Giá cà phê hôm nay ngày 13/08/2024
Nông dân và truyền thông địa phương đã đưa tin về hiện tượng sương giá nhẹ xuất hiện ở các vùng trồng cà phê Brazil, khi khối không khí lạnh mạnh bất thường vào thời điểm này trong năm di chuyển từ miền Nam tới khu vực miền Trung của nước này.
Trên thị trường thế giới, giá Robusta kỳ hạn tháng 9/2024 trên sàn London tăng 4,76% chốt mức 4.532 USD/tấn. Giá Arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn New York tăng 6,8 cent, tương đương 2,91%, ở mức 240,85 US cent/lb.
Giá cà phê tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần chủ yếu do lo ngại sương giá đang quay trở lại các vùng cà phê của Brazil, khi vụ thu hoạch năm nay gần như đã hoàn tất. Nguồn cung không nhiều có thể đẩy giá cà phê trên thị trường thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo nhà môi giới Hedgepoint Global Markets, niên vụ cà phê 2024/25 của Brazil dự kiến đạt 63,3 triệu bao (loại 60kg), giảm so với mức 65,7 triệu bao ước tính trước đó, do thời tiết khô hơn bình thường khiến ảnh hưởng đến sản xuất. Trong đó, sản lượng Arabica của Brazil được ước tính ở mức 43,2 triệu bao so với mức 44,7 triệu bao trước đó, còn Robusta giảm 900.000 bao xuống còn 20,1 triệu bao.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), Brazil - quốc gia cung cấp 40% sản lượng cà phê toàn cầu, đã thiệt hại 20% vụ mùa vào năm 2021 do ảnh hưởng kép từ sương giá và hạn hán. Indonesia ghi nhận sản lượng Robusta giảm 20% trong năm ngoái do El Nino – hiện tượng thời tiết cực đoan chỉ có dấu hiệu dịu bớt trong năm nay.
Thị trường cà phê đặc biệt nhạy cảm với những biến động về sản lượng và sự kết hợp giữa tình trạng sương giá và hạn hán có thể gây ra những tác động nghiêm trọng đến vụ mùa cà phê 2025/26. Khi Brazil phải đối mặt với những thách thức kép này, khả năng năng suất cà phê giảm đang là mối lo ngại ngày càng tăng, tạo thêm một lớp bất ổn cho thị trường vốn đã có nhiều biến động.
Khi thị trường đang theo dõi chặt chẽ thời tiết của Brazil, bất kỳ thay đổi đáng kể nào cũng có thể gây ra sự biến động hơn nữa đối với hợp đồng cà phê kỳ hạn.
Sự tương tác giữa sương giá, lượng mưa và tình trạng khô hạn hiện tại tạo ra một môi trường cực kỳ không chắc chắn đối với sản xuất cà phê, với khả năng tác động đáng kể đến vụ thu hoạch sắp tới.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 76.982 tấn, trị giá 381,2 triệu USD, giảm 29,3% về lượng nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng vừa qua đạt kỷ lục 4.951 USD/tấn, tăng 7,8% so với tháng trước và tăng tới 75,1% (tương đương 2.123 USD/tấn) so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cà phê tăng 52,3% lên mức bình quân 3.682 USD/tấn. Nhờ đó, sản lượng xuất khẩu mặc dù giảm 12,4% so với cùng kỳ, nhưng giá trị thu về vẫn tăng 33,5%, đạt 979.353 tấn, trị giá 3,6 tỷ USD.
Với những yếu tố thuận lợi về giá, ngành cà phê được kỳ vọng có thể mang về kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 5 tỷ USD trong năm nay.
Như vậy, kết thúc 10 tháng đầu niên vụ 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 7 năm nay), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 1,3 triệu tấn, tương đương 90% sản lượng của niên vụ hiện tại và giảm 12,4% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Nếu không tính lượng hàng tồn kho từ năm trước chuyển sang, Việt Nam sẽ chỉ còn lại khoảng 130.000 tấn cà phê để xuất khẩu trong 2 tháng còn lại của niên vụ 2023-2024 (từ tháng 8 đến đến hết tháng 9).
Sản lượng năm nay giảm cộng thêm tồn kho từ năm trước chuyển sang thấp là nguyên nhân chính khiến cho lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm trong 6 tháng gần đây.