Thứ Bảy, ngày 01/02/2025 11:30 AM (GMT+7)

Du Xuân xứ sở ngàn hoa ở Tây Bắc

2025-02-01 11:30:04

Ở Tây Bắc, khi hoa mận nở trắng rừng, hoa đào hé nụ cũng là lúc bà con người Mông ở các xã vùng cao đón Tết. Cả vùng sơn cước như bừng tỉnh khi Xuân về. Bản trên, bản dưới rộn ràng tiếng pí, tiếng khèn… lòng người hân hoan đón chào mùa Xuân của đất trời.

Xuân về, khắp bản trên, bản dưới như được khoác lên mình bộ áo mới. Nắng vàng như rót mật lên đất Tây Bắc. "Chúa xuân" đã đánh thức ngàn hoa bung nở sau những tháng dài ngủ đông. Cả một vùng đất rộng thênh thang bừng tỉnh. Trên là nền trời trong xanh và sâu thăm thẳm, dưới là màu trắng tinh khôi của hoa lê, hoa mận và sắc tím đào phai. Ngàn hoa đua sắc, vạn vật sinh sôi nảy nở, dâng hiến những gì là đẹp nhất cho mùa Xuân của đất trời.

Trót mang trong mình "dòng máu xê dịch", năm nào tôi cũng ngược ngàn Tây Bắc nhiều chuyến. Những tưởng đã hiểu được tường tận ngóc ngách của miền đất tràn trề nhựa sống này, nhưng mỗi chuyến đi đều có cảm xúc bồi hồi khó tả. Đến Tây Bắc vào mùa Xuân, du khách như bị bỏ "bùa mê" đến quên lối về trước vẻ đẹp hùng vĩ và không ít nhớ thương này.

Người Thái Mai Châu phát triển du lịch gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Nguyễn Linh.

Tây Bắc - nơi nào qua cũng tràn ngập yêu thương

Xứ Mường (Hòa Bình) cửa ngõ của Tây Bắc và cũng là cái nôi của người Việt cổ. Vùng đất non xanh, nước biếc, con người hiền hòa đã là nguồn sử liệu để bao người phải đắm chìm trong vẻ đẹp hoài cổ. Bi, Vang, Thàng, Động là bốn Mường lớn khi xưa. Xứ sở của sử thi "Đẻ đất, đẻ nước" đã nói lên sự đồ sộ và kĩ vĩ cũng như hấp dẫn của đất Mường.

Vượt qua dốc Cun là cả bầu trời rộng mở, ta mới chính thức bước vào đất của xứ Mường khi xưa. Ở mỗi Mường khi đó đều có các vị quan lang cai quản. Đất Mường rộng thênh thang, con người hiếu khách. Về với đất Mường là về với miền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Trầm tích văn hóa còn hiện hữu trên từng nếp nhà, con người nơi đây.

Cồng, chiêng là hai nhạc cụ không thể thiếu trong ngày lễ, ngày hội của bà con người Mường. Ảnh: Tuệ Linh.

Từ huyện Đà Bắc xa xôi đến những bản Mường đẹp như tranh vẽ thuộc huyện Tân Lạc, Lạc Sơn đều có những đội văn nghệ. Đến đất Mường mà không dự lễ hội xên Mường của người Mường quả là thiếu sót. Cồng, chiêng là hai nhạc cụ không thể thiếu trong ngày lễ, ngày hội của bà con người Mường. Nó là linh hồn của tổ tiên gửi vào đó, là tiếng lòng của lớp con cháu đang kế tục cái quản đất Mường.

Ngày hội cũng là nơi để các cô gái người Mường khoác lên mình bộ xiêm y, áo pắn (áo ngắn có độ dài vừa chấm eo lưng), bao xanh, khăn trắng đội đầu, xà tích vắt ngang lưng váy, nom duyên dáng đến lạ. Trong khí xuân trong lành, lòng người rộn ràng, tiếng cồng chiêng bung biêng ngân dài, tỏa khắp các thung lũng tựa như lời thông báo với đất trời, bản Mường đã vào hội xuân.

