dd/mm/yyyy

Huyện Đà Bắc phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, đến năm 2025, Đà Bắc (Hoà Bình) phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đà Bắc là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hòa Bình. Qua hơn 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo huyện vùng cao đã “thay da, đổi thịt”. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống tinh thần của người dân được quan tâm, đầu tư; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ngày càng toàn diện.

Đến nay, huyện Đà Bắc đã có 4/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Tú Lý, Hiền Lương, Cao Sơn, Toàn Sơn; 1 xã đạt 15 tiêu chí là Yên Hòa; 11 xã còn lại mức đạt mức bình quân từ 10 - 12 tiêu chí. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, ngoài xã Yên Hòa thì nhóm các xã còn lại đạt mức tiêu chí thấp, rất khó để đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2024. 

Theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, đến năm 2025, huyện Đà Bắc phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Yên Hòa, Mường Chiềng và Tiền Phong.

Huyện Đà Bắc phấn đấu có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới- Ảnh 1.

Huyện Đà Bắc phấn đấu đến năm 2025 có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Yên Hòa, Mường Chiềng và Tiền Phong. Ảnh: Phạm Hoài.

Để thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, huyện Đà Bắc đã tăng cường công tác chỉ đạo, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các phòng, ban chuyên môn, các thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia huyện với các địa phương trong công tác tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện chương trình.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng chung sức xây dựng nông thôn mới, công tác biểu dương khen thưởng, gương người tốt việc tốt, đảm bảo kịp thời chính xác; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Song với đó, huyện Đà Bắc tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ chỉ đạo thực hiện Chương trình: Tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở; nâng cao kiến thức, năng lực quản lý điều hành và thực thi của cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực để triển khai hiệu quả chương trình.

Thực hiện đa dạng hóa huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực của nhân dân, doanh nghiệp; lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án để thực hiện việc đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả, phát triển dịch vụ và ngành nghề nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo và an sinh xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các xã phấn đấu về đích nông thôn mới. Quan tâm việc thực hiện một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp, trong đó có tiêu chí cần huy động nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch, môi trường,...; tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, vai trò của chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh.

Phạm Hoài - Tuệ Linh