dd/mm/yyyy

Hòa Bình: Nhiều sản phẩm nông nghiệp khẳng định vị thế trên thị trường

Với việc triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, cơ chế, chính sách của tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình về phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Hòa Bình đã tạo đòn bẩy đưa sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa chủ lực, khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nhiều năm trở lại đây, cây ăn quả có múi đã trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế và xóa nghèo của bà con dân nhân dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Những địa bàn trồng nhiều cây ăn quả nhất, có thể thể kể đến các huyện như: Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, thành phố Hòa Bình... Cây ăn quả có múi đã cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: Cam canh, vinh, V2, bưởi Diễn, bưởi Đỏ. Đến nay, đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, giá trị gia tăng cao. Dự kiến tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,6%, giá trị thu được trên 1 ha đất canh tác đạt 140 triệu đồng.

Hòa Bình: Cây ăn quả có múi là sản phẩm chủ lực khẳng định vị thế trên thị trường - Ảnh 1.

Các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Hòa Bình được trưng bày tại nhiều hội chợ và các siêu thị.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hoà Bình cho biết: Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế của từng địa bàn, tỉnh Hòa Bình xác định sản phẩm chủ lực lĩnh vực trồng trọt gồm: Cây ăn quả có múi cam, quýt, bưởi... Lĩnh vực chăn nuôi với 5 loài vật lợi thế là trâu, bò, lợn, gia cầm, dê. Thủy sản đầu tư nuôi cá lồng vùng hồ Hòa Bình. Nhằm định hướng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực phát triển bền vững, tạo vị thế vững chắc trên thị trường, tỉnh ủy đã ban hành một số Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 10 về phát triển sản xuất một số sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 14 về cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 04 về cải tạo vườn tạp.

Nghị quyết số 15 về phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh... Trên cơ sở các Nghị quyết, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện, trong đó, tập trung hỗ trợ thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Ngoài ra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn phối hợp với các sở, ngành tổ chức lễ hội cây ăn quả có múi, hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Hòa Bình: Cây ăn quả có múi là sản phẩm chủ lực khẳng định vị thế trên thị trường - Ảnh 2.

Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng đang phát triển mạnh mẽ.

Thời gian qua, 1 số sản phẩm cây ăn quả có múi của tỉnh như: Cam Cao Phong, cam Lạc Thủy, bưởi đỏ Tân Lạc, bưởi Mường Động (Kim Bôi) đã khẳng định được uy tín trên thị trường cả nước và được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng. Theo thống kê, tổng diện tích cây ăn quả có múi của tỉnh Hòa Bình gần 12.000 ha, trong đó diện tích trong thời kỳ kinh doanh gần 8.000 ha. Khoảng 20% diện tích cây có múi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng năm 2020 ước đạt 19.000 tấn, giá trị thu nhập bình quân đạt từ 450 - 500 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều hộ gia đình, HTX áp dụng khoa học kỹ thuật, giá trị thu nhập đạt tới 800 triệu đồng/ha/vụ.

Hòa Bình: Cây ăn quả có múi là sản phẩm chủ lực khẳng định vị thế trên thị trường - Ảnh 3.

Cây ăn quả có múi được coi là sản phẩm chủ lực trong xóa nghèo tại tỉnh Hòa Bình.

Ngoài phát triển những sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực trồng trọt, thì tỉnh Hòa Bình còn đầu tư phát triển 5 loài vật nuôi lợi thế là trâu, bò, lợn, gia cầm, dê. Tốc độ tăng trưởng chăn nuôi đạt 6,38%/năm. Tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, chất lượng và giá trị đàn vật nuôi tăng. Tổng đàn hiện có hơn 116.000 con, bò hơn 84.000 con, lợn gần 419.000 con, dê 52.000 con, gia cầm 7,7 triệu con. Chăn nuôi nông hộ giảm, chuyển sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, phát triển các trang trại chăn nuôi theo chuỗi khép kín, chăn nuôi sinh học. Công tác bảo tồn và phát triển giống lợn, gia cầm bản địa được chú trọng như: Lợn bản địa Đà Bắc, gà Lạc Thủy, gà đồi Lạc Sơn. Sản phẩm gà Lạc Thủy, gà Lạc Sơn được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2019.

