dd/mm/yyyy

Indonesia tiếp tục phải nhập khẩu bổ sung thêm 1,6 triệu tấn gạo năm 2024, giá lúa gạo sẽ tăng cao

Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan cho biết, Chính phủ Indonesia vừa mới quyết định tăng hạn thêm hạn ngạch nhập khẩu nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt...

Ngày 26/2/2024, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Zulkifli Hasan cho biết, Chính phủ Indonesia vừa mới quyết định tăng hạn thêm hạn ngạch nhập khẩu nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn do sản xuất gạo trong nước bị thiếu hụt xuất phát từ việc gieo cấy vụ canh tác chính trong năm bị chậm vì thiếu nước canh tác, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023.

Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết, theo dự kiến, việc thu hoạch vụ lúa này sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2024 thay vì tháng 3 và tháng 4 hàng năm.

Với lượng gạo nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn, tổng lượng lượng gạo hạn ngạch Chính phủ quyết định nhập khẩu trong năm 2024 sẽ là 3,6 triệu tấn. Cho đến nay, Bộ Thương mại Indonesia đã cấp giấy phép nhập khẩu gạo cho 2 triệu tấn. Giấy phép nhập khẩu thêm 1,6 triệu tấn sẽ sớm được ban hành sau khi hoàn tất một số thủ tục hành chính liên quan.

Trong vài ngày gần đây, giá gạo tại thị trường Indonesia đang gia tăng mạnh do nguồn cung thiếu hụt nghiêm trọng, tính tới tháng 2/2024, Indonesia đã trải qua 8 tháng thâm hụt gạo liên tiếp do sản xuất trong nước thiếu hụt so với nhu cầu. 

Hiện tượng gạo khan khiếm tại các siêu thị đã xuất hiện. Bộ trưởng Thương mại Indonesia đã phải đề nghị người dân chuyển sang mua gạo bình ổn giá của Chính phủ để tránh việc giá gạo tăng quá cao trên thị trường tự do. Giá bán gạo lẻ tại thị trường lên tới 80.000 ru-pi (tương đương 5,17 USD)/5kg so với mức giá trần chính phủ ấn định chỉ là 69.500 Rp (4,45 USD)/5kg.

Theo Cơ quan thông kê Indonesia, trong tháng 1/2024, nước này đã nhập khẩu 441,93 nghìn tấn, tăng 82,19% so với tháng 1/2023 với giá trị 279,2 triệu USD. Trong đó lượng gạo nhập từ Thái Lan là 237,64 nghìn tấn, từ Pakistan là 129,78 nghìn tấn, Myanmar 41,61 nghìn tấn, Việt Nam là 32,34 nghìn tấn. Cambodia 2,5 nghìn tấn. Trong năm 2023, Indonesia đã vươn lên trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, thu về hơn 640 triệu USD, tăng mạnh 878% về lượng và tăng đến 992% về trị giá so với năm 2022.

Với tình hình gạo đang thiếu hụt nghiêm trọng, trong bối cảnh mùa vụ thu hoạch chính vụ chưa bắt đầu và tháng Lễ Ramdan của người Hồi giao sẽ bắt đầu trung tuần tháng 3/2024 và kéo dài trong 01 tháng khiến nhu cầu lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục gia tăng mạnh. 

Dự báo Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục sớm mở thầu mua thêm gạo, ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1/2024 vừa qua (trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn). Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia này.  

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đã nhập khẩu 3,06 triệu tấn gạo trong năm 2023, gần mức kỷ lục. Tại Indonesia, giá bán lẻ gạo đang cao hơn mức trần do Chính phủ quy định trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung.

Theo các chuyên gia và các nhà kinh doanh gạo, việc mua gạo của Indonesia đã đẩy giá toàn cầu tăng cao và tin tức này càng tạo thêm động lực tăng giá cho thị trường.

Giá gạo châu Á gần đạt mức cao nhất trong 16 năm sau khi Ấn Độ, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, hạn chế xuất khẩu vào năm ngoái.

Giá gạo đồ xuất khẩu từ trung tâm lúa gạo hàng đầu thế giới - Ấn Độ - đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần này do nguồn cung hạn chế và nhu cầu cải thiện nhẹ.

