Clip: Hội nghị tập huấn giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hội nghị tập huấn diễn ra trong hai ngày 16 và 17/8/2022.
Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu
Tham gia tập huấn có 30 học viên là cán bộ Hội Nông dân các xã thuộc vùng dự án FFF gồm: Tân Xuân, Chiềng Xuân (huyện Vân Hồ); xã Đông Sang, huyện Mộc Châu; thành viên các Tổ hợp tác, Hợp tác xã (HTX) của 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được giảng viên của Khoa Nông lâm (Trường Đại học Tây Bắc) truyền đạt về các nội dung, gồm: Vai trò của rừng trong giảm CO2 và kỹ năng liên quan đến thích ứng, giảm nhẹ với biến đổi khí hậu, rừng gỗ lớn, trữ lượng cacbon. Tổng quan về nông lâm kết hợp tại Việt Nam và tỉnh Sơn La; hấp thu và chuyển hóa cacbonic.
Ông Cầm Văn Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Thực hiện Chương trình công tác của Thường trực Hội Nông dân tỉnh năm 2022; tiếp nối thành công của Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II đã được triển khai tại tỉnh Sơn La. Với sự vào cuộc, hỗ trợ, giúp đỡ của các sở, ngành; các đơn vị, các bên liên quan. Chương trình đã đạt được nhiều kết quả, được Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao.
Các cấp Hội, các địa phương đã kết nối được các doanh nghiệp lớn; thành lập được các HTX, Tổ hợp tác tham gia xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất nông lâm nghiệp. Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp hữu cơ Đông Sang, huyện Mộc Châu sản xuất rau hữu cơ đưa vào các siêu thị trong tỉnh và thành phố Hà Nội và của tỉnh; HTX Nông nghiệp Tân Xuân 269, huyện Vân Hồ cho ra sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh, phù hợp với nhu cầu của khách hàng…
Trên cơ sở kết quả của Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) tiếp tục tài trợ Chương trình FFF giai đoạn II (thực hiện từ năm 2019 đến năm 2022) với mục tiêu nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân làm rừng và trang trại tại Việt Nam; các hộ gia đình, phụ nữ, thanh niên, người dân tộc phát triển rừng và trang trại bền vững, giảm nghèo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Kiến thức tập huấn giúp học viên tích cực tham gia vào biến đổi khí hậu
"Mong muốn các học viên sẽ tiếp tục đồng hành với Hội Nông dân tỉnh; hỗ trợ, giúp đỡ các hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân từ thông tin chính sách - Khoa học, kỹ thuật, công nghệ - Đào tạo nâng cao năng lực - Thông tin thị trường, xúc tiến thương mại - Nguồn lực, cơ chế cùng các mặt liên quan khác.
Để từ đó, trong giai đoạn II này, xây dựng được các chuỗi giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân; phát triển được du lịch trải nghiệm; phát triển sản xuất ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển được các mô hình mới, đi đầu trong sản xuất hữu cơ, cùng các sản phẩm khác tại các xã Tân Xuân, Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ; xã Đông Sang, huyện Mộc Châu… phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và mục tiêu của Chương trình.
Các học viên cần nắm rõ các nội dung cơ bản về giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là những tác động của biến đổi khí hậu, rừng gỗ lớn, trữ lượng cacbon, nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học dựa vào các giải pháp tự nhiên và hệ sinh thái". Ông Cầm Văn Minh nói.
Qua Hội nghị tập huấn lần này, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội Nông dân và các thành viên Tổ hợp tác, HTX về tác động biến đổi khí hậu, rừng gỗ lớn, trữ lượng cacbon, nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học dựa vào các giải pháp tự nhiên và hệ sinh thái.
Đồng thời, giúp cho học viên tiếp cận, nắm rõ các nội dung cơ bản về giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức cho cán bộ Hội Nông dân và Tổ hợp tác, HTX về tác động của biến đổi khí hậu, rừng gỗ lớn, trữ lượng các-bon, nông lâm kết hợp, đa dạng sinh học dựa vào các giải pháp tự nhiên và hệ sinh thái.