dd/mm/yyyy

Hòa Bình dồn sức ứng phó, hạn chế thiệt hại trước ảnh hưởng của siêu bão Yagi

Để ứng phó với bão số 3 - siêu bão Yagi, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao nhất không để thiệt hại về người và tài sản...

Tại huyện Kim Bôi, chiều ngày 6/9, trên địa bàn huyện có mưa to đến rất to, các tuyến đường đều có các ngầm qua suối có thể bị ngập sâu khi nước lũ từ thượng nguồn đổ về gây nguy hiểm cho người dân khi đi lại. 

Để đảm bảo an toàn cho người dân và chủ động ứng phó với ảnh hưởng của cơn bão số 3, huyện đã bố trí lực lượng, 2 máy xúc, 15 xe ô tô tải chuyên dụng tại các khu vực, tuyến đường có nguy cơ cao sạt lở đất để chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, rà soát nắm tình hình toàn bộ hệ thống công trình thủy lợi, khắc phục các điểm yếu. 

Tại các điểm có nguy cơ sạt lở, ngập úng, huyện cũng đã có phương án di dời dân về nơi tránh bão an toàn. Cũng trong chiều 6/9, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và phòng thủ dân sự huyện đã huy động lực lượng để tổ chức di dời 8 hộ dân cùng tài sản ở xóm Thao Con, xã Vĩnh Tiến nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét về nơi tránh trú an toàn. 

Hòa Bình dồn sức ứng phó, hạn chế thiệt hại trước ảnh hưởng siêu bão Yagi - Ảnh 1.

UBND xã Cao Sơn (Đà Bắc) cắm rào chắn tạm tại điểm sạt lở trên đường tỉnh 433, đoạn suối Láo. Ảnh: Đào Hoài.

Tại huyện Đà Bắc, trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, huyện Đà Bắc đã khẩn trương triển khai các biện pháp để ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do siêu bão này gây ra. Trong đó, tập trung tuyên truyền đến người dân để chủ động phòng tránh; rà soát các khu vực trọng điểm, nguy cơ cao về thiên tai để có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.

Bên cạnh đó, thực hiện các công điện của UBND tỉnh, UBND huyện đã đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi, thuỷ điện và công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. Rà soát các điểm giao thông bị ngập úng, nước chảy xiết, các điểm có nguy cơ sạt lở đất phải cắm biển cảnh báo. Đồng thời, rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường.

Đối với sản xuất, huyện chỉ đạo các địa phương khẩn trương tiêu nước đệm trên hệ thống sông trục và kênh mương nội đồng; khoanh vùng có nguy cơ mưa lũ lớn, lũ quét để có các phương án xử lý nhanh. Bên cạnh đó, người dân chủ động bó dựng những diện tích lúa bị đổ rạp do bão; cơ quan chuyên môn tăng cường dự báo tình hình phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại bùng phát sau bão để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Đối với diện tích rau, màu đã đến thời kỳ thu hoạch thì khẩn trương thu hoạch; cắt tỉa bớt quả, cành vượt, cành đan chéo nhau của cây ăn quả; cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy.

Hòa Bình dồn sức ứng phó, hạn chế thiệt hại trước ảnh hưởng siêu bão Yagi - Ảnh 2.

Bếp ăn trường mầm non xã Miền Đồi, huyện Lạc Sơn bị tốc mái hoàn toàn do ảnh hưởng bão số 3. Ảnh: Báo Hòa Bình.

Tại huyện Lạc Sơn, hiện nay, để ứng phó với bão số 3, huyện đã di dời 82 hộ dân, 397 nhân khẩu ra khỏi khu vực mất an toàn. Trong đó, xã Mỹ Thành di dời 5 hộ; xã Ân Nghĩa di dời 6 hộ; xã Miền Đồi di dời 64 hộ; xã Văn Nghĩa di dời 33 hộ. 

Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Lạc Sơn, đến 9 giờ sáng 7/9, huyện Lạc Sơn thiệt hại ban đầu ước khoảng 1,64 tỷ đồng do ảnh hưởng bão số 3. Cụ thể, đối với sản xuất nông, lâm nghiệp thiệt hại khoảng 100ha lúa và hoa màu đang trong thời gian chuẩn bị cho thu hoạch, ước thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng.

Hòa Bình dồn sức ứng phó, hạn chế thiệt hại trước ảnh hưởng siêu bão Yagi - Ảnh 3.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, thành phố Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng cương quyết di dời các hộ dân đang sinh sống tại 2 tòa nhà A8, A9 đến nơi an toàn để tránh bão số 3. Ảnh: Lâm Hoài.

Tại thành phố Hòa Bình, sáng 7/9, UBND phường Tân Thịnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ dân đang sinh sống tại 2 tòa nhà A8, A9 đến nơi an toàn để tránh bão số 3. Theo đánh giá, sau nhiều năm sử dụng, hai tòa nhà có tình trạng kỹ thuật mức 3 (là công trình trong tình trạng nguy hiểm, tồn tại nhiều khuyết tật, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu, không đảm bảo yêu cầu sử dụng).

Đến 10 giờ, UBND phường đã tổ chức di dời được 7/60 hộ gia đình đến nhà văn hóa phường Tân Thịnh và nhà văn hóa các tổ dân cư. Một số hộ dân tự di dời đến ở tạm nhà người thân. Có nhiều người đang đi làm nên chưa liên hệ được, lực lượng chức năng tiếp tục liên hệ để vận động các hộ còn lại di rời an toàn khỏi tòa nhà. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, thành phố Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng cương quyết di dời các hộ đến nơi an toàn.

Hòa Bình dồn sức ứng phó, hạn chế thiệt hại trước ảnh hưởng siêu bão Yagi - Ảnh 4.

Công an thành phố Hòa Bình hỗ trợ người dân ứng phó với siêu bão Yagi. Ảnh: Công an TP Hòa Bình.

Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 - siêu bão Yagi, có nguy cơ gây mưa, gió lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Để sẵn sàng ứng phó trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, lực lượng công an tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xây dựng các phương án phòng chống mưa bão, góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Hòa Bình dồn sức ứng phó, hạn chế thiệt hại trước ảnh hưởng siêu bão Yagi - Ảnh 5.

Công an huyện MaI Châu hỗ trợ người dân ứng phó với siêu bão Yagi. Ảnh: Ngô Thủy.

Lực lượng công an tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã chủ động bố trí trực 100% quân số 24/24h, chuẩn bị các phương tiện và lực lượng cứu hộ, cứu nạn; sẵn sàng di dời Nhân dân và đồ đạc, tài sản của người dân ở vùng ảnh hưởng đến nơi tránh trú an toàn; hỗ trợ người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng gây đổ cây cối, chằng chống nhà cửa đảm bảo kiên cố, an toàn, di dời người dân và tài sản ra khu vực an toàn đối với khu vực dễ xảy ra ngập lụt, triển khai cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm để người dân chủ động phòng tránh, phòng ngừa những tình huống xấu có thể xảy ra...

PV Tây Bắc