dd/mm/yyyy

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm, 2 phiên mất 15 USD/tấn, giá gạo trong nước vẫn tăng

Cập nhật giá lúa gạo mới nhất ngày 8/9: Giá gạo trên thị trường xuất khẩu tiếp tục giảm trong nhiều phiên trở lại đây, mức giảm từ 4-12 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo hôm nay tại thị trường trong nước vẫn đồng loạt tăng, giá lúa thì vững ở mức cao...

Cập nhật giá lúa gạo mới nhất ngày 8/9 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết thúc phiên giao dịch ngày 7/9, giá gạo thế giới tiếp tục giảm phiên thứ hai liên tiếp sau vài phiên tạm chững lại.

Trong đó, giá gạo Thái Lan điều chỉnh giảm mạnh nhất, từ 4-12 USD/tấn cho cả 3 loại gạo 5%, 25% và 100% tấm. Theo đó, gạo 5% tấm giảm 10 USD/tấn, xuống còn 618 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 12 USD/tấn, xuống còn 563 USD/tấn và gạo 100% tấm giảm nhẹ 4 USD/tấn, còn 470 USD/tấn.

Gạo của Việt Nam cũng điều chỉnh giảm 5 USD/tấn cho cả 2 loại gạo gồm 5% và 25% tấm, xuống còn lần lượt là 628 USD/tấn và 613 USD/tấn.

Bên cạnh đó, một nguồn cung gạo khác là Pakistan cũng điều chỉnh đồng loạt giảm 5 USD/tấn cho các loại gạo. Sau khi giảm, gạo 5% tấm của nước này còn 608 USD/tấn, gạo 25% tấm là 538 USD/tấn và 100% tấm ở mức 518 USD/tấn.

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 6/9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã điều chỉnh giảm 10 USD/tấn, còn gạo cùng loại của Thái Lan giảm 5 USD/tấn.

Như vậy, chỉ trong vòng 2 ngày, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan đã đột ngột giảm mạnh 15 USD/tấn.

Giới phân tích cho rằng, giá gạo xuất khẩu giảm là tất yếu vì giá gạo neo cao không có lợi cho cả người bán và người mua.

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, do những biến động trên thị trường thế giới đã khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm, giá gạo tăng cao. Đáng chú ý, do giá tăng cao đột biến nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn về nguồn cung và cả thị trường đầu ra.

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục giảm, 2 phiên mất 15 USD/tấn, giá gạo trong nước vẫn tăng - Ảnh 1.

Gạo của Việt Nam cũng điều chỉnh giảm 5 USD/tấn cho cả 2 loại gạo gồm 5% và 25% tấm, xuống còn lần lượt là 628 USD/tấn và 613 USD/tấn.

Trong khi đó, giá lúa gạo hôm nay ngày 8/9 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn điều chỉnh tăng với mặt hàng gạo.

Cụ thể, tại kho An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 5451 có mức giá 7.800 - 8.100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ổn định ở mức 8.000 - 8.200 đồng/kg; lúa OM 18 được dao động quanh mốc 8.000 - 8.200 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.000 - 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Với lúa nếp, nếp An Giang tươi ở mức 6.300 - 6.500 đồng/kg; nếp Long An tươi dao động quanh mốc 7.300 - 7.450 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo hôm nay điều chỉnh tăng trở lại sau nhiều phiên giảm. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.950 - 12.050 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 cũng tăng 200 đồng/kg lên mức 14.100 - 14.200 đồng/kg.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo và điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung lương thực thiết yếu này của châu Á.

Thái Lan thường sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo xay, một nửa trong số đó được tiêu thụ trong nước, nửa còn lại thường được xuất khẩu. Mặc dù Chính phủ Thái Lan không có kế hoạch hạn chế xuất khẩu gạo nhưng các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng đang tỏ ra lo ngại về sự biến động của giá cả và sự không chắc chắn về nguồn cung.

Với lượng gạo xuất khẩu 6 - 8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. 

Trước các biện pháp ứng phó từ nhiều quốc gia và bối cảnh nguồn cung gạo ngày càng thắt chặt như hiện nay, một số chuyên gia ngành hàng này cho rằng, giá gạo xuất khẩu có thể còn biến động lên xuống khó lường.

Với Việt Nam, các Bộ, ngành chức năng vẫn giữ vững quan điểm xuất khẩu khoảng 7 – 8 triệu tấn gạo, đồng thời, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, thể hiện uy tín, vị thế của một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu trung bình 8 tháng đầu năm đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, có thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm lên đến gần 650 USD/tấn.

Mới đây, CTCP Chứng khoán Mirae Asset dự báo bình quân giá gạo cả năm 2023 có thể ở mức 553 USD/tấn, tăng gần 14% so với năm 2022. Đây là mức giá bán bình quân cao nhất trong 15 năm trở lại đây.

Được biết, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo, VFA cũng phản ánh việc các thương nhân ngành gạo gặp khó trong việc tiếp cận nguồn vốn. 

VFA cũng kiến nghị với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét có cơ chế hỗ trợ về vốn cho thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, đảm bảo nguồn tồn kho dự trữ lưu thông. 

Nguyễn Phương