Hòa Bình chủ động phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa xuân
12/04/2025 19:43 GMT +7
Để bảo vệ lúa xuân trước các loại sâu bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh Hòa Bình đề nghị các địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, dự báo tình hình dịch hại sớm để chủ động phòng trừ hiệu quả, hạn chế tối đa sự xuất hiện, gây hại của các đối tượng sâu bệnh...
- Ngắm vẻ đẹp hoang sơ, bình dị bên những ngôi nhà sàn truyền thống tại điểm du lịch cộng đồng ở Hòa Bình
- Sản phẩm OCOP Hòa Bình: Đánh thức tinh hoa xứ Mường
- Một tỉnh xưa có diện tích rộng lớn, gồm Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, tiền thân của tỉnh Phú Thọ ngày nay
Hiện diện tích lúa trà sớm vụ xuân 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang ở giai đoạn đứng cái - phân hóa đòng, trà chính vụ cuối đẻ nhánh - đứng cái, trà muộn đẻ nhánh rộ.
Ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân. Các lớp tập huấn, hội thảo kỹ thuật được tổ chức thường xuyên, trang bị cho bà con nông dân những kiến thức và kỹ năng cần thiết để nhận diện sớm các đối tượng gây hại, áp dụng các biện pháp phòng trừ sinh học và hóa học một cách an toàn và hiệu quả.

Để bảo vệ lúa trước các loại sâu bệnh, dịch hại phát sinh trong điều kiện thời tiết thay đổi, Chi cục TT&BVTV tỉnh Hòa Bình đề nghị các huyện, thành phố theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, khí hậu, đảm bảo dự tính, dự báo tình hình dịch hại sớm, chủ động phòng trừ hiệu quả nhằm hạn chế tối đa sự xuất hiện, gây hại của các đối tượng sâu bệnh, dẫn đến bùng phát thành dịch.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết còn nhiều diễn biến phức tạp, mưa diện rộng trong tháng 4, cường độ nắng nóng ít gay gắt hơn trung bình nhiều năm.
Do đó, có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa cũng như diễn biến của một số đối tượng sinh vật gây hại chính như: bệnh đạo ôn, tập đoàn rầy, chuột, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn... có xu hướng tăng dần mật độ và tỷ lệ hại gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa nếu không có các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Đi dọc các cánh đồng, chúng tôi ghi nhận sự thay đổi rõ rệt trong ý thức và hành động của các hộ dân. Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách tràn lan, nhiều gia đình đã chủ động thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm các ổ dịch và áp dụng các biện pháp thủ công như bắt sâu, nhổ ổ trứng.
Qua kiểm tra tại huyện Lương Sơn, đơn vị chức năng phát hiện các đối tượng sâu bệnh chủ yếu phát sinh gây hại trên lúa xuân như: Chuột gây hại, ruồi đục nõn, bọ trĩ, tập đoàn rầy... gây hại rải rác.
Bà Nguyễn Thị Minh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lương Sơn cho biết, để đảm bảo năng suất, chất lượng lúa vụ xuân, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi sát tình hình sâu bệnh, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm bắt diễn biến phát sinh, phát triển của các loại sâu bệnh hại, đặc biệt là rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bạc lá...
Đồng thời, phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp cùng nắm chắc lịch thời vụ và tình trạng từng trà lúa. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu hại trên lúa...
Trong toàn tỉnh, theo thống kê từ Chi cục TT&BVTV, chuột tiếp tục gây hại diện tích 85ha, phân bố tại thành phố Hòa Bình, các huyện Lạc Sơn, Lạc Thuỷ, Lương Sơn; ruồi đục nõn diện tích nhiễm 5 ha tại huyện Lương Sơn; nghẹt rễ phát sinh gây hại diện tích nhiễm 5 ha, giảm so với kỳ trước; bệnh đạo ôn phát sinh gây hại gần 13 ha tại huyện Lạc Sơn.
Các đối tượng khác như tập đoàn rầy, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ... gây hại nhẹ rải rác tại các địa phương.
Để chủ động trong công tác chỉ đạo sản xuất, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do các đối tượng dịch hại gây ra, Chi cục TT&BVTV vừa ban hành công văn số 156/TTBVTV về việc chủ động quản lý một số đối tượng dịch hại chính trên cây lúa vụ xuân năm 2025.
Theo đó, các cơ quan chuyên môn cấp huyện tích cực chỉ đạo cơ sở và hướng dẫn nông dân thực hiện tốt việc bám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến, xu hướng phát triển của bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá - đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn.
Phân cấp tuổi sâu, xác định thời điểm trưởng thành rộ cho từng khu vực, xác định mật độ trứng, tỷ lệ đã nở, tỷ lệ ký sinh để dự báo xu hướng mật độ sâu thời gian tới, làm cơ sở phòng trừ hiệu quả. Đồng thời phân loại từng trà lúa, từng cánh đồng, xác định diện tích lúa bị sâu, bệnh hại cần phòng trừ để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Hòa Bình Vũ Thị Anh Đào cho biết, các địa phương lưu ý chỉ đạo đội ngũ chuyên môn hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi để chăm sóc, làm cỏ, bón phân kịp thời cho diện tích lúa theo đúng quy trình kỹ thuật. Bón đầy đủ cân đối giữa đạm, lân, kali, giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức đề kháng, khắc phục hiện tượng nghẹt rễ, hạn chế sâu bệnh hại cuối vụ.
Chuột đang là đối tượng gây hại lúa với diện tích lớn nhất tại các vùng, cần hướng dẫn nông dân tiến hành vệ sinh phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ dại quanh bờ và mương để hạn chế nơi ẩn náu và làm ổ sinh sản của chuột.
Huy động các xứ đồng xử lý đánh bắt chuột đồng loạt, có thể sử dụng một trong các loại thuốc có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam đăng ký phòng trừ đối tượng này. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với môi trường, dùng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
Tags:
Hòa Bình: Người dân “tố” trại lợn gây ô nhiễm môi trường, làm cá chết hàng loạt
Người dân xóm Châu Tróng, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình phản ánh trại nuôi lợn nằm trên địa bàn gây ô nhiễm môi trường, làm cá chết hàng loạt.
Cam V2 là giống cam gì mà một ông nông dân Hòa Bình trồng thành công, trái quá trời
Với 7.000m2 đất dốc trồng cam V2, gia đình ông Phan Văn Hữu (khu 2, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) “bỏ túi” hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế Hòa Bình đạt hai con số
Ngày 2/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, trong quý I/2025, tỉnh Hòa Bình lần đầu tiên tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt hai con số (12,76%) so với cùng kỳ năm trước.