Dưa hấu kết trái ở vùng cao, thêm hướng làm giàu cho người dân Pa Tần
28/05/2025 18:29 GMT +7
Cuối tháng 5, tại xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên), không khí thu hoạch dưa hấu rộn ràng, vui tươi khắp các bản làng. Những trái dưa căng tròn, ruột đỏ ngọt lịm không chỉ báo hiệu một vụ mùa bội thu, mà còn khẳng định hiệu quả của hướng chuyển đổi cây trồng đang được người dân tích cực thực hiện.
- Nậm Pồ: Giảm nghèo không chỉ là mục tiêu, mà là quyết tâm
- Nậm Pồ chung tay xóa nhà tạm – Lan tỏa yêu thương, vững bước thoát nghèo
Ít ai ngờ rằng, cách đây chỉ hơn hai năm, dưa hấu còn là cây trồng hoàn toàn xa lạ với người dân Pa Tần. Năm 2022, anh Lầu A Dê, một nông dân trẻ ở bản Tà Ham, là người đầu tiên mạnh dạn đưa giống dưa hấu về trồng thử nghiệm trên đất nương của gia đình. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật, tìm tòi trên mạng và trao đổi với cán bộ nông nghiệp, vụ đầu tiên đã cho kết quả khả quan. Thấy hiệu quả kinh tế vượt trội so với các loại cây trồng truyền thống như ngô, sắn, anh Dê đã chủ động vận động bà con trong bản cùng làm theo.

“Tôi nghĩ làm kinh tế là phải dám thử, dám thay đổi. Lúc đầu nhiều người còn nghi ngại, nhưng tôi tin rằng đất Pa Tần mình không thiếu tiềm năng, quan trọng là mình chọn đúng cây, chăm đúng cách”, anh Dê chia sẻ. Theo anh, dưa hấu là cây trồng ngắn ngày, dễ chăm sóc, vốn đầu tư không quá lớn nhưng lại cho thu nhập cao trong thời gian ngắn. Từ mô hình thử nghiệm nhỏ vài trăm mét vuông, đến nay, nhiều hộ đã mạnh dạn trồng từ vài nghìn mét vuông đến cả hecta dưa.
Vụ dưa năm nay, toàn xã đã trồng hơn 3ha, tập trung tại các bản như Tà Ham, Pa Tần 1, Pa Tần 2… Nhờ thời tiết thuận lợi và sự hỗ trợ kỹ thuật từ chính quyền địa phương, năng suất đạt trung bình trên 20 tấn. Dưa được thương lái thu mua ngay tại ruộng với giá 10.000 – 12.000 nghìn đồng/kg, mỗi ha có thể mang lại thu nhập trên 200 triệu đồng, trừ chi phí người dân còn lãi hơn một nửa.
Không chỉ là người tiên phong, anh Lầu A Dê còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm canh tác, hỗ trợ kỹ thuật và giống cho bà con xung quanh. Anh cho biết: “Tôi mong muốn xã, huyện và ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân thành lập tổ hợp tác trồng dưa, có hướng dẫn kỹ thuật bài bản hơn và kết nối thị trường đầu ra. Nếu có liên kết tốt, cây dưa hấu hoàn toàn có thể trở thành cây chủ lực giúp bà con thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương”.

Theo bà Thùng Thị Văn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pa Tần thì mô hình trồng dưa hấu đang mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp hàng hóa của xã. Trồng cây ngắn ngày như dưa hấu là hướng đi phù hợp với bà con dân tộc Mông, những người chỉ sản xuất được một vụ lúa mùa trong năm. Việc tận dụng thời gian và đất bãi để trồng thêm dưa, ngô hay lạc không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn góp phần ổn định cuộc sống, cải thiện sinh kế một cách bền vững. “Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao tinh thần tiên phong, sáng tạo của anh Lầu A Dê, một gương điển hình trong tư duy làm kinh tế ở vùng cao. Xã sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con mở rộng sản xuất, hướng tới xây dựng vùng trồng dưa tập trung, có hợp đồng bao tiêu để phát triển ổn định, bền vững”, bà Văn cho biết.
Từ một loại cây trồng thử nghiệm, dưa hấu đang dần bén rễ và phát triển mạnh ở Pa Tần. Với những người nông dân dám nghĩ, dám làm như anh Lầu A Dê, hy vọng rằng không chỉ dưa hấu mà nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả khác cũng sẽ tiếp tục được lan tỏa, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội ở vùng biên giới Nậm Pồ.
Nghệ An: Mưa xối xả, nước dâng cao nhấn chìm ruộng dưa hấu, dân bản nói mất hết rồi
Mưa lớn, nhấn chìm ruộng dưa hấu của người dân ở bản Mét, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An. Ruộng dưa hấu quả đã to chìm trong biển nước khiến bà con trắng tay.
Cách chữa đau đầu bằng dưa hấu, cơn đau giảm nhanh lại được ăn ngon
Dưa hấu chứa lượng nước lớn, đồng thời bổ sung thêm rất nhiều khoáng chất thiết yếu như magiê – vốn rất tốt cho những người hay đau đầu, dưa hấu chính là thực phẩm chữa bệnh tuyệt vời.
Một ông Trưởng thôn ở Hà Giang mày mò trồng dưa hấu, cây ra la liệt quả ngọt, bán giá cao, nhiều người học theo
Những mầm dưa hấu xanh mướt đang từng ngày phủ kín các cánh đồng ở thôn Vị Ke, xã Nậm Ban (Mèo Vạc, Hà Giang). Thành công bước đầu từ mô hình trồng dưa hấu nơi đây không chỉ mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.