dd/mm/yyyy

Khơi thông thị trường, xuất khẩu nhiều loại nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc bùng nổ

Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều loại nông lâm thủy sản của Việt Nam như cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn, trái cây. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng nổi lên như một điểm sáng, xuất khẩu dưa hấu được kỳ vọng có nhiều khởi sắc nhờ Nghị định thư.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 10 tháng năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 1,27 triệu tấn cao su, trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 9,3% về lượng, nhưng giảm 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.319 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong 10 tháng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, chiếm 84,89% về lượng và chiếm 87,5% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su sang thị trường này.

Giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Trung Quốc trong 10 tháng năm 2023 đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tại thị trường Trung Quốc, cao su của Việt Nam phải cạnh tranh với cao su của Thái Lan, Malaysia, Bờ Biển Ngà. 

Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, để đẩy mạnh xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã… Cùng với đó, các doanh nghiệp nên chủ động tăng tỷ lệ cao su chế biến hơn là cao su nguyên liệu để nâng cao giá trị xuất khẩu.

Khơi thông thị trường, xuất khẩu nhiều loại nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc bùng nổ  - Ảnh 1.

Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết "Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc". Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Bình.

Không chỉ cao su, trong 10 tháng năm 2023, Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,12% về lượng và chiếm 90,42% về trị giá trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang Trung Quốc đạt 2,18 triệu tấn, trị giá 929,57 triệu USD, giảm 6,2% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Về giá xuất khẩu, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Tháng 10/2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 517 USD/tấn, tăng 11,5% so với tháng 9/2023 và tăng 20,2% so với tháng 10/2022. 

Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 10 tháng năm 2023 chủ yếu là tinh bột sắn và sắn lát khô. 

Trong đó, lượng sắn lát xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 93,8% tổng lượng sắn lát xuất khẩu của cả nước, đạt khoảng 1,5 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, lượng tinh bột sắn xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 91% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước, đạt khoảng 667.000 tấn, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong các tháng tới, nhu cầu mua sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc dự kiến vẫn cao do các nhà máy chuẩn bị nguồn hàng để sản xuất phục vụ cho dịp lễ Tết và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Khơi thông thị trường, xuất khẩu nhiều loại nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc bùng nổ  - Ảnh 2.

Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng vọt về sản lượng và kim ngạch. Ảnh: V.Giàu.

Nhờ thúc đẩy việc ký kết các Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch chuối, sầu riêng sang Trung Quốc, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc đã có những bước tiến ngoạn mục, góp phần vào tăng trưởng chung của kim ngạch xuất khẩu rau quả.

Ước tính, xuất khẩu hàng rau hoa quả trong tháng 11/2023 đạt 500 triệu USD, tăng 65,2% so với tháng 11/2022. Tính chung 11 tháng năm 2023, trị giá xuất khẩu hàng rau hoa quả ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2022. 

Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong 10 tháng năm 2023, chủng loại quả đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng. Trong đó, quả sầu riêng, mít, xoài là những loại quả có tốc độ tăng đáng kể. 

Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là quả sầu riêng đạt 2,07 tỷ USD, tăng 606,3% (điều này có được nhờ ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc); quả mít đạt 168,6 triệu USD, tăng 35,5%; quả xoài đạt 154 triệu USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm 2022. 

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, trước trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm trong nước và Trung Quốc đều tăng 15-20%. 

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 12 – 13/12/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng vừa ký kết "Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả dưa hấu tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc".

Việc ký kết Nghị định thư trên là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), việc ký kết Nghị định thư là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp truyền thống của Việt Nam và chuẩn hóa các quy định về xuất khẩu nông sản giữa hai nước.

Đến nay, Việt Nam đã có 162 vùng trồng dưa hấu và hơn 1.000 cơ sở đóng gói tại 38 tỉnh được cấp mã số để xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc.

Còn theo Văn phòng SPS Việt Nam, các quy định về nhập khẩu nông sản của Trung Quốc ngày càng cao, do đó các doanh nghiệp cần theo dõi thông tin chính thức trên Cổng thông tin của Văn phòng SPS Việt Nam tại địa chỉ: http://www.spsvietnam.gov.vn/trang-chu 

"Chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đặc biệt lưu ý về chất lượng sản phẩm, vùng nguyên liệu, truy xuất được nguồn gốc và mã số vùng trồng, các cơ sở đóng gói. Thị trường đang có điều kiện thuận lợi, bởi vậy chúng ta tranh thủ thu hoạch, sơ chế, chế biến để thực hiện tốt Nghị định thư giữa 2 nước", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA VĂN PHÒNG SPS VIỆT NAM

P.V