Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát trên dãy Hoàng Liên Sơn
Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát được xác định là điểm đầu dãy núi Hoàng Liên Sơn, với các đỉnh núi cao xuất phát từ xã Y Tý kéo dài đến đỉnh Fansipan, là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Sự đa dạng về địa hình và đai độ cao hình thành nên tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cho khu vực. Là nơi có hệ sinh thái tự nhiên ít bị tác động ở độ cao trên 700 m, với nhiều kiểu thảm thực vật rừng, có giá trị đa dạng sinh học cao.
Về thực vật đã phát hiện và tổng hợp được 976 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 565 chi và 156 họ của 6 ngành thực vật khác nhau, trong đó co 137 loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm, trong đó: Nghị định 06/2019 NĐ-CP: 91 loài; Sách đỏ Việt Nam-2007 – Phần II – Thực vật: 51 loài.
Danh lục đỏ thế giới IUCN-2021: 10 loài; Công ước CITES-2020: 74 loài; Nghị định 160/2013/NĐ-CP: 4 loài. Có 5 loài nguy cấp cấm khai thác sử dụng, có trong sách đỏ Việt Nam, Nghị định 06/2019/NĐ-CP và Nghị định 160/2013/NĐ-CP (Lan Kim tuyến tơ, Hoàng liên gai, Hoàng liên 3 gai, Hoàng liên Trung hoa, Hoàng liên chân gà).
Về động vật đã thống kê được 173 loài động vật có xương sống trên cạn, thuộc 83 họ và 25 bộ. Thành phần loài đặc trưng cho khu hệ núi cao Hoàng Liên Sơn. Trong đó, có 52 loài nguy cấp quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới có giá trị bảo tồn cao. Ghi nhận được 21 loài, trong đó Phụ lục I ghi nhận được 5 loài, phụ lục II có 13 loài và phụ lục III xác định được 3 loài.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát có nhiều cái mới để khám phá
Đặc biệt đã phát hiện 6 loài đặc hữu, nguy cấp quý hiếm cho khoa học, có giá trị bảo tồn cao, các loài này chủ yếu thuộc lớp lưỡng cư, bao gồm các loài sau: Cóc sừng hoàng liên - Panophrys hoanglienensis (2018), Cóc núi s-tec-ling - Oreolalax sterlingae (2013), Cóc mày bốt-pho - Leptobrachella botsfordi (2013), Cóc sừng đỏ - Panophrys rubrimera (2017), Cóc sừng phansipan - Panophrys fansipanensis (2018), Cóc sừng ky quan san - Panophrys frigida (2021).
Sự đa dạng về thành phần loài, đặc biệt là phát hiện và xác định bổ sung các loài mới cho danh mục và phát hiện các loài nguy cấp, quý hiếm có ý nghĩ hết sức quan trọng trong định hướng chiến lược, quy hoạch bảo tồn, xây dựng các chương trình dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, bảo tồn và phát triển nguồn gen; xây dựng và thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo quy hoạch phát triển của tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực Y Tý nằm trong quy hoạch phát triển không gian du lịch trọng điểm Vùng I - Tây Bắc (Sa Pa - Bát Xát - TP. Lào Cai). Tỉnh Lào Cai đang phấn đấu để Y Tý, huyện Bát Xát trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh theo tiêu chuẩn bền vững toàn cầu.
Hiện nay, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chí để được nâng hạng lên thành Vườn Quốc gia. Đây sẽ là yếu tố tự nhiên quyết định đến đặc trưng và làm nên thương hiệu Khu du lịch Y Tý. Khu du lịch này có thời tiết khí hậu trong lành, mát mẻ; những cảnh quan thiên nhiên đẹp, núi rừng hoang sơ, gắn liền với cuộc sống văn hóa sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao.