dd/mm/yyyy

Giải quyết việc làm, người nghèo ở Điện Biên Đông có thu nhập khủng

Xác định giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu, giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống. Huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) đã tập trung thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND huyện, hiện nay trên địa bàn huyện Điện Biên Đông có hơn 38.000 người trong độ tuổi lao động (khoảng 54% dân số). Đa số người dân sản xuất nông nghiệp nên thu nhập không cao, lúc nông nhàn cũng không có việc làm thêm để cải thiện, nâng cao nguồn thu nhập. Vì vậy, để giải quyết việc làm cho người lao động, huyện Điện Biên Đông đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Giải quyết việc làm, người nghèo ở Điện Biên Đông có thu nhập khủng - Ảnh 1.

Hàng năm, huyện Điện Biên Đông tổ chức ngày hội việc làm, giúp hàng trăm lao động tìm kiếm được việc làm phù hợp với nghề đã được đào tạo. Ảnh Vinh Duy.

Theo ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy thì giải quyết việc làm là một giải pháp cơ bản, ổn định lâu dài cho người dân. Từ đó, tạo điều kiện giúp người dân tăng thêm thu nhập để ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lãnh đạo huyện sẽ tạo điều kiện hết mức để lao động được đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm. "Chúng tôi đã liên hệ với nhiều công ty, doanh nghiệp tại các tỉnh miền xuôi để đưa lao động của huyện đi đào tạo, làm việc. Như vậy lao động mới có thu nhập cao, góp phẩn xóa đói giảm nghèo. Nếu một lao động làm việc tại các khu công nghiệp với mức lương trung bình 8 triệu đồng/tháng, thì chỉ cần làm 3 tháng là họ đã có thu nhập bằng cả năm lao động tại địa phương" ông Vảng cho biết thêm.

Một trong những giải pháp được huyện ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân qua các buổi giới thiệu, tư vấn việc làm, định hướng học nghề cho người lao động. Hàng năm huyện tổ chức ngày hội việc làm để tư vấn cho người lao động về hoạt động, điều kiện làm việc của một số đơn vị tuyển dụng; số lượng, vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn lao động; chế độ chính sách được hưởng... Huyện chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu, đăng tải kịp thời thông tin tuyển dụng lao động trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, trung bình mỗi năm toàn huyện có hơn 1.200 lao động được giới thiệu đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, như: Công ty IRE (Hải Phòng), Công ty may Tinh Lợi (Hải Dương), Công ty Sam - Sung, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam...

Giải quyết việc làm, người nghèo ở Điện Biên Đông có thu nhập khủng - Ảnh 2.

Các lớp dạy nghề được UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các sở, ban, ngành liên kết đào tạo. Trung bình mỗi năm có trên 1.000 lao động được đào tạo nghề. Ảnh Vinh Duy.

Đáng chú ý, công tác xuất khẩu lao động được huyện quan tâm thực hiện hiệu quả qua việc tổ chức hội nghị tư vấn, giới thiệu cho người lao động đi làm việc tại những thị trường tiềm năng, tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Huyện cũng là địa phương đi đầu trong xuất khẩu lao động của tỉnh. Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện có trên 110 lao động xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chú trọng nâng cao trình độ, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hàng năm huyện chủ động mở các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường và nguyện vọng của người lao động.

Giải quyết việc làm, người nghèo ở Điện Biên Đông có thu nhập khủng - Ảnh 3.

Từ các lớp đào tạo nghề, nhiều lao động ở Điện Biên Đông đã đầu tư phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình. Ảnh Vinh Duy.

UBND huyện tích cực phối hợp, liên kết với một số công ty, doanh nghiệp mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn và sau khi đào tạo người lao động sẽ được phía công ty, doanh nghiệp nhận vào làm việc. Điển hình phải kể đến việc phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề, bố trí việc làm sau học nghề cho gần 100 lao động nông thôn trên địa bàn huyện trong 3 năm qua. Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn theo chương trình cho vay giải quyết việc làm tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập.

Hiện tổng số lao động địa phương đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài huyện trên 2.500 người. Đây là con số ấn tượng về lượng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động. Nguồn thu nhập của lao động là bước ngoặc lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo tại huyện Điện Biên Đông.

Vinh Duy