dd/mm/yyyy

Giá lúa gạo chững, lo nguồn cung gạo không đủ đáp ứng nhu cầu tăng của thị trường

Cập nhật giá lúa gạo mới nhất ngày 11/9: Trong 4 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ số lượng đơn hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung gạo không đủ đáp ứng, do nhu cầu ở nhiều nước trên thế giới tăng đột biến.

Cập nhật giá lúa gạo mới nhất ngày 11/9

Giá lúa gạo hôm nay 11/9 tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chững, trong khi giá gạo xuất khẩu giảm.

Cụ thể, tại kho An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, giá lúa OM 5451 ở mức 7.800 - 8.100 đồng/kg; giá lúa Đài thơm 8 ổn định ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; giá lúa OM 18 được dao động quanh mốc 8.000 - 8.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg; giá lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; giá lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, giá nếp An Giang tươi ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg; giá nếp Long An tươi dao động quanh mốc 7.300 - 7.450 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo hôm nay 11/9/2023 chững lại và đi ngang. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.950 - 12.050 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; giá gạo thành phẩm IR 504 cũng tăng 200 đồng/kg lên mức 14.100 - 14.200 đồng/kg.

Với phụ phẩm, giá phụ phẩm cũng không có biến động. Theo đó, giá tấm IR 504 ở mức 11.800 đồng/kg; giá cám khô ở mức 7.250 - 7.300 đồng/kg.

Ghi nhận tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay, giá lúa Thu Đông các loại giao dịch chậm, giá lúa các loại bình ổn, thương lái ít mua mới. Nguồn cung lúa Hè thu chậm lại.

Tại các chợ lẻ khu vực tỉnh An Giang, giá gạo ổn định, không biến động. Trong đó, nếp ruột giá 16.000 - 20.000 đồng/kg; giá gạo thường ở mức 12.500 - 14.000 đồng/kg, giá gạo Nàng Nhen giá 23.000 đồng/kg; giá gạo thơm thái hạt dài dao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; giá gạo thơm Jasmine ở mức 16.000 - 18.500 đồng/kg; giá gạo Hương Lài ở mức 19.500 đồng/kg; giá gạo trắng thông dụng 15.500 đồng/kg; giá gạo Nàng Hoa ở mức 19.000 đồng/kg; giá gạo Sóc thường giá 16.500 - 17.000 đồng/kg; giá gạo Sóc Thái 18.500 đồng/kg; giá gạo thơm Đài Loan 21.000 đồng/kg; giá gạo Nhật 22.000 đồng/kg…

Trên thị trường xuất khẩu gạo, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu chững lại sau phiên điều chỉnh giảm. Theo đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu ở mức 628 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 613 USD/tấn.

Giá lúa gạo chững, lo nguồn cung gạo không đủ đáp ứng nhu cầu tăng của thị trường - Ảnh 1.

Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng tới 20% so cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gạo trong 8 tháng qua đạt gần 6 triệu tấn, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng tới 20% so cùng kỳ năm trước.

Theo đó, trong số các thị trường nhập khẩu, Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Gana... là những quốc gia nhập gạo Việt Nam nhiều nhất, với mức tăng trưởng có thị trường gấp hơn 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 4 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhờ số lượng đơn hàng hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại nguồn cung gạo không đủ đáp ứng, do nhu cầu ở nhiều nước trên thế giới tăng đột biến.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đang duy trì 7,1 triệu ha sản xuất lúa hàng năm, với sản lượng đạt từ 43 - 43,5 triệu tấn. Nếu giá lúa gạo tốt, thị trường tốt thì có thể mở rộng thêm diện tích. Ngoài mở rộng diện tích vụ Thu Đông thì mở thêm diện tích đã từng chuyển đổi sang mục đích khác, khi giá lúa gạo tốt có thể trở lại sản xuất lúa. Điều này, nông dân đã từng làm rất tốt. Cùng với đó là áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để chi phí giảm, mà năng suất vẫn tăng.

Về giá gạo xuất khẩu chững lại sau một số phiên điều chỉnh giảm, lý giải nguyên nhân, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) mới đây cho biết, việc Philippines - quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam chính thức áp lệnh giá trần lên gạo nhập khẩu đã gây sức ép lớn lên giá gạo xuất khẩu của nước ta. Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu 2,34 triệu tấn gạo sang Philippines, chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Mới đây, Bộ Tài chính Philippines tiếp tục khuyến nghị các biện pháp để kiềm chế giá bán lẻ gạo đang tăng cao, bao gồm cắt giảm thuế đối với gạo nhập khẩu. Cụ thể, thuế suất nhập khẩu gạo được đề xuất giảm từ mức 35% xuống khoảng 0 - 10%. Văn phòng tổng thống nước này nhận định giá gạo sẽ ổn định khi nông dân bắt đầu thu hoạch vụ chính vào tháng 9 và tháng 10 này. Khoảng 5 triệu tấn gạo sẽ được thu hoạch, cho phép Philippines đạt mục tiêu 20 triệu tấn trong năm nay, trích dẫn dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Philippines.

Tuy nhiên, theo MXV, đà giảm của giá gạo nhiều khả năng sẽ sớm được kiềm chế, và giá gạo có thể đảo chiều tăng trở lại. Tại Trung Quốc, mới đây, một đợt lũ lụt đã làm thiệt hại các cánh đồng ngô và lúa ở khu vực sản xuất trọng điểm phía bắc nước này, làm dấy lên lo ngại lạm phát lương thực khi thế giới đang phải đối mặt với nguồn cung thắt chặt.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) ghi nhận giá gạo tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu quay đầu giảm nhiều ngày qua, giá lúa gạo trong nước vẫn tăng cao. Hiện giá gạo trong nước cao hơn giá xuất khẩu 5 - 7%, tương đương 660 - 680 USD một tấn với loại 5% tấm.

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, khu vực châu Á nói chung sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới trong bối cảnh tình trạng căng thẳng nguồn cung gạo vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong nước đã gần kết thúc vụ Hè Thu, nhưng vụ Thu Đông cũng sẽ cho thu hoạch sớm nên năm nay sản lượng lúa gạo sản xuất chắc chắn đạt mục tiêu đề ra 43 triệu tấn. Thế giới đang thiếu nguồn cung, nhưng hàng trong nước luôn đảm bảo đầy đủ để giá gạo nội địa không tăng phi mã như cơn sốt giá gạo lịch sư hồi năm 2008.


Nguyễn Phương