Đêm hội Mường Bi (Tân Lạc) vẫn còn lưu luyến mãi không thôi. Tạm rời xa Mường Bi, ngược Quốc lộ 6 để đến thung lũng Mai Châu xinh đẹp của bà con người Thái. Nơi đây giờ trở thành địa điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng của Hòa Bình.

Hoa mận nở trắng trời giữa bản Mông. Ảnh: Chu Linh.

Nếu như người Mường tạo dấu ấn với du khách bằng những điệu múa độc đáo, bằng tiếng cồng chiêng bung biêng, bà con người Thái vẫn giữ được những 36 điệu xòe cùng đêm hội nhảy sạp vui nhộn. Điệu nhảy được đệm bởi tiếng trống, tiếng đàn tính ngân nga như dòng suối mát trong xua tan bao nỗi cực nhọc, vất vả của cuộc đời.

Đêm hội bản Thái vui quên lối về. Tiếng đàn tính tẩu ngân vang, tiếng trống như thúc giục, như mời gọi du khách cùng nắm tay nhau nhún nhảy theo điệu xòe, nhảy sạp. Giữa cái khí xuân trong lành, ánh trăng mờ tỏ nơi đầu núi, nắm tay cô gái Thái trong trang phục chiếc váy nhung bó sát, áo cóm thon gọn mới thấy cái hay, cái đẹp của đất Mường.

Đắm chìm trong lễ hội mùa xuân, rượu cần đã ngấm, ngắm nhìn những cô gái Thái nhún nhảy trong điệu múa xòe. Ai đến đất này cũng bịn rịn, cũng lưu luyến khó rời xa. Lòng bảo lòng, hết xuân này, mong cho xuân sau đến sớm ta lại cơ hội trở về miền đất thấm đậm tình người.

Thanh niên người Mông bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La chơi tu lu trong ngày Tết. Ảnh: Chu Linh.

Đến bản Mông say quên lối về

Niềm vui của đêm hội bản Thái tưởng như không dứt. Khác với mùa Xuân của miền đồng bằng chìm trong sương mù và giá rét, xuân ở Tây Bắc nắng ấm chan hòa. Tạm biệt bản Thái xinh đẹp, mến thương, đến với đất của cao nguyên Châu Mộc. Chạm đất cao nguyên, ai cũng bị chìm đắm trong không gian mênh mông của miền sơn cước, tràn ngập hương hoa. Bên những vườn mận, vườn đào đang thi nhau đua nở là những nương chè dài ngút ngàn. Muôn hoa đua nở như tận hiến vẻ đẹp cho mùa Xuân. Đồi nọ nối đồi kia chạy dài tới chân trời.

Gặp anh Tráng A Chu giữa cao nguyên lộng gió - một chàng trai người Mông đã mạnh dạn vay tiền mở khu du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt, xã Vân Hồ chia sẻ rằng, ở Mộc Châu (Sơn La) mùa nào cũng đẹp. Nhưng mùa Xuân mùa đón Tết của bà con người Mông được coi là lộng lẫy nhất, trên là nền trời trong xanh, dưới là muôn hoa đua sắc. Những thảm hoa cải nở vào mùa xXuân như tiếp cho người dân nơi này thêm sức sống.

Du khách nước ngoài thích thú với trò chơi tu lu của người Mông bản Hua Tạt. Ảnh: Chu Linh.

Nhớ ơn Giàng (trời), cứ sau vụ thu hoạch, người Mông nơi đây thường cúng bữa cơm gạo mới để tạ ơn trời đất đã làm cho mùa màng tốt tươi, khí hậu ôn hòa. Thời tiết thuận hòa nên muôn hoa đua nở. Chẳng thế mà người Mông đón Tết từ đầu tháng Chạp và kéo dài cho đến hết tháng mới thôi. Người Mông thường bảo, trong 1 ngày họ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của 4 mùa giao thoa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Buổi sáng khí trời se se lạnh, gió hiu hiu. Buổi trưa nắng vàng chỉ kịp xua tan màn sương mù, để lộ bầu trời trong xanh và sâu thăm thẳm.

