dd/mm/yyyy

Huyện Sông Mã của Sơn La thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa bàn huyện Sông Mã (Sơn La) đã triển khai hiệu quả các chương trình, dự án tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp.
Huyện vùng biên của Sơn La thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Nông dân huyện Sông Mã (Sơn La) chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập trên diện tích đất canh tác. Ảnh: Trần Hiền.

Sông Mã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện Sông Mã là 38.322 ha, trong đó, có trên 10.700 ha cây ăn quả các loại (7.511 ha nhãn, 1.820 ha cây xoài…). 

Là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển sản xuất nông nghiệp, trước đây do thiếu vốn, ít kinh nghiệm, tư duy canh tác còn nhiều lạc hậu; chưa chú trọng đến ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên chưa khai thác hết được thế mạnh. 

Thêm nữa, diễn biến bất thường của thời tiết cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, năng suất, hiệu quả kinh tế từ cây trồng, vật nuôi không cao.

Để giải quyết bài toán về sản xuất nông nghiệp, huyện Sông Mã đã tập trung khuyến khích các HTX, hộ nông dân dám nghĩ, dám làm, thay đổi nếp nghĩ, cách làm chuyển tư duy làm nông nghiệp truyền thống sang sản xuất hàng hóa, đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật. Ngày 14/12/2020, Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về lãnh đạo thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025, định hướng năm 2030. 

UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch về phát triển các loại cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 trên địa bàn huyện; quản lý, giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện giai đoạn 2022 - 2025.

Sông Mã đã chỉ đạo rà soát, xác định nhóm cây, con chủ lực, xây dựng thương hiệu sản phẩm một số nông sản; triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế. Dự báo những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp; rà soát, chuẩn bị các điều kiện cho sản xuất, như: Nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, vật tư đầu vào, khả năng cung ứng...

Đồng hành cùng HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất, từ năm 2020 đến nay, huyện hỗ trợ trên 2,3 tỷ đồng cho HTX, Công ty tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, xây dựng sản phẩm OCOP và hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm nông sản. 

Từ đó, cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông sản sạch, an toàn, góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm nông sản Sông Mã.

Huyện vùng biên của Sơn La thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Nông dân Sông Mã thu hoạch nhãn. Ảnh: Trần Hiền.

HTX dịch vụ nông nghiệp Ngoan Hậu, xã Chiềng Khương, có 8 thành viên. Để nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích đất sản xuất, HTX đầu tư hệ thống tưới nước vảy gốc; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, HTX có 5 ha nhãn T6 và 10 ha nhãn miền. 

Vụ nhãn năm 2023, thu 75 tấn nhãn chín sớm, giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg; nhãn chính vụ thu 200 tấn, giá bán trung bình 10 nghìn đồng/kg.

Anh Bùi Văn Hậu, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Ngoan Hậu, xã Chiềng Khương, nói: HTX tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng chất lượng sản phẩm. Theo tính toán, vụ nhãn năm nay, HTX thu hơn 3 tỷ đồng, trừ chi phí lãi hơn 1,5 tỷ đồng. 

Ngoài bán hàng truyền thống, HTX đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản qua các trang mạng. Nhờ đó, sản phẩm của các thành viên được tiêu thụ nhanh chóng.

Còn ông Dương Tự Thanh, Giám đốc HTX Tây Hồ, xã Nà Nghịu cho rằng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Đó là giảm được nhân công lao động, chất lượng sản phẩm đảm bảo yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường trong nước cũng như là thị trường xuất khẩu, từ đó, lợi nhuận của bà con được cải thiện hơn. 

Quá trình triển khai thực hiện, HTX luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của huyện trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản nông sản.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Nhiều sản phẩm có thương hiệu, chất lượng đảm bảo đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Quá trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất hữu cơ còn giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên, nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Nhờ đó, giá trị bình quân đạt 65 triệu đồng/ha/năm; nhiều diện tích được đầu tư thâm canh cao, sử dụng giống mới và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đạt từ 200-500 triệu đồng/ha/năm

Sông Mã xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sông Mã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu, đến năm 2025 tạo lập vùng nguyên liệu tập trung, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác vận động phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến nông sản.

Phân công nhiệm vụ cho các thành viên phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát diện tích đất có thể mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời, chỉ đạo vận dụng các cơ chế, chính sách hiện hành thu hút doanh nghiệp, công ty vào đầu tư, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế.

Năm 2023, UBND huyện phối hợp với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Chi nhánh Sơn La và Công ty CP nông nghiệp hữu cơ Fusa, Công ty Rồng Đỏ, Công ty Bamboo Hà Nội, Công ty TNHH Phương Mai Bắc Giang, Công ty CP rau quả sạch Việt Nam, Công ty xuất nhập khẩu LINSAN IMEX, Công ty CP sản xuất và thương mại CCP Sơn La... mở rộng vùng nguyên liệu, với 1.550 ha. 

Trong đó, 345 ha cây có múi; 155 ha dứa Queen; 50 ha ngô ngọt, 3 ha rau chân vịt. Đến nay, đã trồng 50 ha dứa Queen và trên 1.000 ha quế… Một số mô hình liên kết đã cho thu nhập từ 57-120 triệu đồng/ha, tăng gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng truyền thống ở địa phương.

Huyện vùng biên của Sơn La thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3.

Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào chế biến long nhãn để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Ảnh: Trần Hiền.

Là đơn vị được chọn triển khai Đề án "Phát triển Quế trên địa bàn huyện Sông Mã giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030", ông Nguyễn Hồng Linh, Phó Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại CCP Sơn La, cho hay: Đảm bảo lợi ích của 2 bên, doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng. HTX và các hộ thành viên tham gia chịu trách nhiệm và nghĩa vụ trong sản xuất theo quy trình và không được bán các sản phẩm ra ngoài.

Các thành viên HTX dịch vụ Nông nghiệp Chung Thành, xã Yên Hưng, khi tham gia liên kết với Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao trồng 3 ha rau chân vịt vào đầu tháng 2/2023, HTX được huyện hỗ trợ 3 triệu đồng/ha theo Nghị quyết số 50 của HĐND tỉnh; Công ty hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm.

Sau 45 ngày trồng, rau cho thu hoạch, trừ chi phí thu lãi trên 57 triệu đồng/ha/vụ. Sự liên kết này giúp HTX xây dựng quy trình sản xuất theo hướng an toàn, liên kết theo chuỗi gắn với tiêu thụ. Hiện nay, HTX đang liên kết với 15 hộ dân bản Sòng, Sòng Hạ và bản Bua triển khai trồng 5 ha ngọt.

Phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, huyện đã kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất với chế biến thông qua hợp đồng. Theo đó, nông dân, HTX tổ chức sản xuất trên diện tích đất của mình để tạo ra sản phẩm theo hợp đồng ký kết.

Doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ dân và cam kết bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng ký kết. Việc liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, doanh nghiệp trong thực hiện hợp đồng sẽ đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.  

Ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chế biến 

Trong giai đoạn 2019-2022, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ liên kết với nhà máy chế biến, duy trì các cơ sở chế biến, nên toàn bộ sản lượng quả các loại còn lại sau xuất khẩu và cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng nội địa đều được thu mua chế biến. 

Điểm nhấn phải kể đến việc chế biến sản phẩm long nhãn. Huyện tập trung rà soát, hỗ trợ các HTX, hộ sản xuất theo Quyết định 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh; duy trì 2 làng nghề chế biến long nhãn tại xã Chiềng Khoong. 

Đến nay, toàn huyện có 2.994 lò sấy, trong đó, 735 lò hơi nhiệt sạch; công suất từ 1.500-2.000 tấn quả tươi/ngày. Vụ nhãn năm nay, các cơ sở đã chế biến 3.165 tấn long nhãn, trong đó, xuất khẩu 2.675 tấn long nhãn, còn lại tiêu thụ trong nước.

Huyện vùng biên của Sơn La thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp - Ảnh 4.

Sản phẩm long nhãn Bảo Minh được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: Trần Hiền.

Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, xã Chiềng Khoong, chia sẻ: Trước đây, long nhãn sấy khô bằng lò sấy than thủ công, một ngày chỉ làm được 50-100 kg. Từ khi áp dụng lò sấy hơi ép nhiệt kín, công suất một ngày tăng lên 5-6 tạ. 

Từ năm 2018, chuyển đổi hoạt động chế biến long nhãn từ lò sấy than thủ công sang lò sấy hơi ép nhiệt kín, nên chất lượng sản phẩm được bảo đảm từ hương vị, màu sắc, không sử dụng chất bảo quản, không thêm đường tạo ngọt và rút ngắn thời gian sấy. Sản phẩm được hệ thống phân phối trong nước đón nhận, ngoài ra còn xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc.

Việc tích cực chuyển đổi phương thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến đã và đang giải quyết bài toán về tiêu thụ quả tươi, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất. Nhân rộng các làm này, người nông dân rất mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Để nông nghiệp Sông Mã phát triển theo hướng bền vững

Hiện nay, Sông Mã có trên 10.700 ha cây ăn quả các loại, huyện đề ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả tăng lên 11.000 ha, sản lượng 80.000 tấn; 1.000 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; 1.000 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ và 1.000  ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP; 300-500 ha nhãn sản xuất trái vụ.

Cùng với đó, duy trì từ 20-25 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 5% tổng diện tích cây ăn quả sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 35%...

Huyện vùng biên của Sơn La thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp - Ảnh 5.

Thay đổi tư duy sản xuất trong nông nghiệp là một trong những hướng đi đang được các cấp ủy đảng huyện Sông Mã quan tâm triển khai hiệu quả. Ảnh: Trần Hiên.

Ông Thào A Sử, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sông Mã, thông tin: Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/HU. Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn; chú trọng liên kết tiêu thụ bằng cách thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, tiến tới vùng chuyên canh; tập trung tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Đồng thời, huyện đã đề ra các giải pháp cụ thể, trong đó, tập trung cải tạo, thâm canh diện tích cây ăn quả hiện có gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Rà soát, quy hoạch vùng nhãn trái vụ trên địa bàn các xã như: Yên Hưng, Chiềng Khương, Mường Hung, Chiềng Cang, Nà Nghịu, Chiềng Khoong...

Với định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của huyện Sông Mã đã làm thay đổi phương thức sản xuất của nông dân, từ đó, tạo ra các sản phẩm chất lượng, tăng sức cạnh tranh, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân, xây dựng vùng quê biên giới ngày càng giàu đẹp. 

 

Mùa Xuân