sắt đặt ở giữa bàn thờ, trỉa nính (con dao), phủa nính (khăn trùm đầu màu đen), cừ rùa (dùi đánh chiêng); những đồ cúng này đều được buộc bằng vải đỏ. Một cặp sừng gồm phần đầu của sừng một con trâu được bổ làm đôi gọi là của nính.

Ngoài ra còn 2 bát con nước và 1 đĩa thóc rang nổ thành hoa. Bên cạnh bàn thờ có 1 con gà trống được nhốt trong lu cở (gùi của người Mông).

Độc đáo nghi lễ "ua nính" của người Mông

Theo thầy cúng Sùng Giống Mua, nghi lễ "ua nính" của người Mông gồm những khâu như sau: Thứ nhất, thầy cúng sẽ thắp hương xin phép tổ tiên, thần linh và xem hồn cho người đang bị ốm và các thành viên trong gia đình.

Thầy cúng dùng của nính xin tổ tiên, thần linh. Nếu tổ tiên và thần linh nhất trí cho thầy cúng làm cúng chữa bệnh người ốm cho thì 1 sừng ngửa, 1 sừng sấp (3 lần). Nếu cả 2 sừng đều sấp hoặc đều ngửa thì phải tìm lại lý do và làm lại khi nào được tổ tiên, thần linh đồng ý thì thôi. Đến đây nghi lễ đã hoàn tất bước đầu tiên.

Độc đáo nghi lễ “ua nính” xua đuổi ma của người Mông Sơn La - Ảnh 5.

Thầy cúng lệnh cho gia chủ gọi người ốm về ngồi trước chiếc ghế dài đặt đối diện với nơi thờ cúng tổ tiên. Người ốm được thầy cúng khoác lên vai mẩu giấy dó. Ảnh: A Sơn.

Thứ hai, dâng lễ vật là lợn, dê, chó… để thế mạng của người ốm. Sau khâu thứ nhất, thầy cúng sẽ biết được người đang bị ốm có bị nặng hay không để bàn với gia chủ lễ vật cần thế mạng.

Thầy cúng lệnh cho gia chủ gọi người ốm về ngồi trước chiếc ghế dài đặt đối diện với nơi thờ cúng tổ tiên. Người này được thầy cúng khoác lên vai mẹt giấy dó đã được cắt trước đó.

Hôm tại nhà của ông Chứ, thầy cúng một con lợn con cúng. Con lợn đó thay thế cho linh hồn những người ốm dâng biếu cho ma. Thầy cúng đứng trước bàn thờ miệng khấn, tay gõ chiêng và đi vòng quanh người ốm.

Thầy cúng tiến về phía con lợn, dùng sừng hỏi con lợn có nhất trí làm vật hiến tế mang biếu cho ma thế mạng cho người ốm hay không. Khấn hỏi đến khi cặp sừng một sấp, một ngửa tức là lợn đã đồng ý. Thầy cúng cầm nắm giấy dó đi vòng quanh người ốm, phẩy nắm giấy quanh người ốm xua đuổi tà khí.

Độc đáo nghi lễ “ua nính” xua đuổi ma của người Mông Sơn La - Ảnh 6.

Sau khi làm cúng xong, mọi người cùng nhau quây quần bên mâm rượu để xem chân gà và trứng xem hồn của người ốm có về với tổ tiên, thần linh không. Ảnh: A Sơn.

Tiếp đó, người thân trong gia đình đem cắt tiết lợn, thầy cúng dùng nắm giấy và quả nhạc chấm vào tiết lợn rồi triện vào vai hoặc lưng áo người ốm và nói không cho con ma nhập vào người ốm vì đã lấy con lợn cho con ma ăn rồi.

Thầy cúng dùng dao kẻ xung quanh chỗ ngồi của người bệnh một vòng tròn làm ranh giới, hàng rào ngăn chặn không cho ma nhập vào những người bệnh.

Thầy cúng đặt dao xuống đất và lấy vòng lắc đưa qua đầu người ốm và lôi đến vị trí con dao để người ốm bước qua. Thầy cúng làm phép như vậy để bảo vệ người ốm, khi ma nhìn thấy sẽ sợ hãi và không làm hại người ốm nữa.

Cúng xong, chủ nhà chuẩn bị 1 bát gạo, trên đặt một quả trứng. Thầy cúng gõ chiêng gọi hồn người ốm trở về. Gà cúng sống xong, đem làm lông luộc chín cùng với trứng. Sau khi chín, tiến hành cúng chín và xem chân gà, mắt gà, lòng trắng trứng.

Thứ ba, thầy cúng cưỡi ngựa và lãnh đạo đội quân âm binh đi tìm gọi hồn của người ốm về với tổ tiên, thần linh.

Theo đó, thầy cúng cùng với đội quân âm bình phải đi qua 12 tỉnh. Nếu người bệnh ốm nặng thì đi từ 3 – 5 tỉnh; nếu ốm nặng thì đi 12 tỉnh mới đưa được linh hồn của người ốm về.

Cũng theo thầy cúng Sùng Giống Mua, trường hợp ngôi nhà của gia chủ có sự bất ổn lớn, cần phải làm cúng to để đuổi trừ tà ma thì sẽ có thêm khâu thứ 4. Đó là nghi lễ thổi lửa.

Theo đó, các thành viên trong gia đình sẽ ngồi tập trung trước bàn thờ. Người phục vụ giúp gia đình đun nồi mỡ lợn trong khoảng 1 giờ đồng hồ sao cho thật nóng rồi đổ ra gáo. Sau đó, cho đồng bạc trắng nguyên chất vào gáo mỡ đó.

Lúc này, thầy cúng thắp đuốc, ngậm ngụm mỡ vừa sôi thổi vào ngọn đuốc cho ngọn lửa bùng lên, cứ làm như vậy và đi vòng quay các thành viên trong gia đình. Tiếp đó, thầy cúng làm từ phía cửa chính đối diện bàn thờ, đi vòng xuống bếp, qua sau lưng mọi người rồi đi ra cửa chính nhằm xua đuổi hết tà ma ra ngoài.

Thầy cúng tiếp tục lấy con dao vẽ vòng tròn lớn xung quanh các thành viên trong gia đình đang ngồi. Việc làm này tượng trưng như bức tường vững chắc để rào chắn, che chở cho mọi người.

Trong tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Mông nói riêng và văn hoá Mông nói chung, nghi lễ "ua nính" đã góp phần củng cố đời sống tinh thần, làm tăng niềm tin và nghị lực sống cho cộng đồng người Mông biết hướng đến cái thiện, bài trừ cái ác. Qua đó, góp phần giữ gìn và lưu giữ những phong tục tập quán tốt đẹp được ông cha truyền dạy từ ngàn đời xưa.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem