Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Nguyễn Hồng Quân – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường, cho biết: Trong lộ trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, huyện Tam Đường luôn xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân để làm đòn bẩy thúc đẩy thực hiện các tiêu chí khác. Cũng chính vì xác định rõ hướng đi như vậy, nên huyện Tam Đường đã tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, trong đó trọng tâm là phát triển sản xuất nông nghiệp. Và huyện Tam Đường đã thành công. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm sau cao hơn năm trước. Thu nhập tăng lên, người dân có điều kiện sửa sang, xây dựng nhà cửa, góp công, góp sức làm nông thôn mới.
Nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Tam Đường đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Một mặt, huyện tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó ưu tiên cho phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, phục vụ người dân đi lại, sản xuất, thông thương hàng hóa. Mặt khác, huyện Tam Đường chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, thâm canh tăng vụ, khai thác triệt để quỹ đất có khả năng đưa vào sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện Tam Đường cũng đặc biệt quan tâm tới vấn đề thu hút các nguồn vốn, lồng ghép các chương trình dự án trên địa bàn huyện như: Dự án vùng chè tập trung chất lượng cao; chương trình giảm nghèo, chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, dự án thâm canh...để tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất. Qua thực hiện các chương trình, dự án, người dân trong huyện mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất.
Không dừng lại ở đó, huyện Tam Đường còn triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác xã nông nghiệp, kinh tế trang trại, làng nghề; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất, thu hút đầu tư.
Toàn huyện hiện có 22 hợp tác xã, trong đó có 7 hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 3 làng nghề sản xuất miến dong tại xã Bình Lư với tổng số hộ tham gia 42 hộ, tạo việc làm cho 126 lao động và 221 cơ sở ngành nghề nông thôn. Qua đó thúc đẩy phát triển các ngành nghề nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, giúp người nông dân chủ động thời gian, giải quyết áp lực về lao động thời vụ, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập người dân.
"Vài năm trở lại đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Tam Đường có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện tăng nhanh. Nếu như, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của huyện mới chỉ đạt hơn 10 triệu đồng/người/năm, thì đến hết năm 2020, đã tăng lên 30 triệu đồng/người/năm" – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho hay.
Kinh tế phát triển, đời sống, thu nhập của người dân các xã, bản trong huyện không ngừng cải thiện, nâng cao. Người dân các xã, bản trên địa bàn hăng hái tham gia phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới. Từ 2010 – 2020, người dân các xã, bản của huyện Tam Đường đã hiến hơn 140.000m2 đất, đóng góp hơn 200.000 ngày công lao động làm đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, sân vận động...
Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn miền núi của huyện Tam Đường có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đến từng thôn bản, đảm bảo khang trang, thuận lợi cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Các thiết chế văn hóa được củng cố, bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn, duy trì, phát triển. Nhiều xã đã hình thành các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, bền vững. An ninh nông thôn, trật tự an toàn trên địa bàn được đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%-4%/năm.