dd/mm/yyyy

Giá lợn hơi hôm nay "trượt dốc cao", toàn quốc giảm sâu

Giá lợn hơi hôm nay 01/12/2023 trượt dốc cao. Thị trường giá lợn theo đà đi xuống liên tiếp nhiều ngày, giao dịch đang chậm lại với mức giá phổ biến đầu số 4. Người chăn nuôi vẫn tích cực tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hi vọng mức giá sẽ có sự đảo chiều lớn vào năm tới.

Giá lợn hơi hôm nay 01/12/2023 trượt dốc cao

Thị trường giá lợn theo đà đi xuống liên tiếp nhiều ngày, giao dịch đang chậm lại với mức giá phổ biến đầu số 4.

Theo ghi nhận, giá lợn hơi hôm nay tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg. Hiện tại, thương lái ở hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam đang thu mua lợn hơi với giá 50.000 đồng/kg; các địa phương còn lại đồng loạt giao dịch ở mức 49.000 đồng/kg.

Thị trường lợn hơi miền Trung - Tây Nguyên không ghi nhận thay đổi mới về giá, thu mua trong khoảng 48.000 - 50.000 đồng/kg. Cụ thể, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi giá lợn hơi cao nhất khu vực với 50.000 đồng/kg; các địa phương còn lại giá không đổi.

Tại miền Nam, giá lợn hơi giảm ở một số địa phương, dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng, hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước lần lượt đưa giá lợn hơi về 47.000 đồng và 48.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại giữ nguyên giá giao dịch cũ trong ngày hôm nay.

Ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh, giá lợn hơi trong nước còn chịu sự tác động của các nước trong khu vực. Giá lợn tại Trung Quốc hiện đang giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg và cũng chỉ nhỉnh hơn Việt Nam một chút.

Cụ thể ngày 1/12, giá lợn hơi của Công ty Chăn nuôi C.P ở mức 50.000 đồng/kg ở miền Nam và 53.000 đồng/kg ở miền Bắc. Giá lợn Trung Quốc hôm nay ở mức 50.300 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay "trượt dốc cao", toàn quốc giảm sâu - Ảnh 1.

Giá lợn hơi hôm nay "trượt dốc cao", toàn quốc giảm sâu

Giá lợn hơi hôm nay "trượt dốc cao", toàn quốc giảm sâu - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay "trượt dốc cao", toàn quốc giảm sâu

Trong quý III/2023, thị trường thịt lợn toàn cầu bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế chậm, nhu cầu tiêu dùng yếu, dịch bệnh tái phát và các vấn đề về năng suất. Người tiêu dùng trên toàn cầu có xu hướng giảm tiêu thụ, mua với lượng ít hơn và chuyển sang các loại protein khác. Giá thịt lợn quốc tế có xu hướng giảm trong quý III/2023 do nhu cầu nhập khẩu yếu từ các nước nhập khẩu hàng đầu giảm và nguồn cung xuất khẩu toàn cầu dồi dào.

Trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng thịt lợn toàn cầu trong năm 2024 được dự báo vẫn sẽ ở mức tương đương như năm 2023. Đồng thời, thương mại quốc tế đối với sản phẩm thịt lợn được dự báo sẽ tích cực hơn, nhưng nhu cầu tiêu thụ có thể sẽ giảm nhẹ. 

Cụ thể, sản lượng thịt lợn thế giới vào năm 2024 dự kiến sẽ ở mức 115,5 triệu tấn, tương đương mức của năm 2023, chủ yếu do sản lượng tại Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc giảm xuống. Tuy nhiên, sản lượng của Brazil, Việt Nam và Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng lên, giúp bù đắp phần nào mức sụt giảm trên. 

Tại EU, sản lượng thịt lợn năm 2024 dự kiến sẽ giảm 2% so với năm 2023, xuống còn 21,2 triệu tấn. Các nhà chăn nuôi lợn tại EU tiếp tục phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc kiểm soát dịch tả lợn châu Phi (ASF), khiến quy mô đàn lợn và sản lượng xuất khẩu sang một số thị trường cùng giảm xuống.

Tại Brazil, sản lượng lợn năm 2024 kỳ vọng sẽ tăng thêm 4,9%, đạt 4,83 triệu tấn. Đồng thời, xuất khẩu thịt lợn của nước này dự báo sẽ tăng 5,5%, lên mức 1,53 triệu tấn. 

Sản lượng thịt lợn của Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng 2% vào năm 2024, lên 12,7 triệu tấn do số lượng lợn tăng và chi phí thức ăn giảm. Xuất khẩu của Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng 3% vào năm 2024 nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Canada, Philippines và Hàn Quốc, cũng như giành được thị phần từ EU tại Trung Quốc và Úc. 

Theo USDA, tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc vào năm 2024 dự kiến sẽ giảm 1% so với năm 2023, xuống còn 58,15 triệu tấn do sản lượng trong nước thấp hơn. Năm 2023, mức tiêu thụ cao hơn chủ yếu là do nguồn cung nội địa cao hơn, tuy nhiên nền kinh tế chậm lại đã khiến cho nhu cầu yếu đi và tình trạng dư nguồn cung thịt lợn trong nửa đầu năm 2023. Năm 2024, Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định giá thịt lợn. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc vào năm 2024 dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 2,32 triệu tấn do sản lượng trong nước thấp hơn. Năm 2023, nhập khẩu thịt lợn ước tính là 2,3 triệu tấn với mức tăng trưởng 8% so với năm trước.

Trong nước, trong quý III/2023, giá lợn hơi cả nước tăng vào đầu quý, tuy nhiên đến thời điểm cuối quý III/2023 đà tăng bắt đầu yếu dần, sau đó giá thịt lợn giảm và đi ngang. Giá lợn hơi trung bình cả nước tiếp tục giảm trong tháng 10 và 11//2023. 

Sản lượng thịt lợn cả nước vẫn tăng, trong khi nhu cầu thị trường yếu cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên giá lợn hơi giảm trở lại. Sức mua vẫn chưa có nhiều cải thiện do người dân tiết kiệm chi tiêu. Hiện cung - cầu chăn nuôi trong nước nhìn chung khá cân bằng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá lợn cả nước sẽ ở mức hài hòa cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng. Tình hình tiêu thụ lợn những tháng cuối năm có thể sẽ cải thiện hơn khi bước vào mùa lễ hội.

Nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam tăng trong quý III/2023. Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, quý III/2023, Việt Nam nhập khẩu 195,09 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 397,16 triệu USD, tăng 18,2% về lượng và tăng 21,5% về trị giá so với quý II/2023; So với quý III/2022, tăng 1,8% về lượng, nhưng giảm 4,9% về trị giá.

Trong quý III/2023, Ấn Độ, Nga, Brazil, Hoa Kỳ và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi lợn tháng 11/2023 giảm 4,65% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,84% so với tháng trước.

Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ gia súc, gia cầm trong nước, báo cáo của Tổng Cục Thống kê chỉ ra rằng cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp chống đầu cơ, thao túng giá, đảm bảo lợi ích của người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh cần tổ chức hiệu quả việc tiêm vaccine; giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh.

Nguyễn Phương