Lào Cai có hơn 1.500 học sinh khuyết tật
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hơn 1.500 học sinh khuyết tật, trong đó, có 100 trẻ cấp Mầm non, hơn 600 cấp Tiểu học, hơn 500 học sinh cấp THCS và gần 250 học sinh cấp THPT.
Tại Hội thảo các đại biểu đã được phổ biến các nội dung về một số vấn đề chung về giáo dục trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Chia sẻ về phương pháp, quy trình giáo dục trẻ khuyết tật học hòa nhập.
Trao đổi về cách thức tổ chức hoạt động giáo dục hòa nhập, giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận một số nội dung hỗ trợ phụ huynh có trẻ khuyết tật đang học tập tại trường; kiểm soát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên và trẻ khuyết tật. Xây dựng thí điểm mô hình lớp học khuyết tật chuyên biệt trong trường học.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Dũng Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: Có rất nhiều văn bản từ Chính Phủ, các cơ quan ban ngành liên quan đến việc giáo dục trẻ khuyết tật. Đặc biệt QĐ số 316/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có phê duyệt phương án thành lập cơ sở giáo dục khuyết tật và hỗ trợ giáo dục hòa nhập giai đoạn 2021 - 2030 cho tỉnh Lào Cai.
Theo đó, ngày 15/9/2022, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai đã tham mưu và ban hành công văn hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đối với giáo viên dạy người khuyết tật theo phương thức giáo dục hòa nhập.... Các đơn vị cũng đã tích cực triển khai các phương án về giáo dục trẻ khuyết tật học hòa nhập.
Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là tỉnh Lào Cai chưa có Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật chuyên biệt; các lớp học rất đông, mỗi lớp học có 1-2 học sinh học hòa nhập thì ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng lớp học và giáo viên cũng không quan tâm được nhiều đến các em học sinh khuyết tật này.
Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật có tính nhân văn sâu sắc
Tại Hội thảo lần này, các đại biểu đã tập trung bàn giải pháp, cách làm khi chưa thành lập được Trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật. Đồng thời, nhờ sự hỗ trợ của UNICEF trong việc bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ giáo viên....
Mỗi đứa trẻ sinh ra mang cho mình những số phận khác nhau. Có những đứa trẻ sinh ra đã được sống trong niềm hạnh phúc với đầy đủ về vật chất, tinh thần và cả thể chất.
Thế nhưng bên cạnh đó cũng còn có những đứa trẻ sinh ra đã kém may mắn, không được hưởng niềm hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Rất thiệt thòi khi các em sinh ra đã mang trên mình những khiếm khuyết trên cơ thể.
Đại bộ phận các gia đình có trẻ khuyết tật đều thiếu tự tin, mặc cảm, chưa quan tâm nhiều, nên có những gia đình không đưa các cháu đến trường, lấy đi quyền học tập, quyền vui chơi, quyền được hòa nhập với bạn bè cùng trang lứa.
Do đó, việc giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật là việc làm cần thiết và có tính nhân văn sâu sắc để toàn xã hội xoa dịu đi những thiệt thòi mà cơ thể các em hàng ngày, hàng giờ đang phải gánh chịu để các em có cơ hội, điều kiện được hòa nhập, được phát triển và dần hoàn thiện mình.