dd/mm/yyyy

Hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản nông sản tới 15 tỷ đồng/dự án

Theo dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản nông sản tới 15 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản nông sản tới 15 tỷ đồng/dự án - Ảnh 1.

Dự thảo Nghị định nêu rõ, ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp có dự án đầu tư tại vùng nông thôn đáp ứng một trong các điều kiện sau: Có dự án đầu tư cơ sở chế biến nông sản, có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B trở lên theo quy định của pháp luật đầu tư công; Có dự án đầu tư cơ sở bảo quản nông sản (gồm: Sấy, chiếu xạ, khử trùng, đông lạnh, bảo quản sinh học) có công suất thiết kế tối thiểu 100 tấn/ngày.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 30% chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ hình thành vùng nguyên liệu không quá 15 tỷ đồng/dự án

Ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đồng thời các điều kiện: Có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Doanh nghiệp có quyền sử dụng đất hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật để hình thành vùng nguyên liệu phục vụ cho dự án nêu trên.

Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 50 triệu đồng/ha đối với chi phí đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong vùng nguyên liệu nhưng không quá 15 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ tín dụng cho mỗi dự án tối đa là 25 tỷ đồng

Ngân sách nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng đồng thời các điều kiện: Doanh nghiệp được ngân hàng thương mại cho vay để thực hiện dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ đối với các khoản vay đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của dự án.

Doanh nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau: Hỗ trợ bằng tiền tối đa tương đương 4%/năm lãi suất vay vốn cho các khoản vay đã trả lãi cho ngân hàng thương mại; thời gian hỗ trợ tối đa 05 năm.

Mức vốn hỗ trợ cho mỗi dự án tối đa là 25 tỷ đồng. Chỉ hỗ trợ đối với các khoản vay không bị quá hạn (gốc và lãi).

Nguồn vốn và quy trình thực hiện hỗ trợ

Nguồn vốn thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp là nguồn vốn đầu tư công, được bố trí theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

Căn cứ nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ quy định tại Nghị định này, doanh nghiệp nộp hồ sơ đề xuất tới Sở Kế hoạch và Đầu tư, nơi thực hiện dự án.

Hồ sơ đề xuất hỗ trợ đầu tư gồm: Văn bản đề xuất hỗ trợ đầu tư theo mẫu Phụ lục kèm theo Nghị định này; Bản sao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đối với đề xuất hỗ trợ hình thành vùng nguyên liệu; Hợp đồng tín dụng đã ký kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đối với đề xuất hỗ trợ tín dụng.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề xuất hỗ trợ của doanh nghiệp, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp để bổ sung.

Trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan khác thẩm tra; trường hợp hồ sơ đáp ứng các điều kiện hỗ trợ theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản thẩm tra theo mẫu tại Phụ lục kèm theo Nghị định này gửi doanh nghiệp…

Sau khi có Biên bản nghiệm thu của Hội đồng, trong thời gian không quá 05 ngày làm việc, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ban hành Quyết định hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp.

Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm giải ngân khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

VGP