Hội nông dân phải luôn tự làm mới mình
17/12/2018 11:06 GMT +7
Nhân Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN đã dành cho Trang Trại Việt cuộc phỏng vấn riêng xung quanh vấn đề “Dân chủ - Đoàn kết – Đổi mới – Hội nhập – Phát triển” của Hội NDVN.
Nhiều kết quả nổi bật
Xin đồng chí cho biết vai trò của Hội NDVN các cấp trong chuyển dịch cơ cấu và xây dựng NTM hiện nay?
Thực hiện phương hướng, quan điểm, nhiệm vụ được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội nông dân Việt Nam (NDVN) đã tập trung thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá là: Tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và đào tạo dạy nghề giúp nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; xây dựng phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Với việc thực hiện nghiêm túc những quan điểm, chủ trương và giải pháp công tác Hội đã ban hành, Hội nông dân các cấp đã thể hiện ngày càng tích cực vai trò trung tâm và nòng cốt, tiếp sức cho hội viên nông dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua.
Các cấp Hội đã sử dụng có hiệu quả 2909,8 tỉ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân, xây dựng được 15.529 mô hình về hình thức hợp tác, liên kết và 310.050 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế; đã trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho 231.605 nông dân; xây dựng được trên 60.000 mô hình trình diễn VietGAP và chuyển giao thành công 2.700 mô hình khoa học – công nghệ vào sản xuất; bảo quản chế biến nông sản. Đồng thời hướng dẫn thành lập 1.135 hợp tác xã và 101.000 tổ hợp tác; xây dựng được Quỹ Hội đạt 57.000 đồng/hội viên và kết nạp được 2.191.370 hội viên đưa tổng số hội viên cả nước là hiện có là 10.192.865 hội viên. Bình quân, hàng năm có trên 6,2 triệu hộ nông dân đăng ký và có 3,55 triệu hộ đạt hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. Ước tính năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn 6% và giá trị xuất khẩu nông sản đạt trên 40 tỉ USD.

Hiện cả nước đã có 3.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân đạt 14,26 tiêu chí/xã; 53 đơn vị cấp huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Đời sống nông dân được nâng lên, thu nhập bình quân hộ gia đình ở nông thôn từ 75,8 triệu đồng năm 2012 lên 130 triệu đồng năm 2017, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo. Quan hệ sản xuất đã từng bước được đổi mới, phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Cả nước có 13.006 Hợp tác xã nông nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nông nghiệp cũng tăng từ 2.397 doanh nghiệp năm 2007 lên 7.033 doanh nghiệp năm 2017 (tăng 2,93 lần) với tổng vốn 213.394,9 tỉ đồng.
3 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp hỗ trợ nông dân
Đồng chí đánh giá như thế nào về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam gắn với cuộc cách mạng công nghệ 4.0?
Ngày nay, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã tạo ra được công nghệ hoàn toàn mới là động lực thúc đẩy cho các ngành sản xuất phát triển theo chiều sâu, giảm hẳn tiêu hao năng lượng và nguyên liệu, giảm tác hại cho môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của sản xuất. Đặc biệt, cuộc cách mạng 4.0 có nhiều tác động đến đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đời sống của một bộ phận nông dân rất lớn trong sản xuất nông nghiệp có lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tình trạng sản manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính quy hoạch và liên kết, tỷ lệ cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn thấp, năng suất lao động, trình độ của nông dân còn hạn chế, dẫn đến chất lượng tăng trưởng và hiệu quả phát triển ngành nông nghiệp không cao, kém bền vững.
Thu nhập của nông dân còn thấp so với các ngành nghề khác, một bộ phận nông dân bỏ ruộng, bỏ chăn nuôi, rời bỏ nông thôn; một bộ phận nông dân không còn tư liệu sản xuất phải chuyển nghề, đi làm thuê và đời sống của một bộ phận nông dân dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn.
Để nâng cao vị thế, vai trò và đời sống nông dân gắn với chuyển dịch cơ cấu và xây dựng NTM, Hội NDVN và giai cấp nông dân sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ 3 giải pháp sau đây.
Thứ nhất, vận động nông dân tích cực tham gia đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp vì mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân Việt Nam giàu có để nông dân định cư bền vũng ở nông thôn.