Hòa Bình: Cây ăn quả có múi là sản phẩm chủ lực khẳng định vị thế trên thị trường - Ảnh 4.

Thời gian gần đây, nhiều nông hộ ở huyện Cao Phong đã có cuộc sống khấm khá nhờ trồng cây có múi.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Minh Đức, xã Phú Thành (Lạc Thủy) cho hay: Với mong muốn giữ gìn và phát triển thương hiệu gà Lạc Thủy, 7 thành viên của HTX chúng tôi không ngừng sáng tạo, trau dồi kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi gà. Trung bình 1 năm, chúng tôi duy trì nuôi 3 vạn gà bố mẹ, cung cấp ra thị trường khoảng 1 vạn gà thương phẩm và vài chục vạn gà giống.

Chúng tôi bán gà thương phẩm với giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg. Gà giống giá 11.000 đồng/con. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, với mức thu nhập đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Chất lượng con giống khỏe, khả năng chống dịch tốt đã làm nên uy tín của chúng tôi với nhiều đối tác lớn. Nhờ vậy, mà HTX chúng tôi ký hợp đồng dài hạn với nhiều Công ty lớn tại miền Bắc và miền Trung.

Hòa Bình: Cây ăn quả có múi là sản phẩm chủ lực khẳng định vị thế trên thị trường - Ảnh 5.

Ngoài cây ăn quả có múi, cây na hiện đang là hướng đi mới giúp bà con nông dân phát triển kinh tế.

Đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh Hòa Bình chú trọng phát triển nuôi cá lồng. Năm 2018 tôm, cá sông Đà được cấp chứng nhận nhãn hiệu, mở ra cơ hội để đưa cá vươn tới nhiều thị trường lớn. Các loại cá đặc sản như: Lăng, tầm, diêu hồng được người tiêu dùng ưa chuộng. Các HTX, doanh nghiệp tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tại nhiều siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Năm 2020, tỉnh Hòa Bình có 4,7.000 lồng cá, tăng 2,38 nghìn lồng so với năm 2015. Có 14 cơ sở nuôi cá lồng được chứng nhận VietGAP với quy mô 1.067 lồng, sản lượng đạt 2.138 tấn.

Hòa Bình: Cây ăn quả có múi là sản phẩm chủ lực khẳng định vị thế trên thị trường - Ảnh 6.

Nghề nuôi cá lồng cũng đang phát triển khá mạnh trên lòng hồ Hòa Bình. Nhiều hộ đã có cuộc sống dư giả.

Những năm gần đây, nhìn chung các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Hòa Bình có sản lượng và giá bán khá ổn định, thu nhập của bà con làm vườn không ngừng nâng cao. Các sản phẩm sau khi thu hoạch đã tiếp cận được thị trường ngoài tỉnh, đặc biệt là thủ đô Hà Nội và được người tiêu dùng đánh giá cao. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia tiêu thụ nông sản, hình thức tiêu thụ đa dạng phong phú.

Không những vậy trong sản xuất nông nghiệp còn có sự gắn kết giữa phát triển du lịch với quảng bá tiêu thụ nông sản chủ lực. Đa số sản phẩm nông nghiệp chủ lực đều được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao đến 4 sao. Một số sản phẩm vươn ra thị trường xuất khẩu như: Mía tím, cam Cao Phong, chuối Viba trở thành món ăn tráng miệng trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline… Vì vậy có thể nhận định rằng, các sản phẩm cây ăn quả có múi và các sản phẩm khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã và đang khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.

Hà Hoàng - Bạc Thị Bình