dd/mm/yyyy

Hòa Bình: Nông dân tăng cường liên kết, cùng nhau làm homestay

Những năm qua, nhiều hội viên nông dân xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã liên kết chặt chẽ với nhau để làm du lịch cộng đồng (homestay)...


Clip: Bản Mông vùng cao khởi sắc nhờ làm du lịch cộng đồng (homestay).

Hội viên nông dân bản Mông liên kết làm homestay

Chia sẻ với PV, ông Phàng A Sồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pà Cò - một đang bàn đang phát triển homestay, nhớ lại: "Trước đây, Pà Cò từng một thời được coi là thủ phủ của cây anh túc. Không những trồng cây thuốc phiện, người dân còn phá rừng làm nương, rẫy để trồng ngô, lúa.

Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm, tuyên truyền, vận động của cấp uỷ, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nhiều hội viên nông dân xã Pà Cò chuyển sang làm du lịch cộng đồng.

Hòa Bình: Nông dân tăng cường liên kết, cùng nhau làm homestay - Ảnh 2.

Người dân bản Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình trồng hoa, cây cảnh để làm du lịch cộng đồng (homestay). Ảnh: Tuệ Linh.

Nhờ đó, nhiều bản làng ở Pà Cò đã "thay da đổi thịt", trong số đó là bản Chà Đáy của xã Pà Cò. Người Mông nơi đây đã biết trồng hoa, xếp đá tai mèo thành hàng rào quanh nhà, tạo nên những bản làng đẹp như tranh vẽ để làm du lịch, thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan và trải nghiệm.

Để minh chứng cho những đổi thay ở nơi đây, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pà Cò nhiệt tình mời chúng tôi đi xe máy cùng ông đi xem bà con người Mông bản Chà Đáy làm du lịch cộng đồng.

Từ trụ sở UBND xã Pà Cò, chúng tôi đi xuống bản Chà Đáy tham quan mô hình homestay, dọc 2 bên đường là hàng cây ăn quả đào, mận cùng với những nếp nhà khang trang.

Hòa Bình: Nông dân tăng cường liên kết, cùng nhau làm homestay - Ảnh 3.

Hạ tầng giao thông được Nhà nước quan tâm đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào người dân tộc thiểu số vùng cao làm homestay. Ảnh: Tuệ Linh.

Nhìn thấy chúng tôi, anh Phàng A Páo chủ cơ sở Homestay A Páo đồng thời là Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp Pà Cò "Homestay H'Mông và Trải nghiệm nông nghiệp" tay bắt mặt mừng như người thân lâu ngày mới gặp.

Trao đổi với PV, A Páo cho biết: Chi hội được thành lập ngày 29/10/2021, nhằm tập hợp các hội viên nông dân trên địa bàn xã Pà Cò liên kết chặt chẽ với nhau làm du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho hội viên.

Năm 2021, khi mới thành lập, Chi hội Nông dân nghề nghiệp Pà Cò "Homestay H'Mông và Trải nghiệm nông nghiệp" chỉ có 23 thành viên. Nhưng đến nay, Chi hội đã có 35 thành viên tham gia với 6 cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, 6 homestay đã đón hơn 4.000 lượt khách đến lưu trú và trải nghiệm và đem về doanh thu hơn 700 triệu đồng.

Hòa Bình: Nông dân tăng cường liên kết, cùng nhau làm homestay - Ảnh 4.

Mô hình Homestay A Páo là điểm đến lý tưởng cho du khách ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu. Ảnh: Nguyễn Vinh.

Theo A Páo, mô hình homestay của gia đình được xây dựng và bắt đầu đón khách từ năm 2018. Tính đến nay, đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến thăm quan và trải nghiệm. Ngoài dịch vụ lưu trú và ăn uống, homestay của gia đình còn khai thác một số dịch vụ kèm theo như biểu diễn văn nghệ, giới thiệu cho du khách đi thăm bản làng, trải nghiệm sắc màu văn hóa, đời sống người dân bản đại, tham gia các trò chơi dân gian.

