Sinh ra và lớn lên tại bản Lèng Chư, xã Dào San, chàng thanh niên người Mông Giàng A Chảo (sinh năm 1991) luôn ấp ủ ước mơ được làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Năm 2014, mặc dù tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cơ điện nghề Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ với tấm bằng giỏi, nhưng Giàng A Chảo vẫn quyết tâm quay trở về quê hương lập nghiệp bằng mô hình trồng dâu tây.
Dẫn chúng tôi đến thăm vườn dâu tây của A Chảo, trung úy Hoàng Văn Lịch, nhân viên Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Dào San, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, chia sẻ: "Đối với bà con ở khu vực biên giới, nhất là ở địa bàn xã Dào San thì việc trồng lúa, ngô hay các loại cây ăn quả là chuyện bình thường, còn mô hình trồng cây dâu tây của A Chảo là một mô hình mới ở địa phương".
Đón chúng tôi là chàng thanh niên A Chảo. Anh có dáng người nhỏ bé, làn da rám nắng đầy rắn rỏi. Hướng tầm mắt ra xa, chúng tôi dễ dàng nhận thấy vườn dâu tây độc đáo của anh giữa lưng chừng núi với những quả dâu tây đỏ tươi đặc trưng xen lẫn trong từng tán lá.
A Chảo hào hứng kể: "Ngay khi còn đi học tại Trường Cao đẳng Cơ điện nghề Phú Thọ, được sự giới thiệu của người bạn thân cùng trường, tôi đã ấp ủ về mô hình xây dựng vườn dâu tây ngay trên chính quê hương mình. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy khí hậu, thời tiết và chất lượng của loại đất trồng tại xã Dào San rất thích hợp để trồng và phát triển loại quả này. Thế nên, ngay sau khi tốt nghiệp, tôi đã quyết tâm trở về để tập trung phát triển vườn dâu tây trên mảnh đất của gia đình".
Qua câu chuyện với A Chảo, được biết, anh bắt tay vào trồng cây dâu tây từ năm 2015. Trong những năm đầu, do chưa nắm được kỹ thuật trồng cây nên tình trạng sâu bệnh, thiếu nước thường xuyên xảy ra. Nhiều lần, anh muốn buông tay để tìm công việc khác. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm của tuổi trẻ, anh Chảo vẫn ngày đêm lên mạng Internet, đọc sách, báo tìm tòi, học hỏi thêm kỹ thuật chăm sóc dâu tây.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn dâu tây của mình, A Chảo cho biết: Vườn dâu tây của tôi rộng khoảng 5.000m2. Giống dâu tây được tôi lấy chủ yếu ở tỉnh Sơn La, có loại lấy giống từ thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) về trồng. Mỗi cây giống và công chăm sóc, tôi mất khoảng 20.000 - 30.000 đồng. Mỗi một vụ, cây dâu tây ra quả trong vòng 3 tháng là có thể thu hoạch được. Sau khi trừ đi chi phí, một vụ Chảo lời từ 70 - 80 triệu đồng.
Ngoài việc trực tiếp bán tại vườn, A Chảo còn mở rộng hình thức bán hàng thông qua mạng xã hội và các kênh bán hàng trực tuyến. Qua đó, khách hàng từ thành phố Lai Châu và các huyện lân cận đã biết tìm đến vườn dâu tây của anh để mua. "Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu tây để có thể đáp ứng được nhu cầu cũng như cung cấp đủ số lượng dâu tây cho khách hàng", A Chảo quả quyết.
Đại úy Nguyễn Minh Chức, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Dào San, thông tin: Trong quá trình đồng hành cùng bà con phát triển kinh tế, cán bộ, chiến sĩ đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi phải xuống tận nơi động viên, chia sẻ để bà con hiểu và làm theo, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất.
Đối với mô hình trồng cây dâu tây của anh Giàng A Chảo, đơn vị nhận thấy, đây là mô hình mới, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, chúng tôi thường xuyên xuống giúp đỡ, hỗ trợ gia đình anh tiếp tục thực hiện tốt mô hình này để nhân rộng ra địa bàn xã trong thời gian tới.