Bản làng đổi thay từng ngày
Trở lại Nậm Nhùn, mảnh đất biên cương nơi địa đầu tổ quốc, nơi có Thủy điện Lai Châu - một trong 3 công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á và di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền thờ Vua Lê Thái Tổ…
Là huyện biên giới xa xôi của tỉnh Lai Châu, Nậm Nhùn có hơn 24km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); địa hình chia cắt, độ dốc cao. Nậm Nhùn mới được chia tách và thành lập (năm 2012,) đa số đồng bào là dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mảng là một trong số những dân tộc ít người thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Khó khăn là thế nhưng Nậm Nhùn hôm nay đã trở thành vùng đất tươi đẹp, đáng sống; những bản làng trù phú với những ngôi nhà khang trang lợp tôn xanh, đỏ. Những ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái nằm yên bình 2 bên dòng sông Đà, những con đường thênh thang trải nhựa phẳng lỳ; trên đồi, trên nương xanh mướt những rừng quế, mắc ca và nhiều loại cây trồng mới. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự đầu tư từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn vốn của tỉnh Lai Châu và sự nỗ lực vượt khó vươn lên của người dân, Nậm Nhùn đã phát huy sức mạnh nội lực, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng mới. Huyện đã có 3/10 xã thị trấn cán đích nông thôn mới, dự kiến đến năm 2025 có thêm xã Nậm Hàng cán đích; các xã như Nậm Pì, Trung Chải, Hua Bum, Nậm Chà, Nậm Ban hay Nậm Manh cũng đang nỗ lực vượt khó hoàn thiện các tiêu chí.
Nếu ai đã từng đặt chân đến vùng đất này trong khoảng hơn chục năm về trước chắc không thể quên được con đường đất đá lổn nhổn, trơn trượt cả trong những ngày trời nắng; những ngôi nhà lụp xụp, tranh tre nứa lá… Nhưng hôm nay, những con đường đã trải bê tông phẳng lỳ nối dài từ trung tâm xã tới tận các bản vùng cao; những ngôi trường khang trang với đầy đủ trang thiết bị được quan tâm xây dựng; trẻ nhỏ tung tăng tới trường; người dân được chăm sóc sức khỏe chu đáo; các phong tục, tập quán tốt đẹp được giữ gìn và phát huy… So với những ngày mới chia tách và thành lập, đời sống của người dân đã đổi thay, no ấm hơn.
Trong căn phòng làm việc ấm cúng của anh Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn, Lai Châu, chúng tôi tiếp nhận được những thông tin rất đáng mừng, anh Hòa cho hay: Hơn 10 năm qua, toàn huyện đã huy động được trên 10 nghìn ngày công lao động, trên 20ha đất và nhiều nguồn lực khác trong nhân dân để thực hiện xây dựng nông thôn mới. Tính đến thời điểm hiện tại, bình quân đạt 11,5 tiêu chí/xã, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới với19/19 tiêu chí là Lê Lợi, Pú Đao và Mường Mô.
Để có được những kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới như hôm nay, huyện luôn xác định, vai trò của Nhà nước, chính quyền địa phương là hỗ trợ, thúc đẩy, định hướng, dẫn dắt, người dân là chủ thể. Để chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mang tính bền vững, lâu dài, huyện rất quan tâm đến việc huy động các nguồn lực trong nhân dân và xác định “Nguồn lực của nhân dân không chỉ là tiền của, công sức, đất đai mà còn là trí tuệ của cả cộng đồng”.
Rót chén trà mời khách, anh Hòa cho biết: Có được những thành quả hôm nay, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ huyện tới xã, bản thì vai trò chủ thể của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới rất quan trọng. Một trong những giải pháp được chúng tôi đặc biệt quan tâm thực hiện, đó chính là tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động, tập hợp và đoàn kết quần chúng nhân dân, bà con có quyền được thụ hưởng những thành quả trong xây dựng nông thôn mới. Khi bà con được thụ hưởng, được đáp ứng các lợi ích chính đáng, sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người hăng hái cống hiến, không chỉ góp sức xây dựng nông thôn mới, mà con đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Phát huy nội lực xây dựng nông thôn mới
Quả đúng như lời Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Nhùn chia sẻ, tới xã Nậm Hàng hôm nay, 2 bên con đường trải nhựa do Nhà nước đầu tư là những ngôi nhà kiên cố, khang trang; trên nương, dưới ruộng cây trái tươi tốt; từng đàn trâu, bò, dê nhởn nhơ gặm cỏ… Một làng quê tươi đẹp, căng tràn sức sống đang hiện hữu ở nơi này.
