dd/mm/yyyy

Đổi thay trên vùng quê Anh hùng Mường Chanh

Mảnh đất anh hùng xã Mường Chanh (Mai Sơn, Sơn La) hôm nay đang chuyển mình trong phát triển kinh tế - xã hội.

Clip: Đổi thay vùng quê anh hùng Mường Chanh.

Mường Chanh đa dạng hóa các mô hình kinh tế

Từ một xã khó khăn, bà con xã Mường Chanh cùng nhau đoàn kết, đồng tâm, chung sức xây dựng bản mường giàu mạnh, vươn lên trở thành một trong những xã nông thôn mới tiêu biểu ở huyện Mai Sơn.

Ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, cho biết: Để có sự đổi thay mạnh mẽ về kinh tế trên vùng quê hương cách mạng Mường Chanh, Đảng ủy, UBND xã đã xác định mục tiêu phát triển kinh tế là hàng đầu. Trong đó, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả xen với diện tích cây cà phê cũng như việc thành lập các HTX trong việc liên kết sản xuất, xây dựng sản phẩm OCOP luôn được chú trọng.

Xác định hướng phát triển kinh tế phù hợp, trong đó, cây cà phê là một trong những cây trồng chủ lực giúp người dân nâng cao thu nhập, xã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng cà phê. Đến nay, xã có gần 450 ha cà phê, liên kết sản xuất gắn với chế biến. Các hộ ở trung tâm xã đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ đa dạng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của bà con trong bản, trong xã và mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Đổi thay vùng quê anh hùng Mường Chanh - Ảnh 2.

Quê hương cách mạng Mường Chanh đang ngày càng khởi sắc. Ảnh: Mùa Xuân.

HTX Quyết Chí được biết đến là một trong những HTX trồng cây ăn quả có quy mô lớn ở xã Mường Chanh, ngay từ khi mới bắt đầu thành lập đến nay những khâu về kỹ thuật, chăm sóc cây trồng, bón phân đều được các thành viên thực hiện đúng quy trình nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Lò Mạnh Quyết, Giám đốc HTX Quyết Chí, xã Mường Chanh, thông tin: Từ năm 2019 đến nay, HTX tuyên truyền, hướng dẫn cho 23 thành viên sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ chăm sóc cà phê, cây cam, mận, bưởi... theo nguyên tắc 4 đúng. Liên kết với các tỉnh để bao tiêu sản phẩm, có đầu ra ổn định cho các thành viên trong HTX.

Từ khi tham gia HTX, gia đình anh Hoàng Văn Mắn có thu nhập ổn định hơn trước, cuộc sống khấm khá hơn, hiện anh đã đầu tư xây dựng được ngôi nhà mới xây khang trang. Anh Hoàng Văn Mắn, thành viên HTX Quyết Chí, xã Mường Chanh, chia sẻ: Khi tham gia HTX tôi được các thành viên trong HTX chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả. Đồng thời, khi thu hoạch chúng tôi không phải lo đầu ra cho sản phẩm vườn cây ăn quả. Nhờ vậy, gia đình tôi yên tâm hơn, có thêm điều kiện để cho con học hành chu đáo.

Đổi thay vùng quê anh hùng Mường Chanh - Ảnh 3.

Mô hình trồng cây ăn quả của HTX Quyết Chí, xã Mường Chanh (Mai Sơn, Sơn La). Ảnh: Mùa Xuân.

Mường Chanh vốn nổi tiếng với đặc sản gạo nếp tan. Hiện giống lúa nếp tan nhe Mường Chanh được gieo trồng ở bản Hịa, Lọng Nặm, Nong Ten và một số bản có diện tích ruộng dọc suối Nặm Chanh, khoảng gần 30 ha, sản lượng hơn 120 tấn thóc/năm. Xã đã thành lập được 3 HTX sản xuất giống nếp tan nhe, với hy vọng mang lại thu nhập cho người dân và giữ gìn giống lúa đặc sản không bị mai một.

Là một trong 3 HTX sản xuất nếp tan nhe địa phương tại xã, HTX tan nhe Nong Ten đã tiên phong trong việc thực hiện trồng lúa hữu cơ. Với diện tích canh tác hơn 3 ha, quy trình trồng và chăm sóc khắt khe hơn đối với các giống lúa khác. Đặc biệt, chỉ sử dụng các loại phân vi sinh, phân chuồng hoai mục để bón, mới giữ được chất lượng gạo. Từ đó, năng suất lúa đạt từ 4 đến 4,5 tấn/ha, nhưng tỷ lệ gạo đạt được khi xay xát cao hơn các loại thóc khác.

Đổi thay vùng quê anh hùng Mường Chanh - Ảnh 4.

Diện tích đất dốc ở Mường Chanh phủ xanh cây cà phê. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Hoàng Văn Hoa, Giám đốc HTX tan nhe Nong Ten, xã Mường Chanh, cho hay: Chúng tôi tuyên truyền các thành viên duy trì làm cỏ, bón phân để lúa phát triển để cho năng suất, chất lượng cao, nếp tan nhe của HTX chúng tôi bán trong tỉnh. Trồng lúa 2 vụ, mỗi năm HTX thu hoạch gần 20 tấn thóc, cung cấp ra thị trường khoảng 15 tấn gạo, doanh thu đạt gần 500 triệu đồng. Định hướng sắp tới HTX sẽ phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và sẽ tích cực tham gia các lớp tập huấn để học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất.

Mường Chanh duy trì nghề gốm bản địa 

Ngoài nghề trồng lúa, Mường Chanh còn nổi tiếng với nghề làm gốm. Các sản phẩm gốm của đồng bào Thái Đen ở xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn đã từng nổi tiếng khắp vùng đất Tây Bắc. Ngày nay, dù đã bị mai một khá nhiều nhưng với tình yêu nghề ông Hoàng Văn Nam, bản Nong Ten vẫn đang từng ngày lưu giữ được những giá trị gốm xưa.

Ông Nam bảo: Tất cả các công đoạn đều được gia đình tôi làm thủ công, để hoàn thiện một sản phẩm gốm phải mất từ 5 đến 7 ngày từ tạo hình, sấy khô, nung gốm. Một năm, gia đình tôi chỉ nung được 5 lò gốm, mỗi lò khoảng 40 sản phẩm là các chum, bình đựng rượu, chén, bát. Tôi đã được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam ở Hà Nội và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên mời đi thực hành làm gốm truyền thống cho khách du lịch xem.

Đổi thay vùng quê anh hùng Mường Chanh - Ảnh 5.

Duy trì nghề gốm truyền thống Mường Chanh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: L.G.

"Tôi làm nghề gốm được 45 năm rồi, để làm gốm thì phải chọn đất sét màu vàng, mỗi mẻ thì cũng làm được từ 20 đến 40 lọ hoa, bây giờ tôi cũng già rồi nên cũng sẽ truyền lại cho các con, các cháu để bảo tồn và lưu giữ nghề gốm truyền thống của dân tộc mình". Ông Nam nói.

Năm 2017, sau khi trở thành xã thứ 2 của huyện Mai Sơn về đích nông thôn mới, xã Mường Chanh không ngừng nâng cao và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới. Hiện nay, thu nhập bình quân của xã đạt khoảng 45 triệu đồng/người/năm, tăng 3 triệu đồng so với năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,06%.

Quê hương cách mạng Mường Chanh hôm nay đã khoác trên mình tấm áo mới, với hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang; những ngôi nhà cao tầng, các quầy hàng đầy ắp hàng hóa và những con đường bê tông kiên cố đi qua các bản; đời sống nhân dân ngày càng sung túc. 

Mùa Xuân