Clip: Anh Lò Văn Đức ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) biến thân cây tre thành bàn, ghế.
Gặp nông dân Hòa Bình nhiều sáng tạo
Tìm đến nhà anh Lò Văn Đức vào một buổi sáng cuối mùa thu đầy nắng và gió giữa thung lũng xinh đẹp tràn đầy mùi thơm nồng lúa chín, chúng tôi được anh đón tiếp nhiệt tình. Sau một vài câu chào hỏi xã giao, anh vui vẻ mời chúng tôi vào căn nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ, nói chuyện, thưởng trà. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước chân vào nhà anh những bàn, ghế được làm bằng tre bắt mắt.
Bằng giọng nói khỏe, đầy nhiệt huyết, anh Đức hào hứng chia sẻ cho chúng tôi về cái nghiệp, về sức hút của nghề mà hơn chục năm theo đuổi. Trong ký ức của anh Đức, nghề làm vật dụng từ tre đã được các cụ trong bản làm từ ngày xa xưa nhưng có thời gian bị ngắt quãng.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này có lẽ là điều may mắn nhất trong cuộc đời anh Đức là gắn bó với những cây tre, bương, luồng từ khi mới chập chững biết đi. Lớn lên, anh nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ. Trở về quê hương xây dựng gia đình rồi anh Đức bươn trải làm nhiều nghề để kiếm kế sinh nhai.
Năm 2010, khi anh đã gần 40 tuổi, anh mới bắt tay vào làm các vật dụng từ thân cây tre. Ban đầu, làm nghề này có lẽ đối với anh Đức chỉ để mưu sinh, bởi theo như các cụ nói: "Cái nghề này tuy không kiếm ra nhiều tiền, nhưng đi đến đâu rất được người dân quý...".
Nhưng không biết từ bao giờ mà anh trở nên yêu nghề, say nghề và từ đó không ngừng học hỏi, sáng tạo và gìn giữ nghề làm đồ dùng từ thân cây tre đến hôm nay.
Nhiều sản phẩm hữu ích làm từ tre của người nông dân Hoà Bình
Anh Đức, bảo rằng, khi du lịch cộng đồng phát triển theo thời gian những đồ như, sắt, inox... ngày càng nhiều thì việc sử dụng những đồ dùng làm từ thân cây tre, bương lại được mọi du khách thích thú, trải nghiệm. Nhờ vậy, sản phẩm mà tôi sản xuất ra không chỉ phục vụ các nhà hàng kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài huyện mà còn bán cho khách ở các tỉnh miền Bắc...
Theo thời gian, bằng đôi bàn tay của mình, anh Đức đã cho ra đời những sản phẩm đồ tre đẹp, chất lượng tốt. Cũng vì có nhiều đơn đặt hàng mua sản phẩm từ thân tre nên đã tạo động lực giúp anh Đức hăng say với nghề hơn, muốn mang theo những sản phẩm mình làm ra gần gũi với con người hơn.
Anh Đức cho biết thêm: Để làm ra một cái bàn, cái ghế thì rất đơn giản, với một người có chút tay nghề cũng có thể làm, nhưng để có bộ bàn ghế bằng tre lâu bền, đẹp thì mới khó, không chỉ ngày một ngày hai là làm được. Đặc biệt là phải có các loại máy cắt, đục, khoan, cưa… trong quá trình thực hiện mới nhanh hơn. Trung bình một ngày tôi sẽ làm được hai cái ghế bằng tre, còn nếu 2 vợ chồng cùng làm thì 3 ngày được một bộ bàn ghế từ tre.
Khi thành sản phẩm tôi thường bán với giá từ 1 -3 triệu đồng/bộ bàn ghế, tùy từng loại và nhu cầu đặt hàng của khách.
Theo anh Đức để làm ra được một sản phẩm đẹp, ngoài lựa chọn những loại tre tốt, phù hợp, thì người thợ làm nghề cũng phải thật khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng chi tiết. Ngoài ra, người thợ cũng cần linh hoạt, sáng tạo để có thể cải tiến mẫu mã phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.
Bên cạnh đó, để giúp các vật dụng khi làm ra không bị mối mọt, gây hư hỏng thân cây tre, bương phải do chính bản thân anh Đức vào rừng tre chọn, thân cây tre không già hoặc non quá, khi chặt về trước tiên phải nhà luộc qua.
"Tuy không khá giả cho lắm, nhưng có công có việc cả đời và ít va chạm với mặt trái của xã hội, đấy chính là điều mà tôi cho là hạnh phúc nhất". Anh Đức bộc bạch.
Việc biến thân cây tre thành những đồ dùng thân thiện với môi trường không chỉ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình anh Đức, mà còn góp phần lưu giữ những nét đẹp, nghề truyền thống của bản du lịch cộng đồng…