Thứ Năm, ngày 06/02/2025 08:50 PM (GMT+7)
Indonesia dự báo sản lượng gạo quý I/2025 tăng cực mạnh, có thể không nhập gạo, gạo Việt hiện ra sao?
2025-02-06 20:43:51
Sản lượng gạo của Indonesia trong quý I/2025 được dự báo đạt 8,67 triệu tấn, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2024, theo số liệu từ Cục Thống kê nước này công bố hôm thứ Hai (03/02).
Trung Tâm Thông Tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương (VITIC) thông tin, theo số liệu từ Cục Thống kê Indonesia, năm 2024, Indonesia sản xuất 30,62 triệu tấn gạo, giảm 1,5% so với năm 2023. Sự sụt giảm này chủ yếu do thời tiết khô hạn kéo dài trong đầu năm, buộc chính phủ phải nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt. Tuy nhiên, chính phủ Indonesia cho biết có thể không cần nhập khẩu gạo trong năm 2025.
Ngoài ra, sản lượng ngô của nước này trong giai đoạn tháng 1-3/2025 ước tính đạt 4,81 triệu tấn, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2024, sản lượng ngô đạt 15,14 triệu tấn, tăng 2,5% so với năm 2023.
![](https://i.ex-cdn.com/danviet.vn/files/content/2025/02/06/gao-2042.jpg)
Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023, 2024 sang thị trường Indonesia gặp nhiều thuận lợi do sản xuất tại Indonesia không thuận lợi do các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Indonesia, nguồn cung thế giới thiếu hụt, các nước có nhu cầu gia tăng dự trữ lúa gạo ứng phó với hiện tượng thời tiết El Nino. Tuy nhiên, sự thuận lợi này chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ giảm bớt khi có thời tiết thuận lợi cho sản xuất lúa gạo tại Indonesia.
Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Indonesia Phạm Thế Cường, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong thời gian tới tại thị trường Indonesia đó là: Chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo trong nước, duy trì chính sách quản lý nhập khẩu chặt chẽ đối với mặt hàng lúa gạo khiến nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ có xu hướng sụt giảm.
Chính sách này đã thể hiện rõ thông qua việc Cơ quan hậu cần quốc gia trong hơn 3 năm (2019-2022) đã không nhập khẩu gạo phục vụ dự trữ quốc gia. Toàn bộ gạo dự trữ thu mua từ trong nước; Chính phủ Indonesia ngày càng chú trọng thúc đẩy trồng lúa gạo thông qua việc xây dựng các vùng lúa chuyên canh tập trung và đặc biệt đang có kế hoạch thúc đẩy gia tăng thêm diện tích trồng lúa; phát triển mở rộng hệ thống thủy lợi, xây dựng thêm nhiều hồ chứa tích nước phục vụ tưới tiêu trồng lúa gạo; khiến cho sản lượng lúa gạo của Indonesia sẽ gia tăng, dẫn tới nhu cầu gạo nhập khẩu sụt giảm.
Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa gạo Thái Lan và Việt Nam ở cùng phân khúc gạo trong bối cảnh nhu cầu gạo nhập khẩu gạo của Indonesia sụt giảm; nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự rõ nét. Tại nhiều siêu thị của Indonesia, gạo Thái Lan đã có thương hiệu dễ nhận biết đối với người tiêu dùng.
Để gạo xuất khẩu Việt nam duy trì xuất khẩu bền vững, gia tăng củng cố hơn nữa vị thế gạo của Việt Nam trong bối cảnh Indonesia chưa có nhiều giống lúa chất lượng thì Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, định hướng tập trung thúc đẩy phân khúc gạo thơm hạt dài cao cấp, gạo nếp, gạo japonica đa dạng hóa các chủng loại gạo (như gạo hữu cơ); đảm bảo không có các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm, cũng cần quan tâm thúc đẩy xúc tiến các sản phẩm từ lúa gạo (bún khô, bánh gạo kiểu Hàn Quốc, bánh đa nem (bánh tráng), bánh phở khô, bánh đa gạo khô) vì đây cũng là một phân khúc thị trường rất tiềm năng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 1/2025, nước ta xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo, thu về 308 triệu USD, dù tăng 1% về khối lượng nhưng giá trị lại giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Đối với thị trường Indonesia, ta vẫn đang xúc tiến để giữ khối lượng xuất khẩu gạo ổn định và giá cả phù hợp theo từng thời điểm, nếu bạn có nhu cầu nhập khẩu gạo.