Là người dân có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng nông thôn mới của bản Nậm Cầy (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu), ông Lò Văn Ngoan bày tỏ: Từ khi xã triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn đã thay đổi hoàn toàn. Bản thân tôi ý thức được rằng, xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho chính gia đình mình. Chính vì thế, gia đình tôi tích cực đóng góp tiền và công sức để tham gia cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới như: Làm đường nội đồng, đường ra khu sản xuất, vệ sinh làng bản, chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng thu nhập.
Rời xã Nậm Hàng, chúng tôi di chuyển hơn 10km tới Nậm Manh, là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Nậm Nhùn khi triển khai xây dựng nông thôn mới. Song, việc huy động sức dân làm đường giao thông nội bản, liên bản, trường học, nhà văn hóa trong những năm qua cũng lên đến hơn 2 tỷ đồng. Để phát triển kinh tế, người dân chủ động triển khai các mô hình sản xuất mới, có giá trị kinh tế cao như trồng bí xanh, chăn nuôi đại gia súc, trồng quế, cây ăn quả… Anh Vàng Văn Phiêng ở bản Nậm Manh hồ hởi chia sẻ: Hiện hợp tác xã chúng tôi đang phát triển mô hình trồng bí xanh nova 209, đây là cây trồng mới thay thế những cây trồng cũ kém hiệu quả. Từ ngày trồng bí xanh, các xã viên có thu nhập cao gấp nhiều lần so với gieo trồng những cây trồng cũ, hộ ít cũng vài ba chục triệu mỗi vụ. Không chỉ có thu nhập cao và ổn định, hợp tác xã chúng tôi còn tạo được việc làm thường xuyên cho nhiều lao động thuộc diện hộ nghèo và nhiều lao động theo thời vụ.
Những thành quả đạt được hôm nay là minh chứng thiết thực trong việc biến Nghị quyết thành hành động, quyết tâm của chính quyền và sự nỗ lực vượt khó của người dân Nậm Nhùn. Bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì” để tăng thu nhập cho người dân và xóa nghèo đã từng bước được chính quyền và nhân dân tìm ra lời giải. Nhìn từ thực tế, những “trái ngọt” đạt được trong xây dựng nông thôn mới của huyện Nậm Nhùn thật đáng quý, so với các địa phương thuận lợi ở khu vực Tây Bắc thì những thành quả đó tuy chưa lớn nhưng với địa bàn biên giới với vô vàn khó khăn như Nậm Nhùn thật đáng trân trọng.
Những năm qua các cấp chính quyền huyện vẫn luôn trăn trở tìm lời giải cho bài toán tăng thu nhập cho người dân, bởi đây là tiêu chí giữ vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài phát triển các giống cây trồng, vật nuôi mới, huyện cũng đưa ra nhiều giải pháp giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Chia sẻ với chúng tôi, bà Lại Thị Huế, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Nậm Nhùn, Lai Châu cho biết: Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong nhiều giải pháp được huyện, các cơ quan chuyên môn của huyện quan tâm triển khai, nhờ đó cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày; nhiều gia đình có người đi lao động đã xây dựng nhà khang trang, có điều kiện mua sắm các vật dụng giá trị trong sinh hoạt và không ít hộ gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Được biết, hàng năm các chỉ tiêu đặt ra trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của huyện Nậm Nhùn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch. Phòng Lao động – Thương binh xã hội huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo nghề; tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn có nhu cầu làm việc tại các công ty trong và ngoài tỉnh; làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hàng năm huyện cũng giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và đưa vài chục lao động ra nước ngoài làm việc.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn huyện Nậm Nhùn đã từng bước được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người của huyện Nậm Nhùn tăng theo từng năm, hiện đạt 39 triệu đồng/người/năm. Các phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, nhất là những nét văn hóa đặc trưng, bản sắc được giữ gìn và phát huy.
Những “trái ngọt” trong xây dựng nông thôn mới ở huyện biên giới Nậm Nhùn hơn 10 năm qua thật đáng trân quý. Tuy còn đó những khó khăn phía trước, xong tin rằng với sự quyết tâm cùng những giải pháp thiết thực của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và sự nỗ lực của người dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở nơi đây sẽ có thêm những “trái ngọt”, bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày, đời sống của người dân từng bước được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững.