Ông Trần Văn Quang, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong) có 2 ha chanh dây. Những ngày qua, ông thường xuyên thăm vườn. Để tránh tình trạng ngập úng cho vườn cây, ông đào các rãnh, mương thoát nước theo kiểu đường dích dắc.
Ông Quang cho biết, mùa mưa cây chanh dây thường dễ mắc các bệnh như héo rũ, đốm xám. Đối với bệnh héo rũ xuất hiện do nấm, phát triển nhanh trong điều kiện ẩm ướt, vết bệnh có thể xuất hiện trên cả cổ rễ và thân. Đầu tiên cây có biểu hiện vàng lá sau đó thân lá và trái héo rũ xuống và chết dần.
Để phòng, chống bệnh héo rũ, ông hạn chế việc tạo vết thương cho cây trong quá trình chăm sóc, bón phân, tỉa cành, làm cỏ, giữ cho vườn luôn sạch sẽ.
Ông phòng trừ tốt các loại bệnh do nấm và các loài sên nhớt cắn thân, gốc. Những cây bị bệnh ông đào và di chuyển cẩn thận, đem ra khỏi vườn phơi khô và đốt.
Khi cần thiết, ông sử dụng các loại thuốc Trichoderma với lượng 3kg/1000m2 trộn với phân chuồng hoặc phân vi sinh bón vào đất. Hoặc ông sử dụng các loại chế phẩm nấm Trichoderma để tưới vào gốc.
Đối với bệnh đốm xám thường tấn công các bộ phận lá, thân, và quả chanh dây. Để phòng, chống bệnh này, ông tăng cường bón phân hữu cơ và phân ka li, khi cây bị bệnh cần ngừng bón phân đạm.
Ông Lê Văn Hưng, thôn Tân Phú, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) người có gần 2 ha cây bơ các loại. Theo ông Hưng, mùa mưa quả bơ dễ bị nứt, thối và rụng.
Kinh nghiệm của ông là không cho cây phát đọt non để hạn chế bọ xít chích hút, đồng thời tập trung dinh dưỡng vào trái, tỉa bớt cành cho cây quang hợp.
Mùa mưa, cây bơ cũng dễ bị bệnh xì mủ gây thối thân, cành. Bệnh này do nấm Phytophthora spp gây nên. Theo đó, đối với các cây bị nặng, các cành, thân đã bị chết, khô, ông nhổ bỏ, đào hố xử lý đất và trồng lại.
Các cây bị nhẹ, trung bình, ông dùng dao cạo sạch vết bệnh, sau đó bôi (quét) các loại thuốc đặc trị. Ông thường xử lý 2 lần, cách nhau 10 – 15 ngày.
Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại sầu riêng Gia Trung (Gia Nghĩa), thời gian này, ông tăng cường dùng dây giằng, néo thân, cành, quả. Đây là cách mà ông đã áp dụng khá hiệu quả nhiều năm qua để phòng, chống tác hại của mưa lớn kèm gió, lốc gây gãy đổ, thiệt hại.
Đắk Nông hiện có trên 18.000 ha cây ăn quả như sầu riêng, bơ, mít, xoài, cam, chanh. Hằng năm, cây ăn quả đem lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân. Riêng từ đầu năm tới nay, nhà nông toàn tỉnh thu được 17.600 tấn hoa quả các loại. Trong đó, khoảng 4.600 tấn bơ, khoảng 4.100 tấn xoài, 4.200 tấn mít, khoảng 4.700 tấn sầu riêng…
Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển Nông nghiệp (Sở NN- PTNT), mùa mưa năm nay có nhiều diễn biến bất thường hơn mọi năm, lượng mưa lớn dễ làm cho sâu bệnh phát sinh, lây lan.
Trong đó, cường độ mưa lớn hơn, độ ẩm cao nên nhà nông thực hiện thoát nước tốt cho vườn, tránh các bệnh gây hại từ rễ do úng nước. Mưa lớn kèm dông, lốc dễ gây ngã, đổ cây nên nhà nông có thể giằng néo thân, gốc, cành, quả.
Khi bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhà vườn cần thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” về chủng loại, liều lượng, thời điểm, đúng cách. Bà con hạn chế bón phân đạm vì sẽ kích thích cây ra đọt non, và khi vườn cây bị ngập úng sẽ tiêu hao nhiều dinh dưỡng, làm cho cây dễ bị suy yếu.