Do ảnh hưởng của dịch covd-19 nên những mảnh ruộng trơ trọi, những cánh đồng hoa không người chăm sóc là cảnh tượng có lẽ chưa nay chưa từng có tại làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm), Tân Lập (huyện Đan Phượng).
Những mảnh ruộng trơ trọi, những cánh đồng hoa không người chăm sóc là cảnh tượng xưa nay chưa từng có tại những làng trồng hoa truyền thống như Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) và Tân Lập (huyện Đan Phượng). Những địa phương có nhiều hộ trồng hoa với diện tích trồng lớn, chuyên cung cấp hoa cho khu vực nội thành và các vùng phụ cận.
Đại dịch Covid -19 và lệnh cách ly xã hội đã tác động không nhỏ lên đời sống của những người dân các làng nghề ven Hà Nội.
Theo truyền thống hàng năm, thời điểm giao mùa từ xuân sang hạ là lúc nhộn nhịp nhất tại các làng hoa, những loài hoa chủ lực, đem đến giá trị cao như hoa loa Kèn, hoa Ly sẽ bước vào thời kỳ thu hoạch chính. Thế nhưng trong những ngày gần đây, thay vì thu hoạch người dân chỉ chọn lựa một số loại hoa có phẩm chất cao lưu trữ tại các kho, còn phần lớn sẽ bị vứt bỏ, nhiều nhất là hoa cúc vàng. Không khó để bắt gặp hình ảnh những hoa được chất đống, hay người dân vứt đầy trên đường đi.
Theo ý kiến của những người trồng hoa, các chợ đầu mối đóng cửa, người dân thắt chặt chi tiêu, các ngày lễ, các hoạt động tâm linh lược bỏ những hình thức trang trí từ hoa, là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm đầu ra của nghề trồng hoa.
Hoa cúc vàng đang vào vụ nở rộ nhưng không thể bán được nên người dân chỉ lựa chọn những bông đẹp nhất may ra mới bán được.
Rất nhiều hoa cúc được bó lại thành từng bó vứt ở vệ đường.
Bà Nguyễn Thị Liên, người dân trồng hoa ở Tây Tựu cho biết: Từ khi phát hiện bệnh nhân số 243 có lịch trình qua các chợ hoa Mê Linh, Quảng Bá..., chẳng thấy ai tới hỏi mua hoa nữa. Hoa cúc vàng giá rẻ nhất, trước đây bán đắt hàng mà giờ không ai hỏi mua. Hoa cúc chúng tôi bán 50-60 nghìn đồng một bó 100 bông hay hoa hồng giá cũng "rẻ như cho", 20-30 nghìn đồng một bó khoảng 30 bông mà cũng ế ẩm. Những nhà nào trồng ly là lỗ nặng nhất vì cây giống nhập giá cao".
Để tìm kiếm thu nhập trang trải trong cuộc sống hàng ngày, nhiều gia đình chuyển đổi một số diện tích trồng hoa sang trồng những giống cây trồng ngắn ngày khác như rau xanh, rau thơm, củ quả. Tuy nhiên diện tích canh tác không nhiều và hiệu quả trước mắt còn hạn chế, phần lớn nguyên nhân đến từ thói quen canh tác truyền thống chỉ trồng hoa, thổ chất đất nhiều năm được cải tạo chưa phù hợi với giống cây trồng mới.
Không bán được nên mọi người để đất không, hết đợt dịch thì mọi người lại xoay vào trồng hoa. Một số gia đình thì trồng thêm rau để có thêm nguồn thu nhập ngắn ngày.
Hoa loa kèn đang đến mùa thu hoạch nhưng chỉ bán được 1/3 sau đó có chỉ thị 16 của chính phủ nên người dân không ra đồng chăm sóc, đến nay cỏ mọc cao hơn hoa.
Hay cánh đồng hoa đồng tiền không được thu hoạch, những bông hoa đã nở cứ thế rụng dần.
Trong tình hình đại dịch Covid – 19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế và xã hội, chiến dịch cách ly xã hội tiếp tục gia hạn tại Hà Nội. Những người dân tại những làng nghề trồng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm), Tân Lập (Đan Phượng) cần sự hỗ trợ nhanh chóng và thiết thực của các cấp chính quyền, để ổn định cuộc sống, vượt qua những khó khăn, duy trì động lực phát triển làng nghề, tạo cơ hội vực dậy thế mạnh kinh tế về nông nghiệp tại đị phương khi đại dịch đi qua.
Đức Duy