Được biết, giá lúa gạo hôm nay 6/2 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không biến biến động nhiều. Lúa gạo các loại tương đối bình ổn so với ngày hôm qua và trước Tết.
Theo cập nhật từ Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, hiện giá lúa IR 50404 (tươi) giảm 100 đồng/kg dao động ở mức 5.400 - 5.600 đồng/kg; lúa OM 5451 dao động ở mốc 5.800 - 6.000 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 (tươi) dao động ở mốc 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 380 ở mức 6.600 - 6.700 đồng/kg; lúa OM 18 (tươi) dao động ở mốc 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa Nhật ở mốc 7.800 - 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 ở mức 9.200 đồng/kg.
Tượng tự, với mặt hàng gạo, theo cập nhật từ Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, hiện gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 7.700 - 7.800 đồng/kg so với trước Tết; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.500 - 9.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 dao động ở mức 7.400 - 7.500 đồng/kg so với trước Tết; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800 - 9.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu 5451 giảm 100 đồng/kg dao động ở mức 8.800 - 8.900 đồng/kg.
Với phụ phẩm, giá các mặt hàng phụ phẩm dao động khoảng từ 5.500 - 7.300 đồng/kg. Hiện, giá tấm dao động ở mức 7.100 - 7.300 đồng/kg; giá cám khô dao động ở mức 5.500 - 5.600 đồng/kg so với ngày hôm qua.
Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay bình ổn so với ngày hôm qua Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện gạo tiêu chuẩn 5% ở mức 405 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 380 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 318 USD/tấn.
Năm 2024, xuất khẩu gạo của cả nước đạt trên 9,03 triệu tấn, tương đương gần 5,67 tỷ USD, giá trung bình 627,2 USD/tấn, tăng 11% về lượng, tăng 21,2% về kim ngạch và tăng 9,1% về giá so với năm 2023.
Philippines đứng đầu, chiếm 47,6% trong tổng lượng và chiếm 47,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 4,22 triệu tấn, tương đương trên 2,61 tỷ USD, giá 618,4 USD/tấn, tăng 34,7% về lượng, tăng 48,9% về kim ngạch và tăng 10,6% về giá so với năm 2023.
Indonesia đứng thứ 2, đạt 1,26 triệu tấn, tương đương 746,31 triệu USD, giá 593,6 USD/tấn, chiếm 13,9% trong tổng lượng và chiếm 13,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, tăng 7,9% về lượng, tăng 16,6% kim ngạch và tăng 8% về giá so với năm 2023.
Malaysia đứng thứ 3 với 719.241 tấn, tương đương 426,08 triệu USD, giá trung bình 592,4 USD/tấn, chiếm 8% trong tổng lượng và chiếm 7,5% trong tổng kim ngạch, tăng mạnh 81,4% về lượng, tăng 107,8% kim ngạch và tăng 14,6% về giá so với năm 2023.
Lập đỉnh 9 triệu tấn gạo xuất khẩu: Liệu 2025 có tiếp tục bứt phá?
Kỳ vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2025 có thể tiếp tục duy trì mốc 9 triệu tấn - là kỷ lục mới mà xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt được trong năm 2024, cũng như sẽ mang về kim ngạch xuất khẩu vượt trội.
Nóng: Các doanh nghiệp Đài Loan có quota nhập khẩu gạo năm 2025, cơ hội cho gạo Việt
Để có cơ sở thúc đẩy giao thương xuất khẩu gạo vào Đài Loan (Trung Quốc), Thương vụ Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc xin giới thiệu danh sách các doanh nghiệp Đài Loan có quota nhập khẩu gạo năm 2025 (đợt 1).
Quy định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo.