dd/mm/yyyy

Giá gạo cuối tuần đồng loạt giảm, thị trường giao dịch chậm, thương lái mua ít

Xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay tăng mạnh, tuy nhiên giá gạo xuất khẩu trong tháng 2 đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái, xuống mức bình quân 663 USD/tấn. Giá lúa gạo hôm nay (ngày 23/3) và tổng kết tuần này đều cho thấy sự giảm đồng loạt...

Cập nhật giá lúa gạo hôm nay 23/3

Giá lúa gạo hôm nay ngày 23/3 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đồng loạt giảm với cả lúa và gạo.

Cụ thể, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa IR 50404 duy trì ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 7.600 - 7.800 đồng/kg; lúa OM 380 dao động 7.500 - 7.600 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 dao động quanh mốc 7.700 - 7.900 đồng/kg.

Trong khi đó, giá lúa OM 18 giảm 100 đồng/kg xuống còn 7.900 - 8.100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 giảm 200 đồng/kg xuống mức 7.900 - 8.000 đồng/kg.

Trên thị trường lúa, bình quân giá lúa tươi mua tại ruộng ở mức 7.800 - 8.200 đồng/kg. Ghi nhận tại các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long hôm nay, thị trường giao dịch chậm do thương lái mua ít hơn.

Trong tuần, giá gạo cũng liên tục điều chỉnh giảm 250 - 450 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá gạo giảm là do nguồn gạo về nhiều trong khi chất lượng giảm. Nhiều kho, nhà máy ngưng mua.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA, gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 596 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 568 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 481 USD/tấn.

Giá gạo cuối tuần đồng loạt giảm, thị trường giao dịch chậm, thương lái mua ít- Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay (ngày 23/3) và tổng kết tuần này đều cho thấy sự giảm đồng loạt...

Thời gian qua thị trường lúa gạo Việt Nam vẫn duy trì sản lượng và vị trí xuất khẩu gạo top đầu thế giới, song thực tế tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dù được mùa nhưng giá lúa gạo lại thường xuyên biến động.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá lúa gạo lẫn giá gạo xuất khẩu liên tục giảm mạnh trong những tuần qua. Cụ thể, giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết khiến nhiều thương lái đòi hạ giá hoặc bỏ cọc. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu quá nhiều lúa gạo từ các nước lân cận cũng làm ảnh hưởng tới sản xuất trong nước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, mặc dù có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 2 vẫn đạt tới 562.943 tấn, trị giá 373,4 triệu USD, tăng 9,9% về lượng và tăng 3,1% về trị giá so với tháng trước, đồng thời tăng 5,3% về lượng và tăng tới 30,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt hơn 1 triệu tấn với trị giá thu về 735,6 triệu USD, tăng 20,4% về lượng và tăng đến 55,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn chung xuất khẩu gạo của Việt Nam sang nhiều thị trường chính đều tăng trưởng mạnh trong 2 tháng đầu năm. Trong đó, Philippines tiếp tục là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam sau 2 tháng đầu năm với khối lượng đạt 500.195 tấn, trị giá 337 triệu USD, tăng 24,4% về lượng và tăng 64,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường này chiếm đến 46,5% về lượng và 45,8% về trị giá trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Đứng thứ hai là Indonesia với 219.165 tấn, trị giá 141,7 triệu USD, tăng 52,4% về lượng và gấp 2,1 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Indonesia chiếm 20,4% trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Xuất khẩu gạo sang các thị trường lớn tiếp theo là Malaysia và Ghana cũng tăng rất mạnh trong 2 tháng đầu năm, với mức tăng lần lượt là 112,3% và 308,9%, đạt 38.257 tấn và 26.810 tấn.

Trong 2 tháng đầu năm, gạo trắng tiếp tục là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất với tỷ trọng chiếm đến 77% (khoảng hơn 830 nghìn tấn), tiếp đến là gạo thơm chiếm 14,3% (hơn 154 nghìn tấn), gạo nếp 6%; gạo Nhật 2,2% và 0,3% còn lại là gạo lứt, gạo vi chất.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 2 đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm ngoái, xuống mức bình quân 663 USD/tấn. Tương ứng giảm 6,2% so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn gần 24% so với cùng kỳ năm. Tính chung 2 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu đạt 684 USD/tấn, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Với nguồn cung dồi dào từ vụ Đông Xuân cùng nhu cầu nhập khẩu ở mức cao trên thị trường thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng tới.

Hiện tượng thời tiết El Nino, yếu tố khiến nhiều khu vực lớn ở châu Á khô hạn trong năm 2023, dự kiến tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024. Hiện tượng này đe dọa nguồn cung gạo, lúa mỳ, dầu cọ và nhiều mặt hàng nông sản khác tại nhiều nước nhập khẩu và xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.

Các nhà giao dịch và giới chức nhiều nước dự đoán sản lượng gạo của châu Á trong nửa đầu năm 2024 sẽ giảm do điều kiện trồng trọt khô hạn.

Các dự báo gần đây cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines và Indonesia, hai nước nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong năm 2024. Các quốc gia tại châu Phi cũng đang chuyển hướng sang nhập khẩu gạo Việt Nam sau khi Ấn Độ áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ giữa năm ngoái.

Trong khi đó, sản lượng gạo cũng được dự báo sẽ giảm tại các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ và Thái Lan. Còn tại Việt Nam, tình trạng xâm nhập mặn cũng đang ảnh hưởng đến một phần diện tích sản xuất.

Giá gạo sau khi chịu áp lực giảm do Việt Nam và nhiều nước bước vào vụ thu hoạch cũng đang rục rịch tăng trở lại.

19 ngày đầu tháng 3, giao hàng gạo Việt Nam đi các thị trường chính đa phần đều có sự tăng vọt so với lượng giao trong tháng trước. Riêng hàng giao đi Indonesia có lượng thấp hơn, song không đáng kể.

P.V