Indonesia có kế hoạch tăng hạn ngạch nhập khẩu gạo trong năm 2024 lên 80% để tăng nguồn cung trong nước do sản lượng trong nước trong quý I/2024 có thể thấp hơn năm ngoái do thiếu mưa.
Cụ thể, theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, Vụ xuất nhập khẩu của Bộ Thương mại Indonesia cho hay, Chính phủ nước này dự định tăng hạn ngạch thêm 1,6 triệu tấn. Phát biểu hôm 26/2/2024 tại một cuộc họp ở Bộ Nội vụ Indonesia, lãnh đạo Thương mại Indonesia cho biết con số này cao hơn mức 2 triệu tấn đã được cấp phép cho công ty hậu cần thực phẩm quốc doanh Bulog.
Việc tăng nhập khẩu gạo có thể sẽ thắt chặt nguồn cung lương thực toàn cầu. Trong tháng 1/2024, giá gạo trắng Thái Lan 5% tấm tăng lên mức cao nhất trong 15 năm do Ấn Độ - nước xuất khẩu lớn nhất, hạn chế xuất khẩu để hạ nhiệt lạm phát lương thực trong nước. Ấn Độ dự kiến sẽ không nới lỏng các biện pháp hạn chế cho đến sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng 4 và tháng 5/2024.
Hạn ngạch bổ sung vẫn chưa được ban hành vì Chính phủ Indonesia đang trong quá trình sửa đổi bảng cân đối mặt hàng thực phẩm, một bước cần thiết trước khi cấp giấy phép nhập khẩu.
Trong năm 2023, Indonesia đã nhập khẩu nhiều gạo nhất trong hơn hai thập kỷ do El Nino lảm giảm sản lượng và khiến giá gạo trong nước tăng cao. Vụ thu hoạch lúa năm nay dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng 3 và tháng 4/2024, nhưng có lo ngại rằng sản lượng thóc trong quý I/2024 có thể giảm khoảng 2,8 triệu tấn so với quý I/2023. Mục tiêu cả năm của chính phủ Indonesia về sản lượng thóc là 55,4 triệu tấn.
Ông Phạm Thế Cường, Tham tán Thương mại tại Indonesia cho biết, trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường này đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng. Tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu.
Hiện tượng gạo khan hiếm tại các siêu thị đã xuất hiện. Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của Chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do. Giá bán gạo lẻ tại thị trường đối với gạo phẩm cấp cao đang lên tới 1,16 USD/kg, vượt giá trần Chính phủ ấn định là 0,9 USD/kg.
Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramadan của người Hồi giáo sẽ bắt đầu vào giữa tháng 3/2024 (kéo dài 1 tháng), sẽ khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm của Indonesia tiếp tục gia tăng mạnh.
Tham tán Thương mại tại Indonesia dự báo, Chính phủ nước này sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn).
"Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng, tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia", Tham tán Thương mại tại Indonesia nhấn mạnh.
Việc tranh thủ nhu cầu gạo tăng "nóng" của Indonesia thời điểm này là vô cùng cần thiết, bởi trong thời gian tới, hạt gạo Việt Nam sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Theo đánh giá của ông Phạm Thế Cường, mặc dù gạo Việt Nam đã có chỗ đứng, tuy nhiên chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực từ nguồn lúa gạo trong nước và duy trì chính sách quản lý nhập khẩu chặt chẽ đối với mặt hàng lúa gạo sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu gạo của Indonesia có xu hướng sụt giảm trong thời gian tới.
Nước này đang có kế hoạch thúc đẩy gia tăng thêm tối thiểu 1 triệu ha đất trồng lúa, có các chính sách khuyến khích nông dân trồng lúa, làm tăng sản lượng lúa gạo của Indonesia. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam gặp sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với gạo Thái Lan ở phân khúc chất lượng cao, trong khi nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam tại thị trường Indonesia chưa thực sự rõ nét. Tại nhiều siêu thị của Indonesia, gạo Thái lan đã có thương hiệu dễ nhận biết đối với người tiêu dùng.
Vì vậy, ông Phạm Thế Cường kiến nghị doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, đa dạng hóa các chủng loại gạo, đảm bảo không có các vi phạm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cũng cần quan tâm thúc đẩy xúc tiến các sản phẩm từ lúa gạo vì đây cũng là một phân khúc thị trường rất tiềm năng. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần quan tâm hơn nữa xây dựng thương hiệu có chiến lược quảng bá bài bản về thương hiệu, các loại gạo chất lượng cao cấp của Việt Nam, thông qua việc sử dụng nhiều kênh và nhiều hình thức quảng bá xúc tiến khác.
"Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu cần luôn đảm bảo chất lượng gạo, đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch. Đảm bảo thời gian giao hàng đúng hạn cũng như thỏa thuận hợp đồng đã ký kết vì số lượng các thương nhân có giấy phép nhập khẩu của Indonesia rất hạn chế", ông Phạm Thế Cường cho hay.