Giá tại các trung tâm xuất khẩu chính khác - Thái Lan của Việt Nam - đang ở gần mức cao nhất kể từ năm 2008.

Sản lượng gạo Indonesia giảm có nguy cơ thắt chặt nguồn cung hơn nữa, đẩy giá gạo lên cao.

Indonesia tiếp tục phải nhập khẩu bổ sung thêm 1,6 triệu tấn gạo năm 2024, giá lúa gạo sẽ tăng cao- Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 27/2 tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng giá trở lại.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 27/2 tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tăng trở lại. Ghi nhận tại các địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… hôm nay giao dịch sôi động hơn so với hôm qua, trước đó thị trường khá ngưng trệ, không có người mua mới do giá gạo giảm sâu 2 ngày cuối tuần qua.

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, lúa OM 5451 ở mức 7.200 - 7.400 đồng/kg, tăng nhẹ 100 đồng/kg. Với các giống lúa còn lại, giá đi ngang. Theo đó, lúa IR 504 ở mức 7.100 - 7.300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; Lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, hôm nay giá gạo tạm thời chưa có biến động lớn. Cụ thể, tại các kho gạo chợ tại An Cư, Cái Bè (Tiền Giang), giá gạo nguyên liệu OM 18, ở mức 12.300 - 12.400 đồng/kg; gạo Đài thơm 8 ở mức 12.600 - 12.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 dao động quanh mức 11.800 - 11.900 đồng/kg; OM 380 11.450 - 11.550 đồng/kg; gạo nguyên liệu Nhật ở mức 12.600 - 12.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu ST 21 ở mức 13.900 - 14.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu ST 24 ở mức 14.400 - 14.600 đồng/kg.

Tại Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) gạo nguyên liệu về lai rai, các kho gạo chợ cho giá mua tăng nhẹ. Gạo thơm tại các đồng biển chất lượng tốt có giá cao, kho mua nhiều. Tại Kiên Giang giá gạo tăng 100 đồng/kg so với hôm qua.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam chững lại và đi ngang sau phiên giảm mạnh. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo 25% tấm ở mức 584 USD/tấn; gạo 5% tấm ở mức 609 USD/tấn; gạo 100% tấm ổn định ở mức 508 USD/tấn.  

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2024 cả nước xuất khẩu 512.265 tấn gạo, tương đương 362,26 triệu USD, giá trung bình 707,2 USD/tấn, tăng 4% về lượng, tăng 7% về kim ngạch và tăng 2,8% về giá so với tháng 12/2023; còn so với tháng 1/2023 thì tăng mạnh 42,6% về khối lượng, tăng 94,1% về kim ngạch và tăng 36,2% về giá.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 53,6% trong tổng lượng và chiếm 39% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 280.944 tấn, tương đương gần 194,28 triệu USD, giá trung bình 691,5 USD/tấn, tăng 7,8% về lượng, tăng 8,1% về kim ngạch và tăng nhẹ 0,3% về giá so với tháng 12/2023; so với tháng 1/2023 tăng mạnh 117,2% về lượng, tăng 201% về kim ngạch và tăng 38,5% về giá.

Tiếp sau đó là thị trường Pháp chiếm trên 5% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 17.919 tấn, tương đương 18,64 triệu USD, giá trung bình 1.040,2 USD/tấn, tăng mạnh 16.339% về lượng và tăng 18.356% về kim ngạch so với tháng 12/2023; trong khi tháng 1/2023 không xuất khẩu gạo sang thị trường này.

Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 27.256 tấn, tương đương 18,08 triệu USD, giá 663,3 USD/tấn, giảm 35,8% về lượng và giảm 29,3% về kim ngạch nhưng tăng 10% về giá so với tháng 12/2023; giảm 68,3% về lượng, giảm 55,8% kim ngạch và tăng 39,2% về giá so với tháng 1/2023, chiếm gần 5% trong tổng lượng và chiếm 3,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 351.286 tấn, tương đương 240,54 triệu USD, tăng 24,4% về lượng, tăng 66,2% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 36.278 tấn, tương đương 24,32 triệu USD, tăng 84,4% về lượng, tăng 123,8% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 341.006 tấn, tương đương 234,08 triệu USD, tăng 46,4% về lượng, tăng 103,7% kim ngạch.



Nguyễn Phương