dd/mm/yyyy

Hà Giang: Nối dài con đường no ấm về với bản làng

Xác định giao thông không chỉ là huyết mạch của nền kinh tế mà còn là bộ mặt của nông thôn mới, tỉnh Hà Giang đã và đang huy động mọi nguồn lực, cùng sự vào cuộc của nhân dân để bê tông hóa đường giao thông nông thôn, nối dài con đường no ấm về với bản làng.

Vượt 16% so với mục tiêu

Thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2017 – 2020, UBND tỉnh Hà Giang đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ 1 triệu tấn xi măng để đầu tư hạ tầng nông thôn theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Giang

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của nhân dân, Hà Giang đã làm được trên 1.900 km đường bê tông các loại. Nhân dân đóng góp gần 2 triệu ngày công, hiến trên 1,6 triệu m2 đất và tiền với tổng giá trị gần 300 tỷ đồng; 72/175 xã đạt tiêu chí giao thông, vượt 16% so với mục tiêu đề án.

Hà Giang: Nối dài con đường no ấm về với bản làng - Ảnh 1.

Tiêu chí cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn luôn được lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm.

Tính đến hết 2020, tỉnh Hà Giang có 45 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, vượt 7 xã; thành phố Hà Giang hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, không còn xã dưới 5 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng, tăng 57,4% so với năm 2015; giá trị canh tác trên đơn vị diện tích tăng từ 41,1 triệu đồng lên 50 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,22%/năm, từ trên 44% xuống còn 22,53%.

Để tiếp tục thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn mới 2021 – 2025, UBND tỉnh Hà Giang cũng đã ban hành các kế hoạch, chính sách. Trong đó, năm 2021, Hà Giang quyết định chi 50 tỷ hỗ trợ mua xi măng tập trung, cung ứng cho các huyện, thành phố thực hiện tiêu chí đường giao thông.

Theo báo cáo của VP NTM tỉnh Hà Giang, 9 tháng năm 2021, Hà Giang đã thực hiện được 152,25 km đường bê tông các loại; nhân dân hiến 277.973 m2 đất; đóng góp 166.165 ngày công lao động; mở mới 181,66 km đường đất, đá; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng 655,2 km đường; quyên góp, hỗ trợ trên 31.893 triệu đồng xây dựng NTM...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng NTM tỉnh Hà Giang vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhất là quá trình thực hiện các tiêu chí cơ sở hạ tầng.

Ông Đỗ Tấn Sơn, Chánh Văn phòng nông thôn mới tỉnh Hà Giang chia sẻ: Đến nay tổng nguồn kinh phí tỉnh đã phân bổ và ứng vốn cho các xã là 162,6 tỷ đồng. Tuy nhiên nhu cầu thực tế là rất lớn nên nguồn lực chưa đáp ứng được... do đó khả năng hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM tại các xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hà Giang: Nối dài con đường no ấm về với bản làng - Ảnh 3.

Nhờ giao thông thuận lợi nên nhiều mô hình phát triển kinh tế ở Hà Giang được hình thành.

"Vì vậy, để hoàn thành kế hoạch đề ra, trong thời gian tới UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục tăng cường tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện xây dựng mới tại cơ sở, đặc biệt là 8 xã về đích NTM năm 2021", ông Sơn cho biết thêm.

Góp phần nâng cao giá trị sản xuất

10 năm trước gần 100 hộ dân thôn Khau Đáy (xã Du Già, huyện Yên Minh) chủ yếu sinh sống rải rác trên các sườn núi theo từng cụm dân cư nhỏ. Từ khi đường vào thôn được mở rộng, bê tông hóa, bà con đã chủ động hạ sơn. Đến nay, đời sống nhân dân trong thôn ngày một tốt hơn, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm rất nhanh.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Khau Đáy có 103 hộ, là người dân tộc Mông, cuộc sống của bà con rất khó khăn, không đường, không điện, chủ yếu là hộ nghèo. Nhưng từ khi được đầu tư hệ thống giao thông, việc đi lại thuận lợi, người dân chủ động dựng nhà thành khu dân cư tập trung và phát triển kinh tế. Nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm 9-10%/năm, hiện chỉ còn 50%.

Cũng là xã khó khăn, xác định muốn phát triển kinh tế thì phải có giao thông thuận lợi. Vì vậy ngay từ những năm đầu triển khai chương trình xây dựng NTM xã Khuôn Lùng (huyện Xín Mần) đã tập trung vào cơ sở hạ tầng giao thông.

Hà Giang: Nối dài con đường no ấm về với bản làng - Ảnh 4.

Năm 2021 Hà Giang quyết định chi 50 tỷ hỗ trợ mua xi măng để thực hiện tiêu chí đường giao thông.

Đến nay, sau 5 năm triển khai, Khuôn Lùng huy động các nguồn lực mở mới 31,4 km đường giao thông nông thôn, bê tông hóa trên 36,3 km. Hạ tầng giao thông liên thôn, nhóm hộ cơ bản cứng hóa tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương hàng hóa của bà con.

Ông Hoàng Văn Viết, thôn Làng Thượng (xã Khuôn Lùng, huyện Xín Mần) chia sẻ: Ngày trước, để bán được con trâu thì ông phải dắt bộ ra tận đường lớn, còn giờ đây thì chỉ cần ngồi nhà, xe tải họ vào tận cổng để mua, không còn bị thương lái ép giá nữa, cuộc sống đỡ vất vả hơn rất nhiều.

Nói về tính thiết thực mà chương trình bê tông hóa giao thông của Hà Giang mang lại phải kể đến con đường đất liên thôn An Tiến - Bó Loỏng - An Bình (xã Hùng An, huyện Bắc Quang). Trước đây con đường này là một ác mộng của bà con, nắng thì bụi bẩn, mưa thì lầy lội, nhưng nhờ chương trình xây dựng NTM giờ đây đã được thay thế bằng con đường bê tông nông thôn sạch, đẹp nhất, với chiều rộng 5 m, dày 24 cm. Đến nay, đề án 1 triệu tấn xi măng của Hà Giang Kết quả đã khẳng định tính hiệu quả, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản và đời sống nhân dân, là động lực làm thay đổi bộ mặt nông thôn, góp phần quan trọng vào thành công của chương trình xây dựng NTM tỉnh Hà Giang. 

Thu Trang