dd/mm/yyyy

Giá gạo xuất khẩu tăng, nhu cầu nhiều mà nguồn cung thấp

Giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có sự điều chỉnh tăng do nhu cầu nhiều mà nguồn cung thấp. Cùng với đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng nhẹ.

Giá gạo xuất khẩu tăng nhẹ

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 7.800 đồng/kg, giá bình quân là 7.482 đồng/kg, tăng 239 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho tăng trung bình 254 đồng/kg, ở mức 9.117 đồng/kg; giá cao nhất là 9.600 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh tăng. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 14.150 đồng/kg, giá bình quân 13.914 đồng/kg, tăng 121 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 13.950 đồng/kg, giá bình quân 13.650 đồng/kg, tăng 158 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 13.750 đồng/kg, giá bình quân 13.300 đồng/kg, tăng 142 đồng/kg.

Giá gạo xát trắng loại 1 tăng mạnh nhất với 470 đồng/kg, giá trung bình là 14.240 đồng/kg. Riêng gạo lứt loại 1 tăng 375 đồng/kg, trung bình là 12.058 đồng/kg.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 12/8 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định so với hôm qua. Tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều loại lúa không có sự biến động so với tuần trước như: Đài thơm 8 từ 7.400 – 7.600 đồng/kg, OM 5451 từ 7.000 – 7.200 đồng/kg, lúa Nhật từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, IR 50404 từ 6.900 – 7.000 đồng/kg; riêng OM 18 từ 7.650 – 7.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 21.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 20.00 đồng/kg…

Tính đến ngày 31/7, theo số liệu của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống vụ Hè Thu 2024 được 1,465 triệu ha/1,48 triệu ha diện tích kế hoạch. Diện tích đã thu hoạch được khoảng 730.000 ha, với năng suất khoảng 60 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4,376 triệu tấn lúa.

Cùng với thu hoạch lúa Hè Thu, nhiều địa phương đã bước vào sản xuất lúa Thu Đông và vụ lúa Mùa. 

Giá gạo xuất khẩu tăng, xuất khẩu gạo đã thu về 3,27 tỷ USD - Ảnh 1.

Giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có sự điều chỉnh tăng do nhu cầu nhiều mà nguồn cung thấp.

Cùng xu hướng với thị trường trong nước, các thương nhân cho biết, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 562-565 USD/tấn, tăng so với mức 559-560 USD/tấn một tuần trước. Nhu cầu từ các khách hàng Philippines ngày càng tăng, trong khi xuất khẩu gạo sang Philippines và Indonesia đã tăng lên trong những ngày gần đây. Gạo tiêu chuẩn gạo 25% tấm cũng giữ vững ở mức 525 USD/tấn, gạo 100% tấm ở mức 435 USD/tấn.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm trong tuần qua trong bối cảnh nhu cầu thấp và đồng rupee giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu hàng đầu thế giới, được báo giá ở mức 539-545 USD/tấn, giảm so với mức 543-551 USD/tấn của tuần trước. Giải thích cho diễn biến này, các thương nhân cho rằng do người mua châu Á và châu Phi đang trì hoãn mua hàng vì dự đoán giá sẽ giảm. Bên cạnh đó, đồng rupee Ấn Độ tuần qua đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, từ đó làm tăng lợi nhuận từ doanh thu xuất khẩu của các công ty xuất khẩu.

Còn tại Thái Lan, gạo 5% tấm được báo giá ở mức 565 USD/tấn, giảm so với mức 570-575 USD/tấn của tuần trước. Giá gạo Thái giảm một phần do đồng baht mạnh lên. Nguồn cung gạo Thái đang ổn định nhờ thời tiết thuận lợi.

Trong khi đó, Chính phủ Bangladesh đang phải vật lộn để kiểm soát giá gạo trước những bất ổn về chính trị, trong bối cảnh giá gạo trong nước vẫn tăng cao dù vẫn còn nhiều gạo dự trữ.

Xuất khẩu gạo đã thu về 3,27 tỷ USD trong 7 tháng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% về lượng và 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2%.

7 tháng đầu năm, diện tích gieo cấy lúa đạt 6,25 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 3,82 triệu ha, tăng 1,3%; năng suất bình quân 65,6 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng lúa trên diện tích thu hoạch đạt 25 triệu tấn, tăng 2%.

So với thời điểm cách đây 1 năm – thời điểm thị trường gạo sôi động do tác động của lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ - giá lúa gạo hiện tại cũng ở mức tương ứng. Thị trường lúa gạo gần như thiết lập một mặt bằng giá mới.

Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu so với thời điểm cách đây 1 năm ghi nhận mức độ giảm nhẹ. Cụ thể, ngày 3/8/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam ở mức 593 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 573 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu tăng, xuất khẩu gạo đã thu về 3,27 tỷ USD - Ảnh 2.

7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo.

Nguồn cung gạo của ta hiện không cao nhưng chất lượng gạo khá tốt, do đó giá tăng nhẹ.

Năm 2024, thị trường thương mại gạo toàn cầu vẫn phải đối mặt với những thách thức như nguồn cung gạo toàn cầu giảm do tiếp tục chịu tác động từ lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số thị trường như Ấn Độ, UAE, Nga và hiện tượng El Nino, biến đổi khí hậu, ở nhiều khu vực. Cùng với đó, tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2024.

Mặc dù vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4-8 triệu tấn gạo. Trong đó, lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 ước 4,38 triệu tấn và 6 tháng cuối năm trên 3 triệu tấn.

Giá gạo xuất khẩu tăng, xuất khẩu gạo đã thu về 3,27 tỷ USD - Ảnh 3.

USDA dự báo thương mại gạo thế giới (báo cáo tháng 7/2024). Đơn vị nghìn tấn

 

P.V