dd/mm/yyyy

Giá sầu riêng biến động trở lại, giảm nhiều nơi hôm nay

Giá sầu riêng hôm nay 9/9 biến động trở lại trên cả nước, phổ biến giảm từ 3.000 - 14.000 đồng/kg.

Giá sầu riêng hôm nay 9/9 giảm mạnh

Thị trường sầu riêng tại các khu vực trồng chính trên cả nước ghi nhận giảm tại nhiều nơi trong ngày hôm nay (9/9).

Khu vực miền Tây Nam bộ, giá sầu riêng Ri6 đẹp giảm tới 9.000 đồng/kg xuống 60.000 - 61.000 đồng/kg trong khi Ri6 mua xô ổn định ở mức 45.000 - 48.000 đồng/kg. 

Giá sầu riêng Thái mua xô giảm 5.000 đồng/kg, đứng ở mức 65.000 - 68.000 đồng/kg và loại đẹp cũng giảm 3.000 đồng/kg, đứng ở mức 85.000 - 88.000 đồng/kg.

Tại khu vực Đông Nam bộ, giá sầu Ri6, Thái đẹp và Thái mua xô giảm 1.000 - 9.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6 mua xô giảm 2.000 đồng/kg.

Cụ thể: Sầu riêng Ri6 đẹp, xô ở mức 45.000 - 60.000 đồng/kg; sầu Ri6 loại C ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg. 

Sầu Thái đẹp, xô ở mức 65.000 - 87.000 đồng/kg. Sầu Thái loại C ở mức 45.000 - 47.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá tất cả loại sầu riêng tại Tây Nguyên giảm 3.000 - 9.000 đồng/kg, với sầu Thái mua xô còn giảm tới 14.000 đồng/kg.

Giá sầu riêng đột ngột giảm mạnh - Ảnh 1.

Giá sầu riêng đột ngột giảm mạnh - Ảnh 2.

Giá sầu riêng đột ngột giảm mạnh - Ảnh 3.

Giá sầu riêng đột ngột giảm mạnh - Ảnh 4.

Giá sầu riêng đột ngột giảm mạnh - Ảnh 5.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau quả ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, sầu riêng tiếp tục phá kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể: Sầu riêng vẫn đang đứng “đầu bảng” về xuất khẩu. Trong 8 tháng, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam và Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc.

Trước đó, 7 tháng đầu năm, Trung Quốc đã chi 2,49 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái để nhập khẩu rau quả các loại của Việt Nam.

Trong đó, sầu riêng tươi vẫn dẫn đầu với giá trị hơn 1,47 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm ngoái; sầu riêng chế biến (ví dụ như sấy thăng hoa, sấy dẻo,…) đạt 787.000 USD, tăng hơn 351 lần – là mặt hàng có giá trị tăng trưởng cao nhất ở thị trường Trung Quốc 7 tháng đầu năm.

Rõ ràng tiềm năng của thị trường Trung Quốc với các sản phẩm sầu riêng là rất lớn, khả năng tăng trưởng cao khi Việt Nam – Trung Quốc vừa ký được nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh và sẽ sớm có lô hàng đầu tiên xuất khẩu.

Theo các chuyên gia về sầu riêng, cơn bão Yagi vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho đảo Hải Nam (Trung Quốc). Đây là vùng trồng sầu riêng nội địa của Trung Quốc nên không tránh khỏi thiệt hại.

Do đó, việc gia tăng nguồn cung sầu riêng tại chỗ của Trung Quốc vẫn còn gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc nguồn nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, sầu riêng đông lạnh Việt Nam cũng đã xuất khẩu sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan, Mỹ và châu Âu với kim ngạch vài trăm triệu USD mỗi năm. Nay với cánh cửa xuất khẩu sầu riêng đông lạnh rộng mở sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt tới 500 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành sầu riêng đạt tới 3,5 tỷ USD.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng tươi, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó 90% xuất khẩu sang Trung Quốc. 


Nguyễn Phương