Trong bình mỗi năm, Homestay A Páo cho thu nhập hơn 100 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho 4 – 5 lao động tại địa phương.

Nằm cách Homestay A Páo không xa là mô hình homestay của gia đình ông Sồng A Chếnh. Ông Chếnh cho biết: Từ sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn của cán bộ huyện Mai Châu, xã Pà Cò, năm 2018, tôi cùng nhiều hộ dân ở đây đã tận dụng các nguyên liệu có sẵn tại địa phương như tre, lá cọ, lá tranh để xây dựng các mô hình du lịch trải nghiệm theo đúng bản sắc văn hoá truyền thống của người Mông".

Hòa Bình: Nông dân tăng cường liên kết, cùng nhau làm homestay - Ảnh 5.

Mô hình Homestay A Páo tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Tuệ Linh.

"Trên đường đi vào các homestay, chúng tôi trồng hoa, xếp thêm đá để tạo điểm nhấn, hình thành nên những bản làng xinh đẹp, sạch sẽ. Nhờ cách làm này, năm này qua năm khác, khách du lịch đến với bản Chà Đáy ngày một đông hơn.

So với trước đây trồng cây lương thực thì làm du lịch đem lại thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, khi chuyển sang làm du lịch, người dân không còn phá rừng làm nương nên những cánh rừng ngày càng xanh tốt hơn", ông Chếnh phấn khởi.

Theo ông Chếnh, tham gia Chi hội Nông dân nghề nghiệp Pà Cò "Homestay H'Mông và Trải nghiệm nông nghiệp" các hội viên nông dân sẽ được giao lưu, học hỏi về kinh nghiệm làm du lịch của các thành viên khác trên địa bàn.

Hòa Bình: Nông dân tăng cường liên kết, cùng nhau làm homestay - Ảnh 6.

Mô hình homestay của ông Chếnh (phải) sử dụng vật liệu tại địa phương để trang trí và làm phòng nghỉ lưu trú cho khách. Ảnh: Nguyễn Vinh.

Cần nhân rộng thêm các mô hình du lịch homestay

Theo ông Phàng A Sồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pà Cò, Pà Cò nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, khí hậu ôn hoà mát mẻ quanh năm, người dân thật thà mến khách. Phát huy tiềm năng, lợi thế này, người dân đã mạnh dạn phát triển mô hình du lịch cộng đồng.

Song song với việc làm homestay để phát huy bản sắc văn hoá của người Mông, các chủ homestay ở bản Chà Đáy còn thành lập đội văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian để biểu diễn, giới thiệu cho du khách.

Hòa Bình: Nông dân tăng cường liên kết, cùng nhau làm homestay - Ảnh 7.

Loại hình du lịch cộng đồng (homestay) không những nâng cao thu nhập cho người dân bản địa mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Ảnh: Tuệ Linh.

Bên cạnh đó, xã Pà Cò cũng đã tổ chức phiên chợ đêm vào tối thứ 7 hàng tuần. Các sản phẩm bày bán tại đây đều do bà con người Mông làm ra. Ngoài bán hàng, chợ đêm Pà Cò còn là nơi giao lưu văn nghệ, biểu diễn khèn, múa của người Mông cho du khách thưởng thức.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Sùng A Sía, Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: Loại hình du lịch cộng đồng (homestay) là loại hình du lịch xanh. Bởi loại hình du lịch này không những nâng cao thu nhập cho người dân bản địa mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

"Từ nay đến năm 2025, xã Pà Cò phấn đấu có thêm từ 4 - 5 mô hình homestay. Để làm được việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đoàn thể của huyện tuyên truyền, vận động người dân phát huy giá trị văn hóa truyền thống bản địa, xây dựng thêm các mô hình du lịch cộng đồng. Qua đó, từng bước tạo cơ hội, việc làm cho người dân, tăng nguồn thu nhập ổn định cho các hộ gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".

Tuệ Linh - Văn Vinh