Quá Ngọ, nhiệt độ có cao hơn một chút, nhưng không ai cảm thấy có cảm giác nóng bức. Chưa kịp cảm nhận hết cái nắng vàng của thảo nguyên, mặt trời đã khuất dạng sau đỉnh núi xa mờ. Màn sương mỏng đã giăng mắc qua các triền núi rồi tràn về bản, mang theo cả cái lạnh thấu da, thấu thịt. Cả vùng lại chìm trong sương. Được đến đây để cảm nhận từng nhịp thời gian chậm rãi trôi qua mới cảm thấy hết cái vui, cái thú ở đời.

Lang thang qua hết bản này đến bản khác của người Mông vào dịp Tết mới cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của xứ sở cao nguyên này. Vào bất cứ một nhà của người Thái hay người Mông sống ở cao nguyên cũng được họ tiếp đón thịnh tình như người thân đi xa mới về. Chính tính cách phóng khoáng và cởi mở, dễ gần đó của bà con đã tạo nên một nét đặc trưng của con người vùng cao. Khách đến nhà vào ngày Tết thì quý lắm, khách phải ăn cho thật no, uống rượu thì phải uống cho say... Say rồi thì mời khách ngủ lại. Với người Mông nơi đây, nhà ai có nhiều khách đến chơi là một niềm vinh dự lớn.

Sáng sớm hôm sau tỉnh dậy, men rượu ngô con ngây ngất, phảng phất chưa tan, ta lại tiếp tục hành trình khám phá cao nguyên. Những đồi chè xanh mướt dài ngút ngàn toả hương thơm ngào ngạt. Sau cả ngày chìm đắm trong muôn sắc hương, cái bụng đã bắt đầu lép kẹp, cái lạnh se se của đất cao nguyên khiến người lữ khách đã bắt đầu đói cồn cào. Đây cũng là lúc ta có dịp được thưởng thức những món ăn đậm chất nơi cao nguyên.

Nào là gà xương đen - thứ thịt gà thơm ngon nổi tiếng đất Tây Bắc mà chỉ có người Mông mới nuôi được. Đĩa thịt gà có màu xám, chứ không trắng còn bốc hơi nghi ngút, ăn thử một miếng mà ta như cảm nhận được cả cái cái khí chất của đất cao nguyên. Món lợn bản nướng, thơm nức tiếng cuộn với lá móc mật khiến ai đã thưởng thức một lần như muốn quên đường về. Món măng mai xào tỏi rồi rau su su nữa. Tiếp đó là miếng bánh dày rán chấm mật ong, ăn một lần nhớ mãi không quên. Ở đất này món gì cũng ngon, cũng đậm đà tình người, tình đất. Chẳng thế mà nhiều đoàn khách ở tận phương Nam xa xôi, mỗi khi có dịp đến cao nguyên, chẳng muốn rời nửa bước.

Tuệ Linh
Chùm ảnh Tết Mông ở Mộc Châu: Nô nức du xuân

Chùm ảnh Tết Mông ở Mộc Châu: Nô nức du xuân

Trong ngày Tết của đồng bào Mông trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La), những bộ trang phục truyền thống đặc sắc của người dân nơi đây đã tạo nên bầu không khí nhộn nhịp vui xuân, thu hút mọi ánh nhìn của nhiều du khách thập phương.

Gầu Tào - lễ hội đặc sắc của người Mông ở Mai Châu

Gầu Tào - lễ hội đặc sắc của người Mông ở Mai Châu

Lễ hội Gầu Tào ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có từ lâu đời của người Mông, thu hút hàng nghìn người tham gia.