Thứ hai, phát huy đầy đủ trách nhiệm xã hội và vai trò chủ thể của giai cấp nông dân trong xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn văn minh hiện đại theo phương châm ly nông bất ly hương.
Thứ ba, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết và khả năng tham gia thị trường của cán bộ hội viên, nông dân trong hội nhập quốc tế.
Đồng chí đánh giá như thế nào về vai trò của các tổ, hợp tác xã liên kết? Làm thế nào để nông sản của bà con nông dân sản xuất ra có thể tiêu thụ hết và đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế?
Một trong những “mắt xích” quan trọng giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp hiện nay là phát triển các hợp tác xã theo mô hình gắn với chuỗi giá trị. Sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện có 3 công đoạn, gồm sản phẩm, dịch vụ đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ khoa học - kỹ thuật…); sản xuất trực tiếp ra nông sản; và dịch vụ đầu ra (thu hoạch, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…).
Trong đó, công đoạn đầu tiên và công đoạn cuối cùng của chuỗi giá trị nông sản này hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp kiểm soát. Nhưng khi gắn kết với nhau trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã quy mô tỉnh và liên hiệp hợp tác xã quy mô vùng, người nông dân sẽ làm chủ cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đầu tư để bảo quản, sơ chế gia tăng giá trị, nên công sức của nông dân không bị rơi vào tay đối tượng khác. Ngoài ra, thông qua hợp tác xã, liên minh hợp tác xã, sự hỗ trợ của Nhà nước cho sản xuất nông nghiệp sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Để phát triển nền nông nghiệp hàng hóa có hiệu quả và bền vững, nông sản của bà con nông dân sản xuất ra có thể tiêu thụ hết và đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế điều cốt lõi là cần dựa vào nông dân và vì nông dân. Điều này xuất phát không chỉ từ tâm tư, nguyện vọng của người dân mà còn từ đường lối, chiến lược phát triển đất nước. Để làm được điều này cần giải quyết 5 nhóm vấn đề sau.
Thứ nhất, cần tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng, sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, có hiệu quả. Các địa phương phải nghiên cứu, giải quyết chuyển đổi mô hình tăng trưởng, rà soát quy hoạch ở vùng sản xuất lúa cho hợp lý. Cụ thể, 3,8 triệu ha ruộng lúa được quy hoạch không thay đổi quy hoạch đất, nhưng cho phép chuyển một số diện tích sang các cây trồng khác có thu nhập cao hơn, có đầu ra ổn định để trong 10 – 15 năm để nông dân tích lũy vốn và khi cần thiết thì đưa diện tích đó về sản xuất lúa có chất lượng cao, theo yêu cầu phát triển kinh tế xanh.
Thứ 2: Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trưởng. Phát triển sản xuất với quy mô hợp lý các loại nông sản hàng hóa xuất khẩu có lợi thế nông sản thay thế nhập khẩu. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở các vùng nông thôn theo quy hoạch.
Thứ 3: Tiếp tục khuyến khích mở rộng các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã theo nguyên tác 3 chung “chung vốn, chung đất đai và chung nguồn nhân lực”.
Thứ 4, song song với hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng NNPTNT thì các cấp Hội NDVN cần tiếp tục triển khai tốt Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 673/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tôi đề nghị Đảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền cùng tiếp tục quan tâm, điều phối nguồn lực, bố trí ngân sách bổ sung cho Quỹ Hỗ trợ nông dân cùng cấp. Các cấp Hội NDVN coi đây là phương tiện hữu hiệu tập hợp, vận động hỗ trợ các hộ nông dân liên kết sản xuất hàng hóa và thực hiện tốt chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.
Thứ 5, như tôi đã từng nói nhiều lần, con người là yếu tố cốt lõi và quyết định. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác dạy nghề đối với lao động nông thôn. Cần đào tạo, dạy nghề nâng cao chất lượng lao động từ đội ngũ cán bộ quản trị HTX cho đến các chủ hộ kinh tế và các hội viên nông dân với cách là 1 đơn vị kinh tế tự chủ. Họ phải có đủ trình độ, đủ năng lực để phán ánh đúng mong muốn của ông cha ta. Đó là “phi trí bất hưng, phi công bất phú, phi nông bất ổn”.
Xin cảm ơn Chủ tịch!