dd/mm/yyyy

Dừa tươi muốn xuất khẩu sang Mỹ phải phân tích nguy cơ dịch hại

Mặt hàng dừa tươi của Việt Nam không được cấp phép nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Để được cấp phép, dừa tươi cần được tiến hành phân tích nguy cơ dịch hại.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa nhận dự thảo kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ Cục Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA).

Cụ thể, mặt hàng xuất khẩu phải là dừa non tươi, đã loại bỏ những quả thối, rụng. Vỏ màu xanh lá cây; khi chín vỏ chuyển sang màu nâu. Trong xử lý sau thu hoạch, dừa non tươi phải được gọt bỏ toàn bộ phần vỏ xanh và ít nhất 75% phần xơ dừa.

Phía Hoa Kỳ cũng xác định có 43 loài dịch hại trên cây dừa, gồm: 1 loài nhện, 39 loài côn trùng, 1 loài ốc sên, 1 loài vi khuẩn và 1 loài tuyến trùng. Tuy nhiên, theo kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, không loài nào có khả năng đi theo dừa non tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ.

Dừa tươi muốn xuất khẩu sang Mỹ phải phân tích nguy cơ dịch hại - Ảnh 1.

Để dừa tươi được xuất khẩu sang Hoa Kỳ cần phải phân tích nguy cơ dịch hại.


Cục Bảo vệ thực vật và Cục Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trao đổi, đàm phán để lựa chọn các biện pháp kiểm dịch thực vật thích hợp, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch hại.

Ngoài ra, Cục Bảo vệ thực vật gửi công văn tới Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trồng dừa, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu dừa cùng các đơn vị liên quan góp ý với dự thảo của Hoa Kỳ. Để sớm xuất khẩu dừa có vỏ của Việt Nam sang thị trường Mỹ và đảm bảo điều kiện thuận lợi, dễ triển khai, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các tổ chức và cá nhân có ý kiến và gửi về Cục trước ngày 20/2.

Vào đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp kêu khó khi xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ. Trước đây, nước này đồng ý chỉ cần gọt hết vỏ xanh và để vỏ trắng, nhưng hiện Mỹ thay đổi quy định. Dừa tươi phải gọt tới phần sọ dừa.

Để giải quyết, Cục Bảo vệ thực vật đã gấp rút hoàn thiện và nộp hồ sơ kỹ thuật, đề nghị Mỹ cấp phép xuất khẩu quả dừa tươi có vỏ của Việt Nam. Dựa trên tài liệu mở cửa thị trường của Cục Bảo vệ thực vật cùng các tài liệu khoa học và cơ sở dữ liệu kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, USDA đã ban hành “Dự thảo Kết quả phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi” vào ngày 1/2/2023. Đây là bước quan trọng để dừa tươi Việt Nam trở lại thị trường Mỹ đầy tiềm năng vào thời gian tới.

Đối với việc xuất khẩu dừa tươi, những hệ tiêu chuẩn chặt chẽ và khắt khe sẽ được áp dụng từ giai đoạn gieo trồng đến lúc thu hoạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất. Xét về trọng lượng dừa tươi sau khi gọt vỏ phải có 800 gram trở lên; đối với dừa xanh tươi (chưa gọt vỏ) thì cần nặng từ 1kg trở lên.

Trong giai đoạn trồng trọt, dừa phải đáp ứng phương pháp trồng sạch, theo dõi tiến trình phát triển chặt chẽ và kiểm soát liều lượng thuốc hỗ trợ dinh dưỡng hoặc thuốc ngăn ngừa sâu bệnh đúng liều lược. Các hệ tiêu chuẩn phổ biến hiện tại áp dụng để đánh giá như VietGAP, GlobalGAP, Organic…

Trái dừa khi thu hoạch phải nguyên quả, được bóc vỏ ngoài hoặc được bóc hết xơ; vỏ quả hoặc sọ dừa không bị rạn nứt; lành lặn, không bị thối hỏng hoặc dập nát đến mức không phù hợp để sử dụng. Dừa tươi không bị sinh vật hại gây ảnh hưởng đến hình thức bên ngoài của sản phẩm và chắc chắn không có mùi và/hoặc vị lạ. Đối với dừa nguyên quả, phải có bông con và cuống, đài hoa phải gắn chặt vào cuống hoa.


An Nguyên